15/05/2017 14:11 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 17/5, nếu không có gì thay đổi, tập 16 của phim truyền hình Người phán xử (46 tập) sẽ phát sóng phiên bản lồng tiếng miền Nam.
“Phim đang có rating (chỉ số người xem) rất tốt ở Bắc, còn ở miền Nam cũng khá cao, vì thế VTV muốn tăng thêm số lượng khán giả ở miền Nam”, ông Hà Nam (Trưởng ban thư ký biên tập VTV) cho biết mục đích việc lồng tiếng.
Sau khi xem “bản chạy thử” trên YouTube, mấy ngày qua, nhiều người lên tiếng phản đối việc này, có ý kiến khắt khe còn cho rằng đó là sự "xúc phạm" đến bản sắc vùng miền, "phỉ báng" giá trị nghệ thuật của phim. Thế nhưng, với phim truyền hình nước ngoài, vốn phục vụ chủ yếu cho những người làm việc nhà, họ thường ngại đọc phụ đề hoặc nghe thuyết minh, việc lồng tiếng là hết sức phổ biến.
Mục đích chính của lồng ngôn ngữ khác, hoặc lồng giọng nói vùng miền khác vẫn là tìm sự gần gũi hơn với khán giả của khu vực mà phim đó phát sóng.
Việt Nam chưa công bố một nghiên cứu chính thức nào về việc tác động xấu của truyền hình đến ngôn ngữ và giọng nói vùng miền. Nhiều nước đã làm việc này, ví dụ như Mỹ, các nhà ngôn ngữ, xã hội học và văn hóa của họ đã phối hợp chứng minh cho thấy các “giọng nói quen thuộc và rộng rãi” của truyền hình đã làm cho nước Mỹ mất quá nhiều giọng nói vùng miền, bây giờ đa phần người Mỹ nói khá giống nhau. Theo nghiên cứu này, sự giống nhau về giọng nói đã làm cho nước Mỹ hợp chủng (chúng) quốc đã mất đi một bản sắc rất quan trọng.
Một việc không liên quan đến phim, nhưng có liên quan đến giọng nói trên truyền hình quốc gia, đó là việc phát thanh viên Hoài Anh (sinh 1980) xuất hiện trên các bản tin quan trọng của VTV9, VTV1, VTV4 từ 10 năm trước. Lúc đó cũng đã có nhiều ý kiến trong giới làm phát thanh viên tại miền Bắc gièm pha chuyện Hoài Anh nói chất giọng Nam bộ đặc trưng.
Hiện nay thì Hoài Anh đã luôn xuất hiện trong các chương trình quan trọng như bản tin thời sự 19h của Đài Truyền hình Việt Nam, trở thành một trong những gương mặt sáng giá. Một ví dụ như vậy để thấy cái gì cũng cần có thời gian thực tế để biết dở hay, hợp lý hoặc chưa?
Việc lồng tiếng giữa chừng cho Người phán xử có thể chưa phải là một việc làm hợp lý, nhưng về lâu về dài, chưa hẳn đã là việc làm dở. Xét ở khía cạnh kỹ thuật và chi phí, việc lồng tiếng ngày nay khá thuận tiện, nếu một nhà sản xuất phim miền Bắc hoặc miền Nam muốn lồng tiếng để phát sóng theo vùng miền, nhằm tăng hiệu suất người xem, tăng doanh thu quảng cáo, cũng là việc nên thử, nên làm.
Trong thực tế, nhiều phim truyền hình Việt Nam cũng đã làm việc này với các vai diễn cụ thể, khi họ cần giọng Bắc hoặc giọng Nam. Người miền Nam thích nghe giọng miền Nam, người miền Bắc thích nghe giọng miền Bắc, cũng hết sức tự nhiên và bình thường.
Còn nếu nhìn rộng hơn nữa, việc người Huế nói khác người Quảng Nam, người Hải Phòng nói khác người Hà Nội, người Bắc nói khác người Nam, người Kinh nói khác người dân tộc ít người, THVL1 nói khác VTV3… là việc bình thường và rất đáng quý.
Việt Nam tự hào là nước có nền văn hóa đa dạng, nên nghệ thuật có chủ đích lồng giọng riêng cho từng bản sắc thì càng đáng trân trọng chứ. Cho nên hãy xem việc lồng tiếng Người phán xử như là một phép thử, chớ vội phán xét đúng sai, hay dở.
Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất