(TT&VH) - Binh mã nhà Tần và Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là quần thể công trình kiến trúc vĩ đại. Tới nay, các nhà khảo cổ Trung Quốc mới khai quật ba khu đặt binh mã, còn lại vẫn tiếp tục thăm dò nghiên cứu. Một câu hỏi đối vẫn được đặt ra, đặc biệt đối với giới kiến trúc: Cách đây hơn 2200 năm, người Trung Quốc đã xây dựng công trình được mệnh danh là “Kỳ quan thứ 8” này như thế nào? Từ lâu nay, đây vẫn là một bức màn bí ẩn mà gần đây mới dần được hé mở.
Một bức tranh cổ vẽ Tần Thủy Hoàng |
Tuần trước, nhà khảo cổ Lưu Chiếm Thành, người phụ trách Viện bảo tàng “Binh mã Tần Thủy Hoàng” đã công bố kết quả những nghiên cứu mà ông mới khám phá gần đây qua nhiều năm tìm hiểu về quá trình xây dựng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Lăng mộ này - được khởi công xây dựng từ năm 246 trước Công nguyên ngay từ khi Tần Thủy Hoàng mới 13 tuổi, sau ròng rã 38 năm mới hoàn thành - nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), cách Tây An 50 km về phía Đông. Bên trên mộ đắp đất cao tới 115 mét, chu vi tới 2.076 mét. Sau khi Tần Thủy Hoàng được mai táng, những người thợ và người đưa thi hài đều bị vùi trong mộ. Rồi triều đình sai người trồng cây, trồng cỏ lên trên ngụy trang giống như một trái núi. Từ khi được các nông dân tình cờ khám phá khi đào giếng vào năm 1974, cho tới nay người ta chỉ mới khai quật được những đội quân đất nung xung quanh khu lăng chính nói trên, chưa ai có thể vào bên trong lăng mộ.
Sở dĩ như vậy là vì việc khai quật không đơn giản: Trước hết lăng mộ này rất rộng phải di chuyển một khối lượng đất khổng lồ, xung quanh lại bao bọc bởi những lớp thủy ngân (nồng độ cực kỳ lớn), trong khi ấy mực nước ngầm dưới lòng đất khá cao. Quan trọng nhất là khi các tượng binh mã khi đào lên, màu sắc của chúng nhanh chóng bị phai nhạt hết nếu không được bảo quản ngay. Vì vậy muốn khai quật toàn bộ khu lăng mộ thì phải tốn hàng trăm triệu USD.
Cho đến nay các nhà khảo cổ học mới chỉ có thể thăm dò từ xa cấu trúc trong lăng. Nhà khảo cổ cho biết Lưu Chiếm Thành cho biết khu lăng mộ gồm nhiều công trình, từ chủ yếu gồm: cung điện dưới đất, tường thành, khu an táng… Trong đó việc xây dựng cung điện ngầm dưới đất là phức tạp nhất và cũng mất nhiều công sức nhất.
Một khu chiến binh đất nung bên ngoài khu lăng mộ
Tần Thủy Hoàng
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, việc xây dựng Cung điện ngầm gồm sáu bước sau: 1-Xây dựng hệ thống thoát nước ngầm. 2-Đào khu đất nền xây dựng cung điện ngầm. 3-Bố trí các phòng dưới mộ. 4-Gắn kín đỉnh mộ bằng đá. 5-Hoàn chỉnh lại Hệ thống thoát nước. 6-Lấp đất.
Qua thăm dò, công trình đào đất để xây dựng cung điện ngầm có kích cỡ chiều Đông – Tây dài 170 m, chiều Bắc – Nam 145 m, sâu 30 m. Như vậy, tổng khối lượng đất phải đào tới trên 0,5 triệu m3.
Theo khảo sát của các nhà địa chất, mạch nước ngầm ở khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng chia làm hai tầng, một tầng ở độ sâu khoảng 15 m, tầng thứ hai sâu 30 m. Cung điện ngầm này nằm sâu 30 mét, nên đúng vào các mạch nước ngầm, rất dễ bị nước ngầm thẩm thấu. Bởi vậy, trước tiên phải xây dựng hệ thống cống ngầm dẫn nước tới các giếng sâu đào gần đó, nước từ các giếng sâu này được thiết kế thoát đi các nơi khác. Qua đó Cung điện ngầm luôn được khô ráo, giống như một hòn đảo trên biển, không bị nước xâm thực làm mục nát. Các cống ngầm này được xây bằng đá và chát chít bằng bột vữa thạch cao, tiếp đó lèn chặt một lớp đất rất dày, rồi dùng gạch xây tiếp để chống nước ngầm thấm vào phòng mộ.
Hình phục dựng nơi đặt linh cữu của Tần Thủy Hoàng
trong Cung điện ngầm
Cung điện ngầm chia làm nhiều phòng trong đó phòng chính đặt linh cữu, bên trong có chiếc quan tài bằng đồng đặt thi hài. Theo sử sách cổ ghi lại linh cữu đặt giữa “sông thủy ngân” có độc tố cao nhằm phòng ngừa có người tiếp cận lấy xác. Các phòng bên cạnh gồm các đồ dùng phục vụ cho Tần Thủy Hoàng sau khi về thế giới âm. Người Trung Quốc cho rằng “trần sao âm vậy”, nghĩa là sau khi chết con người vẫn sinh hoạt như lúc ở trần gian. Trên trần có các bức khắc họa bản đồ các vì tinh tú, quanh tường các bức bích họa.
Sau khi các công tác này hoàn tất là công đoạn cuối cùng là lấp đất. Đất lấp lên như một quả núi nhỏ có hình chữ nhật với chiều dài nam – bắc là 515m, chiều rộng đông - tây dài 485m, bên trên có trồng cây. Cuốn “Sử ký – Tần Thủy Hoàng Bản kỷ” có ghi chép sau khi đưa linh cữu vào trong cung điện an táng, các cửa đá trong và ngoài cung điện sập xuống, những người thợ, người đưa thi hài vào bên trong đều bị chôn theo dưới mộ mà không có lối thoát ra ngoài”. Các kết quả khảo cứu cho thấy đúng là như vậy.
Lưu Chiếm Thành nói: “Mỗi một công đoạn của công trình là một đề tài nghiên cứu khoa học, cần đi sâu nghiên cứu để làm sáng tỏ. Việc khám phá ra bí ẩn về các công đoạn tiến hành xây dựng Lăng mộ Tần Thủy Hoàng giúp ích cho việc khai quật sau này chẳng những đối với lăng tẩm Tần Thủy Hoàng mà còn đối với các khu mộ cổ khác".
Năm 2003, Trung Quốc đã quyết định xây dựng “Công viên di chỉ Lăng mộ Tần Thủy Hoàng”, hiện nay công tác này đang tiến hành khẩn trương, dự kiến tới năm 2010 có thể hoàn thành để mở cửa cho du khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Kiều Tỉnh