(TT&VH) - Những đội binh mã bằng đất nung ở khu lăng mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng là phát hiện khảo cổ quan trọng nhất tại Trung Quốc trong thế kỷ 20. Giờ đây, các nhà khảo cổ sắp tiến hành cuộc khai quật thứ ba tại hầm số 1 của di chỉ này.
Do một người nông dân tình cờ phát hiện vào năm 1974 ở gần Tây An, đội quân canh gác bằng đất nung nói trên từng bước được phát lộ và cho đến nay đã đón hàng triệu khách tham quan đến từ khắp thế giới.
Theo sử sách, mộ Tần Thủy Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, người qua đời vào năm 210 trước Công nguyên ở tuổi 50 - được đắp thành một quả đồi cao khoảng 115m, chu vi hơn 2.076m. Do sự bào mòn của tự nhiên trong suốt hơn 2.000 năm, nên quả đồi hiện chỉ còn cao 76 m, từ Nam đến Bắc dài 350m, từ Tây sang Đông là 354m, nằm giữa một khu đất rộng 2km² được bao quanh bởi hai lớp tường thành.
Tại đây người ta đã phát hiện 3 hầm tượng đất nung với quy mô ước tính rộng 20.780m2 nhưng chỉ mới khai quật được một phần. Xét về cách sắp xếp những bức tượng đã khai quật được, các chuyên gia phỏng đoán trong lăng mộ này có hơn 130 chiến xa, 500 ngựa gốm kéo xe, gần 8.000 tượng lính kéo xe, tượng ky binh và bộ binh... Những tượng lính thường cao trên 1m8 được làm từng cái một trông rất giống người thật, với những gương mặt khác nhau.
Trong các hầm binh mã đất nung này, hầm số 1 có quy mô lớn nhất, chạy từ Đông sang Tây dài 210m, tổng diện tích khoảng 13.000m2.
Cuộc khai quật đầu tiên ở hầm mộ này được tiến hành từ năm 1978 đến 1984 trên diện tích 2.000m2 và các nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 1.000 tượng chiến binh bằng đất nung. Năm 1985, cuộc khai quật thứ hai bắt đầu nhưng chỉ kéo dài một năm vì thiếu các công nghệ tiên tiến.
Khó khăn lớn nhất trong việc khai quật hầm mộ này không đến từ những trở ngại khi đào bới, mà là việc bảo quản các đồ vật được đào lên. Các tượng binh mã khi vừa đào lên thì có màu sắc riêng biệt nhưng sau một thời gian đều bị phai nhạt. Vì vậy các hiện vật mà người ta tìm thấy sau đó đã được đưa ngay vào hầm lạnh âm 40 độ C để tạo lớp băng mỏng bao bọc, kế tiếp là bảo quản lâu dài trong kho chứa.
Sau hai đợt khai quật lớn nêu trên, các nhà khảo cổ Trung Quốc sắp tiến hành cuộc khai quật thứ ba tại hầm số 1. Bắt đầu vào cuối tuần này, họ sẽ đào xuyên qua khu vực phía Bắc của hầm. Các nhà khảo cổ hy vọng sẽ có được những phát hiện mới về cuộc sống hoàng cung cách đây hơn 2.200 năm. Xu Weihong, nhà nghiên cứu của Bảo tàng Chiến binh đất nung, cho biết: “Vài năm trở lại đây, chúng tôi đã có được nhiều công nghệ tiên tiến hơn để đảm bảo rằng các di sản ở hầm số 1 sẽ được bảo tồn một cách hoàn hảo”.
Cho tới nay, các nhà khảo cổ chỉ mới khai quật những hầm xung quanh, chứ chưa ai có thể vào bên trong lăng mộ hình quả đồi nói trên. Qua thăm dò cấu trúc lăng từ xa, người ta chỉ mới xác định trong đó có một cung điện ngầm khổng lồ nằm ở độ sâu 30m, nơi chứa linh cữu của Tần Thủy Hoàng.
Các nhà khoa học tin rằng Tần Thủy Hoàng được chôn với nhiều báu vật thuộc dạng quốc bảo, thế nên nếu khai quật trong thời điểm chưa có những biện pháp bảo quản hữu hiệu thì những đồ vật này có thể bị hư hỏng khi được đưa lên mặt đất. Vì vậy, ý kiến chung là nên để tất cả như nguyên trạng cho đến khi người ta tìm ra cách bảo quản hữu hiệu thì mới khai quật.
Lương Tuấn Vĩ