Suy nghĩ về làm phim lịch sử

08/10/2010 11:03 GMT+7

(TT&VH) - Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, nhiều bộ phim truyện lịch sử được thực hiện, như: Tây Sơn hào kiệt, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, Khát vọng Thăng Long, Long thành cầm giả ca, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô... Đây là lần đầu tiên chúng ta có lượng phim cổ trang mạnh về cả số lượng và chất lượng như vậy.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Trong đó có sự tham gia của nhiều công ty tư nhân với số tiền đầu tư nhiều chục tỷ đồng như công ty Trường Thành, Sao thế giới, Lý Huỳnh, Kỷ nguyên sáng (chiếm tới 2/3 lượng phim sản xuất). Thiết nghĩ, rất đáng ghi nhận tấm lòng của họ với văn hóa, lịch sử dân tộc (trong hoàn cảnh dân ta thuộc sử Tàu hơn sử ta), và cũng rất đáng ghi nhận lòng dũng cảm đầu tư vào một lĩnh vực đầy rủi ro (chúng ta hầu như thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức làm phim lịch sử).

Gần đây rộ lên nhiều ý kiến phê phán phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long về việc giống phim Trung Quốc trong bộ phim này. Cũng nhiều ý kiến nặng lời với nhà sản xuất và những người sáng tác.  

Tôi thấy cần trao đổi thêm về việc này, vì sau đây, khi các bộ phim khác ra đời cũng sẽ không tránh khỏi những yếu tố ảnh hưởng tương tự.


Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long
làm dấy lên những suy nghĩ về phim lịch sử
Thứ nhất, trách nhiệm đầu tiên phải được đặt lên các nhà quản lý văn hóa

Khi có chủ trương cho ra đời hàng loạt phim lịch sử như đợt này, lẽ ra các nhà quản lý văn hóa cần tổ chức, tập hợp các chuyên gia lịch sử, văn hóa, xã hội, văn nghệ sĩ để tìm ra và thống nhất những yếu tố có tính chiến lược, như: thế nào là phim lịch sử Việt Nam, đâu là đặc tính Việt cho dòng phim này, nên hình dung ra sao về văn hóa, phong cách quan hệ xã hội xưng hô, về đi lại, ăn, ở, mặc... của người Việt trong lịch sử.

Tại sao điện ảnh Nhật Bản, Hàn Quốc tạo nên được một dòng phim lịch sử có sắc thái riêng, khác phim Trung Quốc? Tôi nghĩ không phải do các nhà làm phim các nước này yêu dân tộc họ hơn chúng ta, mà là đường lối văn nghệ, chính sách văn hóa lịch sử của lãnh đạo đã được triển khai cụ thể bài bản đến các nhà sản xuất, đến văn nghệ sĩ.

Thứ hai, chúng ta còn rất thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm phim lịch sử

Trước hết là về quan niệm. Cách đây vài năm, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh hỏi ông Chủ tịch Hiệp hội Kịch bản Hàn Quốc về kinh nghiệm làm phim lịch sử. Câu trả lời là, muốn làm được phim lịch sử thì không nên quá tin ghi chép lịch sử.

Tôi cho rằng, không nên câu nệ vào những ghi chép lịch sử mà chỉ cần tôn trọng tâm thức lịch sử, không khí lịch sử.

Chi tiết, yếu tố lịch sử trong phim sẽ luôn là đề tài tranh cãi. Sẽ không có tài liệu nào đáng tin cậy về trang phục, nhà cửa, vật dụng, thói quen sinh hoạt của người Việt cách đây hàng ngàn năm. Mà giả sử có khai quật được ở đâu đó thì cũng sẽ chỉ là để tham khảo do yếu tố vùng miền. Dân cố đô Hoa Lư chắc gì đã sinh hoạt giống dân kẻ chợ Thăng Long?

Vậy rất cần sự thống nhất tương đối của các nhà làm phim, giới sử gia, văn hóa, văn hóa dân gian, văn học sử. Để xây dựng hình ảnh người Việt trong lịch sử (triều đình và dân chúng), trên nguyên tắc: đẹp và giống lịch sử. Tôi nhấn mạnh yếu tố đẹp vì sẽ khó chấp nhận các nhân vật nữ trong phim đều nhuộm răng đen.

Nếu chúng ta làm tốt được việc này, thì 10, 20 năm nữa, các thế hệ làm phim sau không khốn khó như chúng ta hôm nay. Và biết đâu, phim lịch sử Việt sẽ tạo dựng được hình mẫu người Việt xưa trong lòng các thế hệ mai sau?

Thứ ba, cần đầu tư tập trung để hiệu quả và không tốn kém

Sản xuất phim lịch sử cần đầu tư lớn, chủ yếu cho bối cảnh, đạo cụ, phục trang, hóa trang. Vừa qua, do không đủ kinh phí nên nhiều đoàn phim phải qua Trung Quốc quay nhờ bối cảnh (cung điện), thuê phục trang tại Trung Quốc, hoặc vào Huế để quay giả cung điện thời Lý, thời Trần... Phần lớn cảnh trí, đạo cụ phục trang chỉ làm có tuổi thọ vừa đủ để quay chính phim đó, nên sau một thời gian ngắn không thể tái sử dụng cho phim khác được.

Rất tốn kém, không chuẩn, lại thất thoát do chi trả tại nước ngoài. Lý do vẫn là thiếu một sự chỉ đạo, tổ chức. Một số nhà làm phim ao ước: giá như Nhà nước đầu tư khoảng 200 tỷ cho một khu chuyên làm phim lịch sử, xây dựng sẵn thành quách, đền đài, nhà cửa... thì đã không xảy ra tình trạng phí phạm, manh mún chắp vá và giống phim Trung Quốc như vừa rồi.

Phim lịch sử là một dòng phim đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến ý thức tự hào dân tộc, góp phần định hình nhiều sắc thái lịch sử, văn hóa, xã hội (vốn chưa đủ cụ thể rõ nét trong chính sử, dã sử và văn học sử). Do vậy cần sách lược ở tầm Nhà nước cho dòng phim này.  

Đạo diễn Phi Tiến Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm