Phạt tiểu bậy ngoài đường có phải giải pháp triệt để?

15/02/2017 10:29 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, 3 tài xế taxi đã bị phạt tổng cộng 6 triệu đồng vì tiểu bậy. Theo đó, tổ công tác của đội cảnh sát môi trường Hoàng Mai (Hà Nội) đã hóa trang, ghi hình, báo cho công an phường Hoàng Liệt (nơi xảy ra vụ việc) mời các tài xế trên về trụ sở làm việc.

Căn cứ điều 20 Nghị định 155/2016, có hiệu lực từ ngày 1/2, Công an quận Hoàng Mai phạt ba tài xế mỗi người 2 triệu đồng vì đi vệ sinh không đúng nơi quy định.

Việc xử phạt những hành vi phản cảm, ảnh hưởng tới môi trường công cộng là xác đáng để xây dựng thành phố văn minh. Song, bên cạnh việc xử phạt, chúng ta cần có thêm những giải pháp để những người lao động thường trực ngoài đường có điều kiện thuận tiện chấp hành pháp luật.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng là người đã lang thang khắp phố phường để ghi lại những đổi thay của Thủ đô suốt nửa thế kỷ qua. Đề tài mà nghệ sĩ Quang Phùng đặc biệt yêu thích là những người bán hàng rong tại Hà Nội.


Những hành vi tè bậy như thế này vẫn xuất hiện trên phố. Ảnh: KT

Một chi tiết mà nghệ sĩ Quang Phùng rất ám ảnh: những chai nước nhỏ xíu được những người bán rong mang theo trên các nẻo đường mưu sinh. Ông lý giải, dù trời nắng gắt, họ không được uống nhiều nước. Mỗi lúc khát, họ chỉ nhấp vài ngụm nhỏ. Bởi, họ rất khó để tìm nhà vệ sinh công cộng.

Không chỉ những người bán hàng rong, tôi có hỏi chuyện một vài tài xế taxi về vấn đề vẫn được cho là "nhạy cảm" này. Những người lái taxi thành thực, lái trong lòng phố, vấn đề nhà vệ sinh luôn khó khăn. Hiện tại, thành phố đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn những nhà vệ sinh công cộng. Song, đa phần, các nhà vệ sinh công cộng không thuận tiện cho việc dừng đỗ ô tô.

Chỗ đi vệ sinh không chỉ là vấn đề của những người làm việc thường trực ngoài đường. Phố cổ Hà Nội, nơi tập trung nhiều điểm ăn chơi của người Hà thành và khách du lịch, cũng không có nhiều nhà vệ sinh.

Cụ thể, không ít hàng quán phố cổ không có nhà vệ sinh cho thực khách. Điều này khiến hoặc thực khách phải "nhịn", hoặc thực khách phải đi bộ nhiều cây số để tìm nhà vệ sinh công cộng. Tức là, chuyện nhà vệ sinh công cộng vẫn còn thưa, tác động cả tới những người tham gia các hoạt động vui chơi, du lịch.

***

Hẳn nhiên, chủ trương phạt nặng những người đi vệ sinh công cộng không đúng nơi quy định để đảm bảo mỹ quan đô thị là xác đáng. Và, không phải ai đi tiểu bậy cũng ở "thế khó" như trên. Hơn thế, dù lý do gì, hành động trên là không thể biện minh.

Song, rõ ràng, để Nghị định đi vào đời sống thuyết phục hơn, chúng ta nên lắng nghe và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đặc biệt là những người lao động ngoài đường, những "thân phận bé" (chữ dùng của Quang Phùng).

Hà Nội đang xây thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Đây là tín hiệu tích cực từ phía Thành phố để đảm bảo văn minh đô thị. Những bất cập với những người tham gia vui chơi, du lịch chắc chắn sẽ được giải quyết sớm.

Song, ngoài việc tăng số lượng, tăng chất lượng nhà vệ sinh công cộng, Thành phố cũng nên chú ý cả những chi tiết tưởng chừng nhỏ song rất quan trọng một nhóm người như: không gian đỗ xe ở một số nhà vệ sinh.

Từ việc lắng nghe những điều "nhỏ nhặt" và điều chỉnh, văn minh đô thị chắc chắn được cải thiện mà không ảnh hưởng trực tiếp tới bất cứ "thân phận bé" nào...

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm