17/08/2012 10:04 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Từng là một phần tạo nên “trung tâm văn hóa - tâm linh” thời Trần, cuối cùng thì cụm lăng của hai anh em vua Trần Nghệ Tông - Trần Dụ Tông cũng được khai quật sau 7 thế kỷ nằm im và... tơi tả vì nạn đào trộm mộ cổ.
Tiến hành trong hai tháng 6 và 7 vừa qua, cuộc khai quật được Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Khoa học Xã hội VN) phối hợp tổ chức cùng tỉnh Quảng Ninh và diễn ra tại các địa điểm Phụ Sơn Lăng (an táng Trần Dụ Tông) và Nguyên Lăng (an táng Trần Nghệ Tông), đều thuộc xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Để triển khai thăm dò, các chuyên gia khảo cổ đã đào 8 hố thám sát với tổng diện tích gần 500 m2 tại xã An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh), kèm theo đó là các thao tác về đo đạc địa hình và thu thập tư liệu từ cư dân địa phương.
1. Tại di tích Phụ Sơn Lăng (an táng Trần Dụ Tông), nhóm khai quật tìm thấy một hệ thống khá dày đặc các dấu vết kiến trúc mang phong cách thời Trần bao gồm dấu bó nền, móng trụ kê chân tảng, móng tường bao, bậc lên xuống...
Bên cạnh đó, nhiều hiện vật quan trọng cũng được tìm thấy như mảnh cột đá xanh,gạch và ngói cánh sen. Với phân tích tổng hợp từ vị trí các hố thám sát, mặt bằng của Phụ Sơn Lăng đã được xác định trên một diện tích có kích thước 200 x 150m, với dấu tích một công trình có tường bao, sân hành lễ, bậc đá chạm hình rồng và trục thần đạo dẫn từ cửa phía Nam vào trung tâm lăng.
Một phần kiến trúc thời Trần phát lộ tại di tích Phụ Sơn Lăng.
Riêng với trường hợp Nguyên Lăng (an táng Trần Nghệ Tông), công việc của đoàn khai quật gặp nhiều khó khăn - khi khu trung tâm của phế tích này đã bị đào phá hoàn toàn từ giữa thập niên 1980. Người dân địa phương cho biết: những nhóm đào mộ cổ khi trước đã “đục” sâu xuống huyệt mộ khoảng 5-6m và làm bật lên rất nhiều than tro và những súc gỗ lớn có chiều dài gần 5m. Điều này khá phù hợp với kết quả khảo sát của nhóm khai quật: tìm được huyệt mộ chính có diện tích khoảng 28m2 và đường huyệt đạo, kèm theo đó là dấu vết của vôi bột, than tro, hợp chất... dùng để bọc ngoài áo quan của Trần Nghệ Tông.
Theo ThS Văn Anh, người trực tiếp phụ trách cuộc khai quật, Nguyên Lăng có quy mô nhỏ và đơn giản nhất so với các lăng mộ khác trong khu vực lân cận.Đây là điều dễ hiểu, khi Nguyên Lăng là lăng mộ cuối cùng của nhà Trần được xây tại khu sơn lăng nhà Trần ở An Sinh. Ở thời điểm Trần Nghệ Tông qua đời, mọi nguồn lực có thể huy động để xây dựng lăng đều cạn kiệt - khi vương triều Trần đang ở đáy sự suy thoái về kinh tế và quyền lực chuẩn bị rơi vào tay Hồ Quý Ly.
2. Thực chất, cả Nguyên Lăng và Phụ Sơn Lăng đều là các lăng thuộc khu sơn lăng nhà Trần ở An Sinh(hiện nay trải trên 4 xã An Sinh, Bình Khê, Thủy An, Tràng An của huyện Đông Triều.) Theo sử liệu cũ, đây là nơi cư trú của vương triều nhà Trần trước khi về định cư tại Thiên Trường (Nam Định). Do vậy, trong thế kỷ XIV, 8/12 đời vua nhà Trần được an táng tại khu vực này, kèm theo đó là một hệ thống đền miếu và các công trình tín ngưỡng, tôn giáo có vai trò như một “trung tâm văn hóa - tín ngưỡng” của triều Trần - bên cạnh 2 trung tâm chính trị là Thăng Long và Thiên Trường.
Đáng nói, dù được công nhận là Di tích LSVH Quốc gia từ 1962, khu di tích trên theo thời gian đã bị xâm hại nghiêm trọng và đến nay chỉ còn là những phế tích rải rác. Bởi vậy, việc khai quật Nguyên Lăng và Phụ Sơn Lăng chỉ là một phần trong kế hoạch dài hơi của tỉnh Quảng Ninh: bảo tồn, tôn tạo và phục dựng toàn bộ cụm sơn lăng nhà Trần tại xã An Sinh.
Theo hồ sơ đang được trình lên Chính phủ về kế hoạch này, trong thời gian từ 2011- 2015, dự án sẽ được triển khai trên diện tích hơn 2.000 ha và nguồn kinh phí ước chừng 4.000 tỷ đồng. Xin nói thêm, trước Nguyên Lăng và Phụ Sơn Lăng, một số phế tích khác cũng được khai quật rải rác như như Tư Phúc Lăng - lăng của các vua Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Phế Đế - hay Đồng Thái Lăng - nơi an táng Trần Anh Tông.
ThS Văn Anh cho biết thêm, để có thể cung cấp đủ tư liệu khoa học cho việc trùng tu, tôn tạo di tích, việc khai quật Phụ Sơn Lăng cần được tiếp tục mở rộng để tìm hiểu rõ cấu trúc mặt bằng, tính chất và niên đại của di tích này qua từng thời kỳ. Trước mắt, Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành đã kiến nghị tỉnh Quảng Ninh mở rộng khu vực khoanh vùng bảo vệ và có phương án di dân khỏi cụm di tích này, đồng thời lên kế hoạch xem xét để đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long trong tương lai không xâm phạm vào di tích.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất