Phim '12 Years a Slave': Chấn động về thân phận nô lệ

12/09/2013 14:00 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Khi ra mắt phim 12 Years A Slave (tạm dịch: 12 năm làm nô lệ), nhà làm phim Anh Steve McQueen (44 tuổi) hy vọng bộ phim sẽ tạo nên một cuộc tranh luận mới và thẳng thắn về tình trạng buôn bán nô lệ.

Được công ty Plan B của nam tài tử Hollywood Brad Pitt sản xuất với kinh phí 22 triệu USD, phim sẽ đến với khán giả Bắc Mỹ vào ngày 18/10.

Nhiều nhà phê bình tiên đoán phim sẽ được nhiều đề cử Oscar, trong đó có cả đề cử ở hạng mục Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Diễn viên xuất sắc nhất.

Gợi lại những cảnh rùng rợn về nô lệ

Phim 12 Years A Slave là câu chuyện kể về Solomon Northup, một người da đen tự do, một nghệ sĩ violin đang sống hạnh phúc bên vợ và 2 con ở bang New York. Tai họa xảy ra khi Northup bị 2 kẻ xấu đánh thuốc mê rồi bị bán làm nô lệ vào năm 1841.

Phim gợi lại những cảnh rùng rợn về tình trạng nô lệ phải làm việc đến kiệt sức, bị làm nhục và phải sống xa người thân yêu.

Trong cảnh đầu phim, Northrup cố gắng thuyết phục mọi người rằng ông không phải nô lệ. Song ông nhanh chóng hiểu được rằng hoàn toàn không có hy vọng lấy lại cuộc sống tự do. Việc tỏ ra hiểu biết chỉ càng khiến ông trở thành mối đe dọa của những kẻ buôn bán và chủ nô lệ. Northup đành chấp nhận cuộc sống thấp kém của nô lệ.

Nhưng khi biết mình được bán cho Edwin Epps (Michael Fassbender), một chủ nô phức tạp, tàn bạo, nghiện rượu nặng và đang yêu say đắm nô lệ Patsey (Lupita Nyong'o), Northup đã cố gắng bảo vệ cô trước Epps. Kết quả là ông bị lão chủ tra tấn rất dã man cả về thể xác lẫn tinh thần.

Sau 12 năm, Northup đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ nhờ sự dàn xếp của một người Canada chống chủ nghĩa nô lệ (Brad Pitt). Northup rời khỏi đồn điền của Epps, nhìn lại nơi này với đôi mắt đầy hoài nghi. 


Cảnh trong phim 12 Years A Slave

Chấn động dư luận

Phát biểu trong cuộc họp báo tại LHP Quốc tế Toronto, đạo diễn McQueen nói: “Đã có một số phim điển hình về tình trạng nô lệ, như Beloved, Amistad và phim truyền hình Roots. Tuy nhiên công chúng chưa hề được xem bộ phim nào như 12 Years A Slave. Đây là một sự miêu tả chân thực nhất về cảnh nô lệ. Tôi muốn mọi người tham gia hành trình cùng Solomon Northup. Tôi muốn được thấy những hình ảnh từ quá khứ đặc biệt ấy. Tôi muốn được trải nghiệm thông qua những hình ảnh”.

Phim đã nhận được những tràng pháo tay vang dội khi được công chiếu tại LHP Quốc tế Toronto. Không ít khán giả bật khóc khi xem. Có cả những khán giả phải bỏ về sớm bởi không chịu nổi những cảnh quá bạo lực và tàn nhẫn trong phim.

Sau buổi chiếu phim tại thành phố Telluride ở Colorado hồi cuối tháng 8, tờ Variety đã có một bài phê bình về bộ phim, trong đó nhận xét: “Thật hổ thẹn khi một đạo diễn người Anh lại đề cập trúng đến vấn đề đã từng hiện diện ngay trước mắt chúng ta”.

Đạo diễn McQueen: “Tổ tiên tôi từng là nô lệ”

Thủ vai chính trong phim là Chiwetel Ejiofor, một người Anh gốc Nigeria. Cả gia đình đạo diễn McQueen và Ejiofor đều từng rơi vào cảnh nộ lệ và họ tin rằng câu chuyện trong phim có sức lôi cuốn toàn cầu.

“Đây chỉ là một trong những câu chuyện mà tôi thấy cần phải kể ra” - McQueen nói. “Tổ tiên tôi từng là nô lệ. Tôi có nguồn gốc từ Tây Ấn. Tôi đã đi khắp châu Mỹ, Nam Mỹ và Tây Ấn. Trong hành trình, tôi đã nảy sinh ý tưởng làm phim về một người đàn ông tự do ở vùng Bắc Mỹ, đã bị bắt cóc làm nô lệ”.

Phim được quay trong vỏn vẹn 35 ngày ở New Orleans và dàn diễn viên đã làm việc rất tập trung, khẩn trương. Đây quả là điều không đơn giản với một dự án điện ảnh mang đề tài nặng như vậy. Song với McQueen, không có gì là không thể: “Nếu bạn có những suy nghĩ nản chí từ khi bắt đầu làm phim, bạn sẽ chẳng thu được gì cả”.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Dựa trên cuốn tự truyện có thật

Solomon Northup (1808 - 1864 hoặc 1875) là một người Mỹ gốc Phi tự do ở Saratoga Springs, New York. Ông bị bắt cóc vào năm 1841, bị chuyển tới New Orleans và bị bán cho một chủ đồn điền ở Louisiana.

Ông được trả tự do vào năm 1853. Cuốn hồi ký 12 Years Of A Slave của ông đã được tái bản nhiều lần trong thế kỷ 19. Năm 1984 đạo diễn Gordon Parks từng dàn dựng cuốn hồi ký của ông thành phim truyền hình. Từ năm 1999, chính quyền Saratoga Springs, New York tổ chức Ngày Solomon Northup thường niên.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm