26/12/2024 18:51 GMT+7 | Văn hoá
Với mục tiêu đến năm 2030, ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD), điện ảnh Việt Nam cần phát huy vai trò công nghiệp sáng tạo, đồng thời tháo gỡ được những "nút thắt".
1. Cụ thể, theo TS Ngô Phương Lan, khâu phát hành và phổ biến phim có 3 vấn đề cần giải quyết: quy định cấp phép phân loại phim, tỉ lệ chiếu phim Việt và cạnh tranh lành mạnh.
Về cấp phép, theo bà Lan, trong Luật Điện ảnh sửa đổi, phim chiếu rạp và phát trên truyền hình theo hình thức "tiền kiểm", còn phim trên internet thì theo hình thức tự phân loại và "hậu kiểm".
Theo đó, tiêu chí phân loại trong quá trình thẩm định và phân loại phim cần cụ thể, dễ hiểu, không dẫn đến hiểu nhầm hoặc suy diễn… mới có thể tránh được các tranh cãi, phản ứng về việc cấp phép. Ngoài ra, cần có quy định việc hạn chế chiếu phim (phạm vi rạp chiếu, số lượng buổi chiếu, giờ chiếu…), thậm chí chỉ định một số rạp riêng chiếu với những phim phân loại cao nhất (ví dụ C18). Bởi, khi chiếu tràn lan các phim "phân loại cao" như hiện nay, việc phân loại phim có thể trở thành tác nhân kích thích người xem trẻ tuổi, kể cả khán giả vị thành niên.
Về tỉ lệ chiếu phim Việt Nam, cam kết quốc tế không có hạn ngạch đối với phim nhập không có nghĩa bắt buộc phải chiếu ngay tất cả phim nhập trong một thời điểm. Vì vậy, cần cơ chế để bảo hộ phim Việt, theo đó quy định nhà phát hành phải giữ tỉ lệ phim Việt Nam trong năm, tỉ lệ buổi chiếu phim Việt Nam trong ngày/tuần/tháng. Tương tự, mỗi cụm rạp cùng phải giữ tỉ lệ phim Việt Nam theo quy định. Đây là cơ chế rất quan trọng để bảo vệ điện ảnh dân tộc, phát triển công nghiệp điện ảnh.
Về xây dựng thị trường điện ảnh, bà Lan cho rằng, phải có quy định rõ ràng để xây dựng thị trường này phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ việc lấn át các doanh nghiệp nhỏ, ép tỉ lệ "ăn chia" thấp khi chiếu phim Việt Nam, áp đặt giá vé, giờ chiếu, "đẩy" ra khỏi rạp sớm. Ngược lại, cần cơ chế ưu đãi khi phát hành, phổ biến những phim Việt Nam có giá trị.
TS Ngô Phương Lan cũng nhắc tới việc phải phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. "Trên thực tế, so với mục tiêu Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (2016), doanh thu điện ảnh tại Việt Nam năm 2018 vượt chỉ tiêu năm 2020, nhưng chưa đạt chỉ tiêu xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài" - TS Ngô Phương Lan nói - "Các cơ quan nhà nước hầu như chưa quan tâm đến đưa phim Việt ra thị trường quốc tế. Hầu hết phim bán được ra nước ngoài đều do các công ty tư nhân làm một cách nhỏ lẻ và đơn độc".
Theo bà Lan, cần có chiến lược quảng bá phim Việt Nam ra thế giới ở 3 cấp độ. Đó là: Tham dự các Tuần phim Việt Nam, Ngày văn hóa Việt Nam, các sự kiện văn hóa nghệ thuật theo thỏa thuận, hiệp định, quan hệ ngoại giao… (chọn phim đáp ứng yêu cầu đối ngoại); Tham dự các liên hoan phim quốc tế (chọn phim có giá trị nghệ thuật và có tìm tòi mới mẻ); Thiết lập thị trường điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài (đối với phim có giá trị thương mại, giá trị nhân văn).
2. TS Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, để điện ảnh Việt Nam "cất cánh", cần khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp lý để đồng bộ hóa, điều chỉnh phù hợp các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh và các hoạt động khác có liên quan, đặc biệt đối với hình thức phổ biến phim trên không gian mạng và các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách trong hợp tác đầu tư sản xuất phim nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư tư xây dựng và phát triển các cụm rạp, phòng chiếu phim chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội.
Xây dựng chính sách ưu đãi và cơ chế đặc thù về các loại thuế cho đầu ra của phim; cơ chế ưu đãi khi nhà nước mua bản quyền những bộ phim chất lượng về nội dung và nghệ thuật để khuyến khích các nhà sản xuất phim tiếp tục làm ra những bộ phim chất lượng; chính sách nhằm thu hút các đạo diễn, biên kịch, quay phim có trình độ cao tham gia vào hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; chính sách cho các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư và mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam, nâng cao số lượng, hiệu quả, chất lượng hoạt động điện ảnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.
Ngoài ra, theo ông Việt, cũng cần xây dựng trường quay quốc gia có bối cảnh nội, bối cảnh ngoại, bối cảnh dưới nước với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phục vụ khâu kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại. Việc xây dựng này có thể huy động vốn đầu tư theo cơ chế xã hội hóa, trong đó Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và một số hạng mục ban đầu.
Đặc biệt, chuyên gia này cũng nhắc tới việc cần xây dựng Trung tâm chiếu phim tại miền Trung, miền Nam và hệ thống phát hành, phổ biến phim ở các tỉnh, thành phố hiện đại để kinh doanh, đồng thời kết hợp bảo đảm yêu cầu tổ chức các liên hoan phim (hoặc sự kiện điện ảnh) trong nước và quốc tế. Đồng thời, đầu tư xây dựng và nâng cấp Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu cung cấp các hoạt động dịch vụ kỹ thuật trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại.
Cùng với đó, cần khai thác nguồn lực xã hội hóa để tổ chức những sự kiện điện ảnh phù hợp với văn hóa Việt Nam. Xây dựng đề án cho những Liên hoan phim mang dấu ấn riêng của đất nước: Liên hoan phim ngắn, phim đề tài thiếu nhi, đề tài môi trường... theo định kỳ. Tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm điện ảnh đề phòng và ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền, thực hiện cam kết quốc tế về bản quyền.
"Ngoài ra, cần tăng cường mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước khu vực và quốc tế thông qua ký kết các văn bản ghi nhớ, chương trình hợp tác để khuyến khích xuất khẩu sản phẩm điện ảnh, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Trong đó, phát triển công nghiệp điện ảnh có sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc và hội nhập quốc tế" - theo TS Đỗ Quốc Việt.
Tối ưu hóa giá trị tác phẩm điện ảnh
"Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và doanh nghiệp điện ảnh bán phim Việt Nam để phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức, đồng thời quan tâm và triển khai việc khai thác phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong và sau thời gian chiếu phim (kể cả việc phát triển các sản phẩm "ăn theo" phim) nhằm tận thu cho phim.
Một bộ phim giờ đây không chỉ chiếu vài tuần hay vài tháng ngoài rạp. "Vòng đời" của phim có thể kéo dài gấp nhiều lần, thậm chí là vô tận nhờ việc phát trên truyền hình và các nền tảng số. Theo đó, việc liên kết giữa điện ảnh với truyền hình và các nền tảng số giúp tối ưu hóa giá trị tác phẩm điện ảnh, phổ biến rộng rãi, linh hoạt nhất" - TS Ngô Phương Lan.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất