TVH Bắc Kinh: Kỳ quan thứ 8 của Michael Phelps

18/08/2008 13:59 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Suốt những ngày qua, báo chí nhắc đến Phelps với những biệt danh như "siêu nhân", "người ngoài hành tinh". Và sau khi anh giành chiếc HCV thứ 8 tại Bắc Kinh, người ta hiểu rằng sẽ không thể có một Michael Phelps thứ hai trong lịch sử.

Phelps chắc chắn sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc kỳ diệu đó. Trong vòng tay của các đồng đội khi chiến thắng ở nội dung 4x100m, tên anh được xướng lên đầy trang trọng ở trung tâm thể thao dưới nước Bắc Kinh "Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã chứng kiến VĐV xuất sắc nhất mọi thời đại - Michael Phelps của đoàn Mỹ". Với 8 HCV tại một kỳ TVH, anh đã vượt qua kỷ lục 7 HCV của huyền thoại đồng hương Mark Spitz lập được tại Munich 1972.

Điều phi thường trong chiến tích của Phelps tại TVH lần này chính là khả năng xô đổ các cột mốc ở những nội dung mà anh tham gia. Trong số 8 tấm HCV thì có tới 7 lần Phelps phá KLTG và 1 lần phá kỷ lục Olympic. Rõ ràng đó là một thành tích vô tiền khoáng hậu. Điều quan trọng không kém là ở 5 nội dung cá nhân mà Phelps tham dự (400m cá nhân hỗn hợp, 200m tự do, 200m bơi bướm, 200m cá nhân hỗn hợp và 100m bơi bướm), thì anh đều vượt qua những KLTG do chính mình lập ra.
 
Michael Phelps đơn giản là độc nhất vô nhị trong lịch sử Olympic

Ngay cả ở những nội dung tiếp sức vốn mang tính đồng đội, tầm ảnh hưởng của Phelps trong số các KLTG của đoàn Mỹ cũng rất lớn. Chiến thắng của ĐT Mỹ ở nội dung tiếp sức 4x100m hỗn hợp ngày hôm qua là một ví dụ. Phelps thi đấu ở lượt thứ ba và khi anh bắt đầu lao xuống làn nước thì ĐT Mỹ chỉ xếp thứ 3, sau Australia và Nhật Bản. Tuy nhiên, những nỗ lực tuyệt vời của kình ngư này đã giúp Mỹ vượt mặt hai đối thủ khó chịu trên. Đó chính là tiền đề để cho VĐV kỳ cựu Lezak hoàn tất đường đua với thành tích 3 phút 29 giây 34, vượt qua chính kỷ lục mà họ đã giành được ở Athens cách đây 4 năm (3 phút 30 giây 68).

Ở Sydney 2000, Phelps là VĐV trẻ nhất của đoàn Thể thao Mỹ khi mới 15 tuổi. Thành tích tốt nhất của anh khi đó chỉ là vị trí thứ 5 ở nội dung 200m bơi bướm. Nhưng ở 2 kỳ TVH sau, anh đã trở thành người hùng khi giành tổng cộng 14 HCV, bỏ xa nhóm những VĐV huyền thoại (cùng 9 HCV) như Mark Spitz (bơi lội), Carl Lewis, Paavo Nurmi (điền kinh) và Larysa Latynina (thể dục dụng cụ).

Mà năm nay, Phelps mới 23 tuổi, anh còn có thể tham dự vài kỳ TVH nữa và còn có thể giành thêm rất nhiều HCV, phá thêm nhiều KLTG. Sẽ rất lâu nữa, thậm chí là không bao giờ, người ta có thể chứng kiến một Michael Phelps thứ hai nữa

Ngày vàng của Trung Quốc, Mỹ thụt lùi

Kỳ tích của Phelps chính là cứu cánh về mặt tinh thần cho người Mỹ trong ngày thi đấu thứ 9. Dù giành thêm 2 HCV ở các nội dung Quần vợt đôi nữ và Chèo thuyền 8 người, họ vẫn trải qua một ngày thi đấu thất bát. Với 37 bộ huy chương, lẽ ra đây là một cơ hội để đoàn Mỹ vượt lên, nhưng họ hoàn toàn lép vế so với Trung Quốc.

Hôm qua là một ngày vàng thực sự của đoàn thể thao nước chủ nhà khi họ giành tới 8 HCV, vượt trội so với tất cả các đối thủ còn lại. Không chỉ phát huy sức mạnh ở môn thế mạnh như TDDC, bóng bàn, nhảy cầu, bắn súng và vật tự do tiếp tục được phát huy, Trung Quốc còn vượt qua Indonesia về cầu lông với chiến thắng ở giải đơn nam của Lin Dan, cũng như lấn sân sang cả nội dung chèo thuyền vốn không phải sở trường. Với 34 HCV, Trung Quốc đã gần gấp đôi so với Mỹ, đoàn xếp thứ hai (19 HCV).

Từ lâu nay, điền kinh vốn được coi là thế mạnh của Mỹ thế nhưng ngày hôm qua, họ đã hoàn toàn trắng tay ở cả 6 nội dung. Một điều thất bất ngờ là môn điền kinh đã diễn ra được 3 ngày với tổng cộng 12 bộ huy chương, nhưng người Mỹ chưa giành nổi một tấm huy chương nào. Một bước thụt lùi khủng khiếp. Có thể ngày hôm qua, người Mỹ vui mừng cùng Phelps, nhưng điều đó không thể giấu giếm một sự thật đáng buồn rằng: thể thao Mỹ đang thụt lùi so với chính họ.

37 HCV trong ngày thi đấu thứ 9

Điền kinh: Marathon nữ: Tomescu (Romania), 10.000m nam:Bekele (Ethiopia), ném búa nam: Kozmuz (Slovenia), 3000m băng đồng nữ:Samitova (Nga)*, nhảy xa 3 bước nữ: Etone (Cameroon)*, 100m nữ: Fraser (Jamaica)*

Cầu lông: Đơn nam: Lin Dan (Trung Quốc), đôi nam nữ: Lee Yong-dae/Lee Hyo-yung (Hàn Quốc)

Xe đạp: Rượt bắt cá nhân: Romero (Anh)

Nhảy cầu 3m ván mềm nữ: Guo Jingjing (Trung Quốc

Kiếm chém đồng đội nam: ĐT Pháp

TDDC: Tự do nam: Zou Kai (Trung Quốc), ngựa tay quai nam: Xiao Qin (Trung Quốc), Tự do nữ: Izbasa (Romania), ngựa gỗ nữ: Hong Un Jong (CHDCNDTT)

Chèo thuyền: Nam: Thuyền nhẹ 2 mái: Anh, thuyền nhẹ 4 người: Đan Mạch, thuyền 4 mái: Ba Lan, thuyền 8: Canada. Nữ: Thuyền nhẹ 2 mái: Hà Lan, thuyền 4 người: Trung Quốc, thuyền 8: Mỹ

Thuyền buồm: Thuyền buồm Phần Lan: Ainslie (Anh), thuyền buồm Yngling, 49er: Anh

Bắn súng: 50m súng trường 3 vị trí: Qiu Jian (Trung Quốc)

Bơi lội: 1500m tự do nam: Mellouli (Tunisia), 4x100m hỗn hợp tiếp sức nam: ĐT Mỹ*, 50m tự do nữ: Britta Steffen (Đức), 4x100m hỗn hợp tiếp sức nữ: ĐT Australia*.

Bóng bàn: Đồng đội nữ Trung Quốc

Quần vợt: Đơn nam, Đơn nữ: Dementieva (Nga), Đôi nữ: Venus/Serena (Mỹ).

Cử tạ: 94kg nam

Vật tự do nữ: hạng 63 kg: Kaoro Icho (Nhật Bản) và 72 kg: Wang Jiao (Trung Quốc)
 
 
Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm