13/04/2023 15:38 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Một nghiên cứu mới cho thấy người Tây Tạng cổ đại đã bắt đầu tiêu thụ các sản phẩm từ sữa ít nhất 3.500 năm trước. Đây là cách giúp họ sống sót trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết phát hiện của họ chứng minh rằng việc chăn nuôi động vật để lấy sữa đã xuất hiện ở Cao nguyên Tây Tạng sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Thời điểm này trùng khớp với xương của động vật nhai lại được thuần hóa sớm nhất về mặt khảo cổ học trên vùng cao nguyên phía trong, qua đó thể hiện rằng con người đã chăn nuôi các động vật để lấy sữa từ khoảng thời gian này".
Theo SCMP, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu ở Australia, Anh, Trung Quốc, Cộng hòa Séc, Đức, Ý, Thụy Sĩ và Mỹ đã công bố phát hiện của họ – dựa trên phân tích protein sữa được bảo quản trong răng của 40 người cổ đại – trên tạp chí Science vào ngày 13/4.
Nghiên cứu cho biết: "Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp nguồn thực phẩm bền vững và có thể tái tạo, góp phần tăng cường an ninh lương thực ở vùng cao nguyên Tây Tạng".
"Sinh kế của người chăn nuôi ở vùng cao thường tập trung vào các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa, bơ, pho mát và sữa chua, chủ yếu là vì việc tiêu thụ thịt đòi hỏi phải giết gia súc và thường chỉ xảy ra trong một mùa cụ thể."
Hoạt động tiêu thụ sữa đã có lịch sử lâu đời đối với các dân tộc du mục trên khắp châu Á, nhưng lại ít phổ biến hơn nhiều trong nền văn hóa cổ đại của người Hán.
Việc dùng sữa ở Tây Tạng đã xuất hiện sớm nhất trong Thông điển - một bộ bách khoa toàn thư gồm 200 tập được viết vào khoảng năm 766 đến năm 801 bởi Đỗ Hựu, người từng giữ chức Tể tướng dưới thời nhà Đường. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này lại cho thấy người dân Tây Tạng đã dùng sữa trước ghi chép này ít nhất 2 thiên niên kỷ.
Cao nguyên Tây Tạng, hay còn được gọi là "cực thứ ba của Trái đất", là cao nguyên cao nhất và lớn nhất thế giới, đồng thời có nhiều băng tuyết hơn bất kỳ nơi nào trên Trái đất chỉ sau Bắc cực và Nam cực.
Thức ăn ở đây rất khan hiếm trong khi con người cần một lượng calo lớn để tồn tại trong môi trường lạnh, cực khô và thời tiết khó lường. Con người cũng có thể bị thiếu oxy ở độ cao lớn như vậy.
Theo nghiên cứu, ngày nay, hơn hai phần ba diện tích đất ở Cao nguyên Tây Tạng được dành để chăn thả gia súc. Chưa tới 1 phần trăm đất đai được canh tác.
Tác giả chính Tang Li, một nhà nghiên cứu tiến sĩ tại khoa khảo cổ học tại Viện Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck ở Đức, cho biết chăn nuôi gia súc gần như là lựa chọn duy nhất cho người dân ở những khu vực không thể canh tác.
"Vắt sữa thường được thực hiện theo mùa. Động vật sản xuất nhiều sữa hơn vào mùa hè và mùa thu và ít hơn vào mùa xuân và mùa đông. Người Tây Tạng cổ đại có thể đã phát triển các cách dự trữ sữa bằng cách biến sữa thành các sản phẩm từ sữa như bơ, sữa chua và pho mát", tác giả Tang nói.
Phát hiện của nhóm dựa trên việc phân tích các protein được bảo tồn trong cao răng của người cổ đại. Đây là một phần trong hoạt động nghiên cứu về cách thức các quần thể thời tiền sử thích nghi với vùng cao nguyên khó trồng trọt của Tây Tạng.
Được biết, cao răng giữ lại các protein thực phẩm, do đó chúng là đối tượng lý tưởng cho các nhà nghiên cứu vì chúng có thể tồn tại lâu hơn nhiều so với DNA và cung cấp bằng chứng trực tiếp về chế độ ăn uống.
Nhà nghiên cứu Tang cho biết các nhà khảo cổ học trên toàn thế giới đã và đang sử dụng các kỹ thuật mới để phân tích các protein được tìm thấy trong cao răng, nhờ đó hé lộ các thông tin trước đây không thể có được về các quần thể người cổ đại.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được 40 người từ 15 địa điểm trên khắp Tây Tạng và miền tây Thanh Hải, những người lấy sữa từ cừu, dê và có thể cả gia súc và yak. Tất cả các mẫu đều được thu hồi từ những địa điểm cao hơn 3.700 mét so với mực nước biển.
Độ cao cao nhất mà một mẫu vật như vậy được thu thập là ở độ cao 4.654 mét so với mực nước biển và lấy từ thi thể của một người phụ nữ được chôn cùng với đầu động vật tại nghĩa trang Ounie ở miền bắc Tây Tạng.
Nhưng nhóm nghiên cứu không phát hiện thấy bất kỳ protein sữa nào từ mẫu vật ở các thung lũng phía nam và đông nam, nơi có nhiều đất canh tác hơn.
Nhóm nghiên cứu cho biết: "Xu hướng này cho thấy rằng việc tiêu thụ sữa có thể ít quan trọng hơn ở các thung lũng có thể trồng trọt của vùng cao nguyên".
Tác giả Tang cho biết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm kiếm bằng chứng từ các khu vực khác của cao nguyên – ví dụ như tìm casein, một loại protein sữa và là thành phần chính của pho mát, hoặc dấu vết của các công cụ chế biến sữa – để ghép lại một bức tranh hoàn chỉnh hơn về việc tiêu thụ sữa cổ đại ở Tây Tạng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất