17/11/2011 10:50 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Sau bộ phim kinh dị Giữa hai thế giới (ĐD: Vũ Thái Hòa) công chiếu tại rạp hồi cuối tháng 7 không mấy thành công, Giáng sinh này, khán giả sẽ “giáp mặt” với Lời nguyền huyết ngải (ĐD: Bùi Thạc Chuyên), Bẫy cấp 3 (ĐD: Lê Văn Kiệt), riêng Cột mốc 23 (ĐD: Nguyễn Quốc Duy) thì chiếu vào dịp Tết 2012.
Dẫu biết rằng làm phim kinh dị ở Việt Nam là một thách thức, vì còn những cách nhìn khác nhau về thể loại này; cũng như việc thiếu kinh phí hoặc khó thu hồi vốn đã khiến nhà sản xuất, nhóm sáng tạo không dám “thẳng tay” đầu tư. Tuy vậy, thể loại phim này vẫn là một “cám dỗ” khó bỏ qua, nên ngày càng có nhiều hãng phim muốn dấn thân làm tiếp.
Chưa có cốt truyện mới
Cảnh trong phim Cột mốc 23. Ảnh TL
Nhìn vào tên của các đạo diễn thì thấy Bùi Thạc Chuyên đã khá quen thuộc với khán giả, riêng Lê Văn Việt và Nguyễn Quốc Duy thì đã có nhiều kinh nghiệm phim trường nhưng chưa có phim khẳng định tên tuổi. Sau Cuốc xe đêm, Sống trong sợ hãi, Chơi vơi... rõ ràng Bùi Thạc Chuyên đang muốn làm mới mình; hai đạo diễn còn lại, chọn một thể loại khó nuốt, chắc cũng muốn thử thách nghề nghiệp và khẳng định mình.
Đúng như quan niệm của Hollywood về kịch bản: không có viết mới mà chỉ có viết lại, mấy phim kinh dị này chưa cho ta thấy một cốt truyện mới mẻ, đột phá. Loanh quanh vẫn là tạo hình rùng rợn, cái chết bí ẩn, oan hồn, nợ máu...
Phim Lời nguyền huyết ngải là câu chuyện về 3 nam sinh viên trường y (đại diện cho khoa học thực nghiệm) đối diện với những ma quái của huyết ngải (khoa học bí truyền), làm sao để họ vượt qua? Phim có sự tham gia của NSND Như Quỳnh, NSƯT Thành Lộc, Phan Anh, Yu Dương, Trần Thị Hạnh... do Galaxy đầu tư và phối hợp sản xuất. Lướt qua câu chuyện và cách tạo hình nhân vật, phim này phảng phất không khí của các phim ngải Thái Lan và phim kinh dị Hàn Quốc.
Có không khí hương xa đồng nội, phim Cột mốc 23 đan xen chuyện cô gái 23 tuổi tên Nhã Trang với cái cột mốc đường số 23 - nơi diễn ra câu chuyện ma quái, khó hiểu. Trước cái chết vì bệnh u não, Nhã Trang đã được “mở cánh cửa” để bước qua cảnh giới khác, tạm gọi là của “kiếp ma nghèo”, khiến người phụ nữ thành thị và thành đạt này phải thay đổi định kiến. Bên cạnh chất ly kỳ, phim còn được cho là có nhiều cảnh “nóng” nhất, với sự tham gia của Bảo Trúc, Thu Phương, Huy Khánh, Thân Thúy Hà, Diễm Châu, Trung Dân, Phi Thanh Vân, Quốc Cường, Tiết Cương, Công Ninh... do LS Pro- duction, V-Art và HTVC hợp tác sản xuất.
Riêng Bẫy cấp 3 thì cấu trúc từ một ham muốn làm tình của Minh, khi cô bạn gái cùng học cấp 3 là Hằng sắp du học. Trong chuyến đi Ðà Lạt cùng cả lớp, Minh và Hằng rủ thêm Chấn và Trang tách riêng để làm cuộc “xé rào”. Trong cuộc “đi ăn vụng” này bị cậu bạn Chuột bám theo, thế rồi vô số chuyện kỳ bí, mất tích, giết người xảy ra... Chuyện gì phía sau những tình tiết li kì này là điều để khán giả khám phá. Phim do các diễn viên trẻ như Hoàng Oanh, Trương Nam Thành, Saetti Baggio, Mi Minh, Khắc Duy, Thanh Thức, Quách An An, Tuấn Khải, Diễm Phương... đảm trách, do CocoParis LLC sản xuất.Cảnh phim trường Lời nguyền huyết ngải. Ảnh: TL
Nơi người trong cuộc “đổ thừa”!
Có hai điểm chung khi nói về các phim kinh dị tại Việt Nam, nếu nhìn từ đạo diễn, đó là sự kiểm duyệt còn quá khắt khe và kịch bản thì chưa đủ sức hấp dẫn. Với thể loại này, vài đạo diễn cho biết mình thích làm kịch bản của người khác hơn, nhưng do không tìm ra tác phẩm hay nên mới tự viết. Mà tự viết thì cũng không dám quá phiêu lưu, sợ không đủ kinh phí sản xuất, hoặc không lấy được giấy phép. Bùi Thạc Chuyên cho biết Lời nguyền huyết ngải sẽ tập trung vào “các nút thắt - mở liên tục, khiến khán giả sởn gai ốc, chứ không sử dụng hình ảnh ghê rợn”. Điều này giúp cho nhà sản xuất bớt nhọc công đầu tư hóa trang và cũng tránh né phần nào sự kiểm duyệt, với lý do “mê tín, dị đoan”.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín (Hãng phim Chánh Tín) từng tâm sự: “Làm phim kinh dị ở Việt Nam quá phức tạp và gian khổ, do phải trải qua quá nhiều khâu xét duyệt từ khi xin giấy phép cho đến khi hoàn tất hậu kỳ. Đó là chưa kể khi phim ra rạp lại bị cắt xén những hình ảnh, phân đoạn hấp dẫn, gây khó hiểu cho người xem”.
Đạo diễn Lê Bảo Trung thì cho rằng: “Phim kinh dị mà làm cho đúng thể loại này thì sẽ vi phạm Luật Điện ảnh: không cho phép những cảnh quay gây sợ hãi, bạo lực, hoang mang, truyền bá tệ nạn mê tín dị đoan... Theo tôi, để giải quyết điều này ổn thỏa thì nên phân loại phim như các nước đã làm”.
Nhà sản xuất Phước Sang cũng đồng ý: “Đây là cuộc vật lộn từ khâu tuyển chọn kịch bản đến kinh phí, bối cảnh, kỹ xảo, kỹ thuật sản xuất và cuối cùng là sự kiểm duyệt gắt gao của các cơ quan chức năng”.
Cũng xin nói thêm, nếu Việt Nam phân loại phim giống các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc (gồm cả Đài Loan, Hong Kong), Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan... thì chắc chắn khó bị đổ thừa này nọ. Bởi ai cũng biết mỗi hoàn cảnh làm phim cần một sự thích nghi riêng, vấn đề còn lại là tài năng đến đâu mà thôi.Ngoài 3 phim kinh dị dịp cuối năm, khán giả cũng có thể chờ đón các phim cùng hương vị này ở năm 2012 như Căn nhà trong hẻm (ĐD: Lê Văn Việt), Bàu trắng (ĐD: Nguyễn Trọng Khoa), Những con búp bê, Mùa Noel năm ấy (Hãng phim Chánh Tín), Con ma nhà họ Hứa (ĐD: Thanh Hương)… |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất