Bí ẩn 'ban công tình yêu' trong 'Romeo và Juliet'

04/11/2014 12:56 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một trong những cảnh kinh điển của sân khấu thế giới, với Juliet đứng trên ban công và Romeo ở dưới khu vườn, thề nguyền yêu đương trọn đời trọn kiếp. Vấn đề là Shakespeare chưa từng đề cập đến từ "ban công" trong vở kịch gốc.

Thậm chí, ở thời Shakespeare còn chưa có từ “ban công”. Bản thân nhà soạn kịch vĩ đại không biết ban công là cái gì. Không chỉ vắng bóng trong kịch Shakespeare, ban công còn chưa hề xuất hiện ở nước Anh vào thời Shakespeare.

Ban công đến nước Anh sau khi Shakespeare qua đời

Sự thực kỳ lạ này có thể được xác nhận bởi bất cứ ai từng đọc toàn bộ vở kịch gốc của Shakespeare. Nhưng điều phức tạp hơn là tại sao cái ban công đó lại xuất hiện và gắn chặt với mối tình Romeo và Juliet, trở nên nổi tiếng suốt 400 năm qua, đến mức không thể tách rời khỏi vở kịch như vậy?

Theo từ điển Oxford, từ “ban công” xuất hiện lần đầu vào năm 1618 với cách viết “balcone” chứ không phải “balcony” như ngày nay. 1618 là 2 năm sau khi Shakespeare qua đời.


Cảnh ban công trong phim điện ảnh Romeo và Juliet năm 1936

Còn ngoài đời, ban công chỉ được đưa từ châu Âu lục địa vào nước Anh trong năm 1611, gần 15 năm sau khi vở Romeo và Juliet lần đầu công diễn, nhờ một người Anh có tên Tom Coryat.

Vào thế kỷ 17, cái “ban công” khi đó còn chưa có danh từ để gọi, bị xem là chi tiết kiến trúc có phần... tai tiếng ở Anh. Nguyên nhân do ban công làm mất đi sự riêng tư của những ngôi nhà Anh vốn khép kín. Ngoài ra, khí hậu nước Anh quá lạnh, không phù hợp để có những không gian mở như ban công.

Nói thế để thấy công chúng từng xa lạ đến mức nào trong cả đời sống lẫn văn hóa Anh dưới thời Shakespeare. Nhưng cùng với sự phát triển tự nhiên của văn chương và sân khấu, ban công đã xuất hiện và trở thành chi tiết cải biên quan trọng nhất trong Romeo và Juliet. Câu hỏi là sự thay đổi đã diễn ra như thế nào?

“Đóng góp vĩ đại” của Thomas Otway

Tờ Atlantic cho biết thực chất cảnh tỏ tình bên ban công đến từ một nhà soạn kịch khác là Thomas Otway. Ngày nay Otway ít được biết đến, nhưng ông là một nhà soạn kịch nổi tiếng ngang ngửa với Shakespeare thời đó.

Năm 1642, Quốc hội Thanh giáo Anh đã đóng cửa các nhà hát ở London. Sau khi Vua Charles 2 được phục hồi vương vị năm 1660, ông mở lại các nhà hát. Kịch Shakespeare lại được diễn, trong đó có Romeo và Juliet vào năm 1662. Nhưng nổi tiếng hơn cả Romeo và Juliet thời đó là The History And Fall Of Caius Marius (Lịch sử và sự sụp đổ của Caius Marius) của Otway, ra rạp vào năm 1679.

Điểm mấu chốt nằm ở chỗ vở Caius Marius ghép các đoạn thoại, nhân vật và cốt truyện của Romeo và Juliet vào bối cảnh cuộc chiến chính trị và quân sự thời La Mã cổ đại. Sự "vay mượn" này là điều thông thường với các vở kịch thời đó, bản thân Shakespeare cũng vay mượn từ nhiều nguồn khác khi viết kịch.

Khán giả thế kỷ 17 và 18 không sốc khi nghe các nhân vật Lavinia và Marius của Otway nói những lời thoại của Romeo và Juliet. Hơn thế, thời đó Otway lại nổi tiếng hơn Shakespeare.

Từ năm 1701 đến 1735, Caius Marius được trình diễn hơn 30 lần, trong khi Romeo và Juliet không ra rạp một lần nào. Kịch Shakespeare không được dạy trong trường học, các bản in cũng hiếm và đắt. Chỉ từ thế kỷ 18, kịch Shakespeare và đặc biệt là Romeo và Juliet mới trở nên nổi tiếng.

Quay lại chuyện cái ban công, Otway dù vay mượn Shakespeare nhưng đã thêm một sáng tạo đắt giá vào vở kịch. Ông đã bổ sung cảnh ban công và khu vườn vào cảnh thổ lộ tình cảm giữa đôi tình nhân trong Caius Marius. Ngoài ra Otway còn góp thêm một cảnh hay ở cuối tác phẩm: khi chất độc giả của nhân vật nữ hết tác dụng thì chất độc thật của nhân vật nam mới phát tác.

Có thể thấy, dù Otway chỉ thực hiện một thay đổi nhỏ nhưng chi tiết ông tạo ra đã đi vào lịch sử và sức lan tỏa văn hóa thì không thể tính được. Hình ảnh Juliet đứng trên ban công với Romeo đứng dưới khu vườn đã trở thành vĩnh cửu.

Có một thực tế nữa là khi nhắc đến Romeo và Juliet hay các vở kịch khác của Shakespeare, dường như người ta ít quan tâm đến văn bản gốc mà lại quan tâm nhiều hơn đến các bản dựng của kịch hoặc những loại hình chuyển thể khác. Mỗi thời lại có những phiên bản Shakespeare của thời đó ở đủ thứ ngôn ngữ.

Vì vậy, qua hàng trăm năm, với vô vàn bản dựng, bản chuyển thể, ít ai còn nhớ trong Romeo và Juliet gốc đã không có ban công. Cái ban công đó đã được “sinh ra” và “nuôi dưỡng” cùng với vở kịch - một kiệt tác đã trường tồn cùng nhân loại.

Vì sao cảnh ban công mãi là kinh điển?

Trong Romeo và Juliet có cả ngọt ngào và cay đắng, có gặp gỡ, đoàn tụ và chia lìa, nhưng vì sao người ta chú ý nhiều tới cảnh tỏ tình bên ban công? Tác giả Lois Leveen trên Atlantic đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Ông thấy rằng khán giả dường như muốn câu chuyện dừng lại mãi mãi ở khoảnh khắc tình yêu thanh xuân đẹp đẽ và bất tử.

Cái ban công là nơi Juliet nhoài người, ra khỏi sự bảo bọc của bố mẹ, để hướng về phía Romeo, với đam mê, hạnh phúc và và trắc trở. Tại nơi này, mọi bi kịch và chết chóc chưa xảy đến, chỉ có tình yêu hiện diện. Đó là điều người ta vẫn muốn tin, dù hàng trăm năm đã trôi qua.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm