24/07/2019 15:50 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Những chia sẻ của các chuyên gia Nhật Bản về thành công khi đưa thị phần giao thông công cộng tại Quốc gia này lên tới 47% trong hội thảo về Phát triển vận tải công cộng mới đây là những kinh nghiệm để thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp vận tải xe buýt trên địa bàn học hỏi từ việc xây dựng các chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh vận tải xe buýt đến xây dựng hạ tầng giao thông cũng như nỗ lực thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ưu tiên phát triển vận tải công cộng
Đại diện của Bộ đất đai Hạ tầng giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) cho biết, để phát triển giao thông công cộng, Nhật Bản đã nới lỏng các chế độ cho các lĩnh vực vận tải cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm kích hoạt hóa giao thông công cộng các địa phương.
Đáng lưu ý, Nhật Bản rất quan tâm tới việc xây dựng và thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng địa phương; minh bạch hóa hình ảnh mạng lưới giao thông công cộng địa phương muốn hướng đến; liên kết với các bên liên quan trong quy hoạch đô thị; xây dựng khu vực, xây dựng quy hoạch hình thành mạng lưới theo diện rộng; có kế hoạch quy định cụ thể về doanh nghiệp vận hành cũng như sơ đồ, biểu đồ chạy…
Ngoài ra, Nhật Bản chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ về phổ biến kinh nghiệm và đào tạo nhân sự; ứng dụng điện thoại thông minh trong tìm kiếm, đặt trước và thanh toán; xây dựng hệ thống giao thông thế hệ mới…
Tổng Giám đốc Jun Matsumoto – Công ty cổ phần Michinori Holdings (Tập đoàn Michinori - Là doanh nghiệp vận tải buýt có địa bàn hoạt động lớn nhất Nhật Bản) cho biết: Tập đoàn đã triển khai nhiều loại hình vận tải đa dạng; trong đó kinh doanh vận tải xe buýt chiếm trên 50% doanh thu toàn Tập đoàn. Hơn nữa, việc triển khai hoạt động trên diện rộng đã giúp tạo ra nhu cầu di chuyển mới, nâng cao hiệu quả và năng suất vận hành. Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp vận tải chủ động và tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu mạng lưới giao thông công cộng.
Để thu hút hành khách đi vận tải công cộng, chính quyền, doanh nghiệp vận tải, dân cư… đều có nghĩa vụ tôn trọng quy hoạch tổng thể và kế hoạch đã được xây dựng.
Hiện tại, Tập đoàn Michinori đã thiết kế vé định kỳ cho học sinh trung học và gửi đơn đăng ký trong cùng phong bì với thông báo nhập học để tiếp thị; đẩy mạnh hình thức du lịch bằng xe buýt.
Cùng đó, Tập đoàn hợp tác với các bên liên quan trong tái cơ cấu mạng lưới tuyến; mạng lưới tuyến được thiết lập trên kết quả thảo luận giữa các bên liên quan nhằm giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông. Đặc biệt, Chính quyền địa phương hỗ trợ vốn đầu tư, bảo trì phương tiện và đường chuyên dụng cho xe buýt.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng huy động sự ủng hộ, hỗ trợ từ cư dân giúp khuyến khích sử dụng buýt nhanh (BRT). Theo đó, dân cư, các công ty, trường học, khu thương mại, các cơ sở nằm dọc tuyến cùng thành lập “Câu lạc bộ ủng hộ BRT Hitachi” nhằm thu hút người dân đi xe buýt.
Tập đoàn Michinori cũng đang hướng đến triển khai dịch vụ xe buýt lái tự động và đưa xe buýt điện vào vận hành với chế độ hỗ trợ của Bộ Giao thông cho việc đầu tư xe buýt điện và hạ tầng đi kèm. Khi phát triển loại hình mới là xe buýt điện, Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp vốn đầu tư cả phương tiện và thiết bị hạ tầng liên quan.
Michinori cũng là doanh nghiệp vận tải đầu tiên thử nghiệm ứng dụng công nghệ dịch vụ di động toàn diện MaaS… Với các giải pháp toàn diện đó, Michinori đã duy trì phát triển mạng lưới giao thông công cộng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế khu vực.
Cải tiến điểm trung chuyển
“Việc cải tiến các điểm trung chuyển giao thông sao cho người dùng dễ sử dụng rất quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, ông Takashi Kobayashi – Phó bộ phận hợp tác quốc tế, Phòng xúc tiến dự án nước ngoài, Cục chính sách tổng hợp Mlit chia sẻ.
Theo ông Takashi Kobayashi, tới đây cần phải thiết lập đường dẫn để chuyển đổi tàu xe sao cho ngắn nhất và nghiên cứu để bố trí nhà ga, địa điểm lên xuống xe buýt… sao cho đường dẫn giữa xe ô tô và người đi bộ không giao nhau.
Với những nơi xung quanh khu vực nhà ga có mật độ sử dụng đất cao cần nghiên cứu đến thiết kế không chỉ đảm bảo việc chuyển đổi tàu xe mà tính toán đến cả đường dẫn để đi vào các tòa nhà xung quanh.
Ở những khu đất hẹp có thể nghiên cứu thiết kế dạng lập thể đảm bảo một phần của khu vực phát triển xung quanh được dùng làm không gian quảng trường, nhà ga…
Đáng lưu ý, tại Nhật Bản, khi thiết kế không gian đường phố phải đảm bảo không gian đi lại chuyên dụng cho giao thông công cộng, nâng cao sự tiện lợi cho người sử dụng như lên xuống đơn giản… như dự án mở rộng đường đi bộ “Con đường Shijo vui vẻ ưu tiên người đi bộ và phương tiện công cộng”.
Bên cạnh những chính sách thúc đẩy hoạt động kinh doanh xe buýt, việc dùng phương tiện giao thông công cộng tại Tokyo rẻ hơn rất nhiều so với chi phí di chuyển đi làm bằng ô tô riêng cũng giúp người dân bỏ phương tiện cá nhân đi vận tải công cộng. Những xe ô tô đi vào trung tâm thành phố sẽ phải trả mức phí khoảng 14,5 USD một lần. Trong khi đó, xe cứu thương,… được miễn phí và người dân sống trong thành phố được giảm 90% phí. Nhờ vậy, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn giảm trung bình 30%.
Theo Tổng Giám đốc Jun Matsumoto – Công ty cổ phần Michinori Holdings, đảm bảo mức lợi nhuận đủ để thực hiện đầu tư chiến lược; giảm mức độ phụ thuộc vào trợ giá, tập trung hóa các doanh nghiệp vận tải để nâng cao hiệu quả là những kinh nghiệm để phát triển thành công giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, chính quyền và doanh nghiệp vận tải cùng liên kết hoạch định kế hoạch giao thông; nâng cao hiệu quả bằng việc tập trung hóa các doanh nghiệp vận tải; nâng cao năng lực cạnh tranh với phương tiện giao thông cá nhân.
"Chất lượng dịch vụ đảm bảo tính đúng giờ giảm ùn tắc; đảm bảo tính an toàn của dịch vụ vận tải (tránh tai nạn); vận dụng công nghệ MaaS; thiết bị, phục vụ tiện nghi thoải mái là những điều kiện cần thiết để phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững trong dài hạn”, Tổng Giám đốc Jun Matsumoto gợi ý.
Trước những lực cản, thách thức lớn mà xe buýt ở Hà Nội đang phải đối đầu, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật khẳng định: “Khẩu hiệu xe buýt nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn xe máy trước đây đã không còn phù hợp trong giai đoạn hiện tại khi các yếu tố ùn tắc, hạ tầng giao thông chưa thể nâng cao, xe công nghệ nở rộ đã dẫn đến sụt giảm hành khách đi xe buýt thời gian qua”.
Để giải quyết những khó khăn của vận tải hành khách công cộng, theo ông Nguyễn Công Nhật, quy hoạch mạng lưới của Nhà nước cần đảm bảo sự tiện lợi đi kèm với người dân (tần suất phù hợp, bố trí điểm bãi gửi xe ở các nhà chờ do quãng đường từ nhà đến điểm chờ xa,…) cùng với những nỗ lực của các doanh nghiệp xe buýt mới có thể giúp người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt.
Tuyết Mai
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất