Phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ban hành Luật Thư viện để phát triển văn hóa đọc

13/03/2019 19:02 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 32, sáng 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thư viện. Một số ý kiến đề nghị, đích đến của việc xây dựng thư viện phải là người đọc. Đồng thời, thư viện truyền thống và thư viện điện tử phải phối hợp để thu hút người sử dụng dịch vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần thiết sửa đổi Luật Báo chí

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cần thiết sửa đổi Luật Báo chí

Một số ý kiến đề nghị dự thảo Luật Báo chí cần đề cập thêm đến đạo đức của nhà báo và trách nhiệm của nhà báo trong sự nghiệp đổi mới.

Tờ trình dự án Luật Thư viện nêu rõ: Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.

Báo cáo Thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày nêu rõ, sau 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật liên quan. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của ngành khoa học thư viện, làm thay đổi cả về cách tiếp cận thông tin của người dân và tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

Ở nước ta, hệ thống thư viện, nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự ban hành Luật Thư viện sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra thực tế hiện nay có 30% thư viện huyện không được cấp sách. Tủ sách xã cơ bản rất ít người đọc. Một số ý kiến đánh giá, nhiều tỉnh, huyện xây dựng thư viện rất đẹp, nhưng trung tâm và đích đến của thư viện là người đọc thì chưa được quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao sự cố gắng của cơ quan soạn thảo và cho rằng, đây là dự án Luật rất cần thiết trong bối cảnh tình hình hiện nay và sau này. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hệ thống thư viện và hoạt động thư viện đã có thời kỳ phát triển rất mạnh, gắn với phong trào đọc sách của xã hội. Tuy nhiên, gần đây thư viện dường như bị lãng quên, nhiều thư viện xuống cấp.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình dự án Luật Thư viện. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn ví dụ thực tế, khi ra hiệu sách cũ thấy rất nhiều sách của các thư viện được bày bán. Khi các thư viện bị giải thể, sách bị bán ra ngoài theo cân. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân sau khi mua được sách này đã bán lại với giá rất đắt, thậm chí có cuốn sách được bán với giá hàng triệu đồng. Như vậy, một lượng tài sản Nhà nước rất lớn đã bị thất thoát, gây lãng phí nghiêm trọng, đồng thời gây thất thoát nguồn tri thức quý. Việc tập hợp lại những cuốn sách quý ấy không đơn giản. Vì vậy, xây dựng và ban hành Luật Thư viện là cần thiết để tránh buông lỏng quản lý thư viện và hoạt động thư viện.

Liên quan tới việc gây lãng phí trong cách đầu tư và quản lý thư viện hiện nay, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu thực tế: Ở một số nơi, sách thư viện được đưa vào trụ sở UBND xã, cửa thường xuyên bị khóa. Nhiều loại sách thư viện vẫn còn bị giữ nguyên trong bọc giấy suốt thời gian dài kể từ khi được cấp.

Đồng tình với dự thảo Luật quy định đa dạng hóa các loại hình thư viện, bổ sung thư viện ngoài công lập bao gồm: Thư viện của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng..., các đại biểu cho rằng việc xây dựng thư viện số hay kho tài nguyên số đang là xu hướng phát triển của thư viện hiện đại, đặc biệt khi thói quen và phương thức tiếp nhận thông tin của xã hội có rất nhiều thay đổi. Do đó, để phù hợp với xu thế chung, dự án luật cần quy định rõ về bản quyền trong thư viện số/số hóa tài liệu, về phát triển thư viện số và việc đầu tư phát triển thư viện số, bởi đây là những vấn đề vướng mắc trong việc phát triển thư viện số hiện nay.

Các đại biểu cũng cho rằng, thư viện trường học hiện nay chiếm số lượng rất lớn, mang tính đặc thù, nhưng đa phần chỉ là một bộ phận của trường học, hình thành khi thành lập cơ sở giáo dục. Thư viện đại học và thư viện các cấp học khác có sự khác nhau về quy mô tổ chức và tính chất hoạt động. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu để có quy định rõ hơn về mô hình, điều kiện hoạt động, trách nhiệm của Nhà nước và cơ quan chủ quản nhằm thúc đẩy thư viện trường học phát triển. Đối với thư viện cộng đồng, đây là một loại hình thư viện mới, cả nước có hơn 17 nghìn phòng đọc, tủ sách cơ sở, nếu dự án Luật quy định phòng đọc sách là thư viện cộng đồng thì các vấn đề về sở hữu, điều kiện thành lập, quyền và nghĩa vụ phải quy định cụ thể và khả thi hơn...

Quỳnh Hoa/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm