12/09/2013 08:15 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài kiếm tiền từ các phòng vé trên toàn cầu, Hollywood không quên “bài học sơ đẳng” của công nghiệp làm phim: kiếm tiền từ bất cứ thứ gì điện ảnh chạm tới. Và James Bond có thể được xem là “phi vụ làm ăn” lớn nhất, hoàn hảo nhất của Hollywood.
Hơn nửa thế kỷ qua, James Bond không chỉ còn là một nhân vật điện ảnh, mà đã trở thành nhãn hiệu toàn cầu.
Hút quảng cáo chỉ thua… Olympic!
Không phải bỗng dưng tờ Business Week chuyên về kinh doanh lại quan tâm tới nhân vật James Bond để rồi phác họa nên một đế chế quảng cáo qua mẫu hình nhân vật điện ảnh này. 50 năm qua chàng James đã đi 290.000 km qua nhiều quốc gia, tạo cơn sốt du lịch qua nhiều thập niên, tổng giá trị số xe hơi mà James Bond đã lái vào khoảng 14,2 triệu USD mà trong đó, đắt tiền nhất là chiếc Aston Martin DB5 đầu tiên được sử dụng trong Goldfinder và Thunderball, với một cái giá không tưởng là 8,6 triệu USD. Cùng với đó, chàng đã uống 21 ly Martini, 19 ly Vodka Martini và 16 ly Gin Martini. Đó còn chưa kể hằng hà những bộ trang phục, mắt kính, đồng hồ, nước hoa, máy bay chuyên chở… đã đem về cho James Bond, hay đúng ra, cho nhà sản xuất phim, hàng núi lợi nhuận, chưa kể con số 8 tỷ USD tiền vé thu được trong 5 thập kỷ qua. Có thương hiệu nào hút quảng cáo hơn Bond? Có, nhưng đó là… Olympic!
Tính đến giờ này, nếu có thực, James Bond đã 90 tuổi. Nhưng Bond không được già, bởi nếu anh già đi sẽ làm ngành quảng cáo thất thu nặng.
Hãng Heineken đã bỏ 45 triệu USD cho vài giây Bond xuất hiện trong bộ phim Skyfall
Chỉ bằng một câu nói của Bond “chỉ lắc, không khuấy” đã mang về cho Hãng rượu Smirnoff 4 thập niên liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng! Vodka Nga là món cực kỳ ưa thích của nhà văn Ian Fleming, cha đẻ James Bond và ông đã cho Bond dùng nó như một thức uống ưa thích xuyên suốt các serie. Ban đầu Ian chỉ dùng vodka đơn thuần, sau này ông phát hiện ra rằng ở Mỹ cũng có Vodka Martini và ông quyết định pha hai dòng theo một tiêu chuẩn riêng đủ để chứng tỏ Bond là một người rất sành điệu. Suốt 4 thập niên Smirnoff là hãng Vodka duy nhất được James Bond tin dùng. Số tiền mà hãng rượu này bỏ ra rất lớn nhưng chưa bao giờ được công bố. Nhưng đến năm 2002, Smirnoff đã bị đối thủ cạnh tranh, Finlandia, đá văng ra khỏi menu ưa thích của Bond. Vụ này gây cơn sốt vào năm 2002 dù chi tiết hợp đồng cũng không được công bố. Nhiều người cho rằng con số này sẽ chiếm khoảng 1/3 kinh phí làm phim. Cần biết rằng, tổng số tiền mà các nhãn hàng tranh nhau tài trợ cho bộ phim năm đó, Die another day (2002), là 120 triệu USD trong khi tổng kinh phí sản xuất, bao gồm cả quảng cáo toàn cầu, là 142 triệu, tức đã chiếm 2/3 ngân sách. Năm đó bộ phim này thu về 431 triệu USD, lãi ròng hơn 400 triệu và nhiều người bảo rằng bộ phim này đúng ra phải mang tên Buy Another Day.
Chính vì con số kinh hoàng đó mà một lần nữa Smirnoff quyết trở lại bằng mọi giá. Năm 2006, Smirnoff lại đá văng Finlandia ra khỏi menu của Bond với bộ phim Casino Royale. Hai năm sau, Bond một lần nữa chọn Smirnoff, lần này, cầu kỳ hơn một chút trong phim In Quantum Of Solace (2008). Trong phim này Bond chỉ người pha chế rượu cách trộn thức uống trong một cảnh khi anh đang chơi bài poker “đo ba lần rượu Gordon’s, một lần Vodka, nửa lần rượu Kina Lillet. Lắc chung với đá, và thêm một lát chanh mỏng” và tất nhiên không quên câu bất hủ “chỉ lắc, không khuấy”. Bao nhiêu tiền cho màn ấy? Rất nhiều, chỉ có điều không được công bố.
Phải đến bộ phim mới nhất, Skyfall, người ta mới ngờ ngợ rằng hãng rượu kia đã phải trả rất nhiều tiền cho Bond. Không phải vì Bond uống Martini mà vì Bond uống… Heineken. Chỉ một phân cảnh vài giây, khi Bond nằm trên giường và nốc bia với chai màu xanh, Hãng Heineken đã phải móc ví trả 45 triệu USD, bằng 1/3 tổng kinh phí sản xuất. Tất nhiên Bond vẫn uống rượu, nhưng lần này có thêm cả bia, một nhãn hiệu mà cả đàn ông và đàn bà đều uống được. Tờ NBC News cho rằng dù nhà sản xuất phải dày mặt để chống đỡ những luồng phản đối của fan thì họ cũng không thể làm ngơ với số tiền như vậy. Kết quả cuối cùng, Skyfall thu về hơn 1 tỷ USD, lãi ròng cũng xấp xỉ ngần ấy.
|
Đã từ lâu James Bond luôn nhận được giấy thông hành để… bán. Bán tất tần tật, miễn có tiền thì đều có thể thỏa thuận. Từ khá lâu, theo nguyên bản của Ian Fleming, Bond thường chạy chiếc Aston Martin của Hãng Ford. Nhưng đến năm 1995, khi bộ phim Golden Eye ra mắt, công chúng lại thấy chàng đang làm điệp vụ trên chiếc Z3 của BMW. Đơn giản là vì BMW đã chồng đủ 25 triệu USD để “thay xe” cho Bond. Vụ hất cẳng ấy đã để lại cho Ford một vố đau. Phải đến 7 năm sau, Ford mới trở lại bằng một bản hợp đồng trị giá 35 triệu USD và lần này Bond mới chịu khởi động trên chiếc Aston Martin Vanquish V12 có giá 230 nghìn USD. Cần biết rằng, sau đó, 700 chiếc Ford Thunderbird phiên bản giới hạn có gắn logo 007 đã bán hết vèo với giá 50.000 USD mỗi chiếc. Và từ đó đến nay, Ford quyết không để Bond ngồi trên chiếc xe nào khác logo của mình.
James Bond thay người tình như thay áo, và trong kinh doanh anh cũng vậy. Chỉ riêng đồng hồ anh đeo cũng đủ làm bao người phải thèm thuồng. Từ Omega Seamaster cho đến Rolex Submariner, từ Seikos cho đến Breitlings… và chiếc đồng hồ nào cũng có chức năng giải cứu bạn gái bằng tia laser. Có gã đàn ông nào lại không muốn như thế dù biết rằng nó chẳng hề có thật?
Chỉ riêng bộ quần áo Bond mặc cũng có thể kiếm ra tiền (tất nhiên Bond chẳng bao giờ bỏ tiền ra mua). Mới nhất là bộ Bond mặc trong Skyfall. Bạn thích chứ? Nếu thích hãy tìm Tom Ford. Chẳng biết Tom Ford đã bỏ bao nhiêu tiền, nhưng nhãn hiệu mà Bond ưa dùng trước đây, Brioni, đã không còn là lựa chọn duy nhất. Điện thoại di động Bond xài, cũng từ Sony Ericsson chuyển sang Sony Xperia T...
Bond đeo đồng hồ Omega, xách va-li của Samsonite, chỉ bay máy bay của Hãng British Airways (trước đây là Pan Am), uống Vodka của Finlandia (rồi trở lại với Smirnoff), cạo râu của Hãng Norelco, chụp ảnh bằng máy Kodak, rửa mặt bằng sữa của Hãng Revlon… Bond đã tạo ra một chuẩn mực của một người đàn ông đích thực mà tất cả các nhãn hàng đều đang muốn tạo nên.
Tại Mỹ, việc quảng cáo nhãn rượu hay thuốc lá luôn bị kiểm soát rất gắt gao. Với rượu thì nhà sản xuất phim phải chứng minh khán giả của mình 75% trên 21 tuổi. Thông điệp của nhãn rượu tuyệt đối không nói đền nồng độ và không khuyến khích uống vô trách nhiệm. Còn riêng thuốc lá thì còn gắt gao hơn. Hoàn toàn không có chuyện quảng cáo thuốc lá hay một nhãn hàng thuốc lá nào đó. Chỉ trừ khi nhân vật trong phim có lí do chính đáng để hút hoặc đó là một nhân vật lịch và thường hút thuốc. Ủy ban truyền thông liên bang (FCC) luôn nắm rõ chuyện này và sẽ phạt rất nặng với những nhà sản xuất vi phạm, từ phim ảnh cho đến truyền hình.
Sao lại là Bond?
Đã có nhiều nhà phân tích rằng cho dù Bond đã trở thành một biểu tượng văn hóa mà ai cũng muốn hướng đến nhưng những thương hiệu mà Bond dùng hoặc khoác lên người liệu có trở thành mặt hàng bán chạy hay không?Đáp lại là quảng cáo vẫn đổ xô nhau mong có một chỗ đứng trong phim James Bond.
Đầu tiên là rượu. Luật pháp ở Mỹ hay Anh đều hạn chế quảng cáo thuốc lá và rượu trên phim nhưng không cấm hoàn toàn. Với rượu thì nhà sản xuất phải chắc chắn rằng 75% khán giả trên 18 tuổi hoặc bộ phim đó phải dán nhãn. Còn với thuốc lá thì gần như tuyệt đối cấm nhưng nếu người hút có lý do thật sự thì sẽ được thông qua. Như Bond là một hình mẫu thích hợp với lượng khán giả từ 13 đến 59 tuổi, trong đó lượng khán giả từ 13 đến 20 tuổi chiếm chưa đến 15% nên rất dễ dàng được các hãng rượu, bia ưa thích. Sở dĩ Finlandia quyết đua với Smirnoff là phân khúc của Smirnoff từ 21 đến 29 tuổi trong khi Finlandia xê dịch từ 25 đến 39 tuổi, độ chiếm tỷ lệ xem Bond nhiều nhất. Cần biết rằng thời điểm đó, 2002, Finlandia có độ phủ ngoài nước Mỹ là 80% thị phần trong khi ở Mỹ họ chỉ cựa quậy được trong 1% và nhìn đối thủ Smirnoff “lắc đều” với 16%. Thông qua Bond, Finlandia muốn mở rộng hơn thị phần trong lòng nước Mỹ và sau đó, họ cũng phần nào thành công.
Nhưng không phải ai cũng thành công hết thảy khi đầu tư vào Bond. Theo phân tích của tờ Advertisement Journal là do bởi Bond đang mang quá nhiều thương hiệu trên mình và điều này phần nào làm loãng đi vào chủ thể cần được nhắc đến. “Khi Bond lái xe trên đường, bạn sẽ chú ý vào chiếc xe hay chiếc đồng hồ anh ấy đeo hay bạn sẽ chỉ chăm chăm vào bộ vest anh ấy mặc? Chắc chắn bạn sẽ bị phân tán và các nhà quảng cáo sẽ hơi buồn lòng về chuyện ấy. Khi Bond uống bia thì cả thế giới sẽ lên cơn khát nhưng chắc chắn những người Hồi giáo sẽ chẳng quan tâm. Và họ có hơn 1 tỷ người không uống bia. Đã qua rồi thời mà Tom Cruise đeo kính Ray Ban và sau đó mặt hàng này bán chạy nườm nượp. Khách hàng bây giờ luôn nhận thức đúng với những gì mà các công ty quảng cáo ra rả trong các chiến lược tiếp thị. Họ nhìn thấy, biết về nó nhưng chẳng đọng lại nhiều ý nghĩa và họ sẽ hoài nghi. Bây giờ khách hàng đã hiểu ra rằng, nhân vật nổi tiếng kia mặc bộ quần áo đó, đeo chiếc đồng hồ nhãn hiệu đó là vì tiền, chứ không phải những thứ đó là thật sự tốt cho họ”.
Ngay cả bộ phim Skyfall được xem là rất thành công về nội dung và làm các nhãn hàng đầu tư rất hài lòng nhưng không phải là tất cả. Một giám đốc điều hành của Hãng xe Volkswagen, cho rằng thương vụ với Skyfall là một thất bại. Bởi Volkswagen không thể ngờ rằng xe của hãng mình lại bị một chiếc cẩu cán dập nát ngay trong đoạn đầu phim. “Chúng tôi hoàn toàn không hài lòng về cách xe của chúng tôi được thể hiện trong bộ phim này, nếu biết chúng bị như thế thì chúng tôi đã từ chối”. Sở dĩ như vậy vì ban đầu Volkswagen không có tên trong danh sách khách hàng đã được lên kế hoạch, đó chỉ là giải pháp vá víu cho một phân cảnh nảy sinh và thế là hợp đồng được ký chóng vánh nhưng hiệu quả lại không như mong muốn. Sở dĩ hãng xe của Đức sẵn sàng nhảy vào bởi thương hiệu của Bond quá lớn và cũng bởi ở Đức không bao giờ được phép quảng cáo nhãn hiệu như thế trên phim truyền hình. Chỉ còn một cách là nhảy vào các bộ phim chiếu rạp, càng nổi tiếng càng tốt. “Vụ này tuy không được nói ra chi tiết nhưng chắc chắn là hơn 6 số 0”, vị giám đốc này tiết lộ.
Ông này cũng nói rằng tất cả những nhãn hiệu được thấy trong phim Bond đều phải trả tiền và các nhà sản xuất luôn có một đội ngũ cực kỳ chuyên nghiệp liên hệ với nhãn hàng để bắt họ phải xì tiền nếu muốn có mặt trongphim Bond. “Người ta đếm trong phim Ocean’s Twelve có đến 40 nhãn hiệu, phim Sex And The City cũng cỡ đó và Bond chẳng thua kém nhưng cái mà khán giả khi xem xong họ sẽ không nói rằng đây là một bộ phim quảng cáo, bởi nội dung của nó vẫn hấp dẫn từ đầu đến cuối và các nhãn hàng thậm chí phải xếp hàng để được gọi tên”.
Tờ Welt của Đức phân tích rằng để có 30 giây quảng cáo trên truyền hình giờ cao điểm, các nhãn hàng phải trả 50.000 đến 60.000 euro, trong khi phí đầu tư thông thường cho một bộ phim bom tấn của Hollywood thì giá sẽ từ 200.000 đến 2 triệu euro nhưng hiệu suất xem cao và hiệu quả rất lớn. Vậy tính ra quảng cáo trên phim vẫn rẻ hơn trên truyền hình rất nhiều.
Claudia Muller, người phụ trách tiếp thị của Hãng xe BMW cho hay: “Chúng tôi luôn tha thiết gắn mác BMW bên cạnh một đấng nam nhi như Bond. Anh ta sang trọng, tinh khiết, văn hóa và đó là những gì chúng tôi theo đuổi”. Nhưng BMW hay Audi bây giờ chỉ còn đóng vai phụ trong các bộ phim Bond bởi nhân vật chính không ai khác hơn là Aston Martin, chưa kể Jaguar và Land Rover. Khi bộ phim Skyfall bắt đầu quay, 70 chiếc Jaguar và Land Rover hiện đại nhất được điều đến phục vụ ê-kíp quay, bất kể giờ giấc và cuối cùng những chiếc siêu xe ấy đã xuất hiện trong phim.
Nếu bây giờ hỏi các nhà đầu tư rằng liệu họ vẫn còn niềm tin vào Bond hay không thì họ sẽ trả lời rằng: 25% đến 50% dân số toàn cầu đã ít nhất một lần trong đời xem Bond thi hành điệp vụ, tức là khoảng 2,5 tỷ đến 5 tỷ người xem. Họ sẽ nói tiếp điều gì? Họ sẽ nói một câu chắc chắn: “Chúng tôi vẫn muốn ở đó”.
Vậy thì Bond sẽ không bao giờ chết.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất