Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP được xác định là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch bền vững.
Tạo lợi thế kép trong phát triển
Những năm trở lại đây, tại hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa xuất hiện nhiều mô hình du lịch nông nghiệp như, các cánh đồng hoa, cánh đồng điện gió, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, du lịch nghỉ dưỡng gắn với nhiều sản phẩm OCOP, đặc biệt là cà phê Khe Sanh...
Riêng huyện Hướng Hóa có 21 điểm kinh doanh-dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần mở rộng không gian tuyến điểm du lịch, bước đầu hình thành các điểm đến mới, góp phần đa dạng hóa sản phẩm trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới Quảng Trị.
Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Việt Nam Khe Sanh đã chuyển đổi vùng trồng cà phê sang mô hình du lịch tổng hợp, điểm tham quan du lịch nông trại với các dịch vụ tham quan, check-in, câu cá, ăn uống và lưu trú.
Chị Hồ Thị Phượng, Giám đốc Điều phối tour "Khe Sanh Coffee tour" Hợp tác xã du lịch nông nghiệp Việt Nam Khe Sanh cho biết, với thương hiệu cà phê Khe Sanh nổi tiếng thế giới, Hợp tác xã xây dựng tour du lịch, điểm đến Khe Sanh gắn nông sản địa phương, giúp tăng giá trị nông sản, tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương.
Hợp tác xã nông sản Khe Sanh (xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa) đã quy hoạch vùng trồng với 8 tổ nhóm hộ dân liên kết, quản lý khoảng 100 ha cây cà phê Arabica, phục vụ khách du lịch tham quan và chế biến cà phê với sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao; đồng thời xây dựng các farm trong vườn cà phê để du khách trải nghiệm, lưu trú.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Hợp tác xã nông sản Khe Sanh chia sẻ: “Việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP nhằm giải quyết thêm được việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao động trẻ nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo. Hợp tác xã đang có kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp bản địa gắn liền với du lịch, qua đó khai thác triệt để thế mạnh nơi đây nhằm góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Nhiều năm qua, mô hình của PUN Coffee ở xã Hướng Phùng mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều. Doanh nghiệp này xây dựng quy trình, mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch trên sản phẩm cà phê đặc sản Arabica Khe Sanh của mình, góp phần phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao và đặc biệt là hỗ trợ tốt cho đồng bào dân tộc phát triển kinh tế trên mô hình du lịch nông nghiệp.
Liên tục từ năm 2021-2024 cà phê Arabica Khe Sanh luôn đạt Top 1 cà phê đặc sản Việt Nam và Top 5 thế giới năm 2023.
Mô hình phát triển du lịch kết hợp OCOP của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hợp (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) cũng là điểm đến thú vị được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Hợp tác xã này có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 8 ha, trong đó khoảng 3 ha trồng dược liệu, 2 ha trồng chanh leo, cùng các vườn trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Ngoài ra, còn trồng các loại rau củ hữu cơ để bán cho du khách. Việc đầu tư cơ sở vật chất để phát triển du lịch của doanh nghiệp này góp phần thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP là hướng đi cần thiết, mang lại nhiều lợi ích vừa góp phần định vị điểm đến, gia tăng trải nghiệm cho du khách, vừa quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và điểm đến du lịch. Việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng tới khách du lịch, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch là một trong những chủ trương tỉnh Quảng Trị hướng tới để phát triển du lịch bền vững.
Hỗ trợ đồng bộ để du lịch nông nghiệp phát triển
Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh Quảng Trị có 181 sản phẩm đạt OCOP, 9 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại tỉnh. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị Lê Minh Tuấn cho biết, việc lồng ghép phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP đem lại lợi ích kép cho người dân và cộng đồng như khai thác, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với phát triển du lịch bền vững, đa dạng.
Hiện nay, các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn bước đầu đã tạo việc làm, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, hàng hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện kinh tế của người dân trong khu vực nông thôn, khai thác được các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, cảnh quan, môi trường sinh thái và nông nghiệp ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn tại tỉnh mới chỉ khởi đầu, còn gặp nhiều khó khăn. Đó là các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều, mang tính tự phát nên các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn chất lượng chưa cao; một số điểm còn vướng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất dịch vụ, du lịch; nghề thủ công truyền thống hiện nay còn rất ít gia đình duy trì. Hoạt động du lịch chưa chuyên nghiệp, chưa đa dạng về sản phẩm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của du khách; sự kết nối, hợp tác với doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều...
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với các sản phẩm nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng thời gian tới.
Để phát triển, gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch, bên cạnh tập trung đào tạo, kiến thức kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể OCOP, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ có hỗ trợ, định hướng về bao bì, nhãn mác, thiết kế mẫu mã, hình thành dòng sản phẩm OCOP làm quà tặng gắn với lịch sử, văn hóa địa phương. Rà soát, bổ sung quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng để người dân hiểu được về du lịch nông nghiệp, nông thôn và chương trình OCOP tại tỉnh. Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp ngành Du lịch và các địa phương liên quan khảo sát, mở rộng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, xây dựng tour, tuyến đưa du khách đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm ngay tại làng nghề truyền thống và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh.
Năm 2024, Quảng Trị đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, tăng 48,6% so với năm 2023, trong đó 168 ngàn lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay và dự báo tăng mạnh thời gian tới. Bên cạnh đó, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt khoảng 2.400 tỉ đồng, tăng 31,8% so với năm 2023.