Nàng "Mona Lisa" & 16 năm thai nghén

19/04/2012 11:20 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Việc phát hiện ra bức tranh “chị em” với kiệt tác Mona Lisa của danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci, còn giúp các chuyên gia khẳng định rằng, thực ra danh hoạ đã mất tới 16 năm mới hoàn thành họa phẩm này, chứ không phải 3 năm như người ta tưởng.

Trước đây, người ta vẫn cho rằng Da Vinci vẽ chân dung bà Lisa Gherardini, hay còn gọi là La Gioconda, trong vòng 3 năm, từ năm 1503 đến năm 1506. Nhưng chứng cứ cho thấy rõ, ông hoàn thành bức tranh trong 16 năm và vẫn còn hoàn thiện cho kiệt tác này cho đến khi qua đời vào năm 1519.

Những “mật mã” được phơi mở

Như vậy, có thể coi bức chân dung này là tác phẩm được hoàn thành trong thời kỳ cuối của Da Vinci và qua đó giải thích tại sao nó không thuộc về Francesco Del Giocondo, chồng của người mẫu trong tranh, mặc dù ông ta là người đặt vẽ tranh.

Sau khi phát hiện ra bức tranh Mona Lisa thứ 2 tại Bảo tàng Prado ở Madrid, Tây Ban Nha, hồi tháng 2, các chuyên gia biết được rằng chính Bảo tàng Louvre - nơi đang lưu giữ bức tranh “chị” - đã thay đổi niên đại của bức tranh trong cuốn catalogue chính thức của bảo tàng.

Có nhiều bản sao của Mona Lisa có niên đại từ thế kỷ 16 và 17. Chúng được hoàn thành sau khi Da Vinci qua đời và họa phẩm tại Bảo tàng Prado cũng từng được cho là một trong số đó. Nhưng khi các nhà nghiên cứu bóc lớp màu đen được tô chồng lên từ cuối thế kỷ 18, họ phát hiện ra những nét vẽ tinh tế, giống hệt với bức tranh gốc tại Bảo tàng Louvre.

Bức tranh Mona Lisa gốc (trái) và bức tranh “em” trong bộ sưu tập
của Bảo tàng Prado (Tây Ban Nha)

Thêm nữa, họa phẩm “chị em” ở Bảo tàng Prado vẫn được cho là vẽ trên gỗ sồi, loại gỗ hiếm khi được sử dụng ở Italia thời điểm đó. Do vậy, người ta cho đây là tác phẩm của một nghệ sĩ Bắc Âu. Song sau khi tiến hành thẩm định, các chuyên gia phát hiện ra gỗ của bức tranh này là gỗ cây óc chó - loại gỗ rất thông dụng ở Italia.

Chưa kể, là những hình ảnh phân tích bằng tia hồng ngoại của bức tranh ở Bảo tàng Prado cho thấy nó giống bản gốc đến kinh ngạc. Do vậy, họ kết luận rằng hai bức tranh được vẽ trong cùng một thời điểm, và được vẽ cạnh nhau.

Khi Ana Gonzalez Mozo, chuyên gia kỹ thuật của Bảo tàng Prado, nghiên cứu kỹ hơn vào nền bức tranh, bà nhận thấy nó giống với một bức phác thảo về các tảng đá của Da Vinci, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Queen. Martin Clayton, thuộc Bảo tàng Queen, xác định niên đại của bức phác thảo này là vào năm 1510-1515. Sau khi thẩm định cả 3 bức tranh, các chuyên gia Bảo tàng Prado và Louvre đều thống nhất rằng các tảng đá nền trong cả 2 bức tranh đều được vẽ dựa theo cùng một phác thảo. Điều đó có nghĩa là Da Vinci không thể hoàn thành bức chân dung Mona Lisa vào năm 1506.

Hành trình của nàng Mona Lisa

Các giả thuyết mới tiếp tục tạo nên điều lý thú nữa cho lịch sử đầy màu sắc của “nàng” Mona Lisa. Da Vinci bắt đầu được đặt vẽ tranh vào năm 1503, lúc đó ông đang sống ở Florence.

Giorgio Vasari, một nghệ sĩ đương đại đồng thời là tác giả cuốn Lives of the Artists, được cho là cuốn “Kinh thánh” của lịch sử nghệ thuật, đã ghi lại rằng “sau khi Da Vinci vẽ trong vòng 4 năm, ông để bức tranh dang dở đó”. Năm 1516, Leonardo được mời vẽ cho Vua François I tại Clos Luce, một lâu đài ở Amboise, phía Tây Paris, và ông mang theo bức tranh Mona Lisa cùng 2 họa phẩm khác.

Chỉnh sửa lại niên đại

Giờ đây niên đại của kiệt tác Mona Lisa đã lần đầu tiên được chỉnh sửa trong catalogue của Bảo tàng Louvre, nơi đang tổ chức một cuộc triển lãm “ăn mừng” việc phục chế thành công một họa phẩm khác của Da Vinci - The Virgin and Child with St. Anne. Với triển lãm này, lần đầu tiên 2 bức tranh “chị em” Mona Lisa được treo cạnh nhau. 

Khi Da Vinci qua đời, bức tranh được chuyển cho trợ lý đồng thời là người tình của ông - Salai, rồi sau đó Vua François I đã sở hữu bức tranh và để lại cho các vị vua Pháp kế nhiệm. Kiệt tác này được treo trong các cung điện ở Fontainebleau và Versailles cho đến khi cách mạng Pháp nổ ra và bức tranh được đưa vào Bảo tàng Louvre. Được biết, Hoàng đế Napoleon từng treo bức tranh trong phòng ngủ của mình tại cung điện Tuileries.

Vụ trộm tranh năm 1911 đã đưa “nàng” Mona Lisa nổi tiếng trên bình diện quốc tế. Mặc dù hình ảnh bức tranh bị đánh cắp được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí khắp thế giới, song nó vẫn mất tích trong 2 năm.

Nhà thơ Guillaume Apollinaire, người từng kêu gọi đốt Bảo tàng Louvre và từng dính líu vào việc buôn bán đồ bị đánh cắp, đã bị nghi ngờ liên quan vào vụ này và bị tống giam. Ông đổ tội cho danh họa Pablo Picasso, người cũng bị nghi vấn. Song cuối cùng cả 2 đều được chứng minh trong sạch. Kẻ trộm thực sự là Vincenzo Peruggia, lúc đó là một nhân công trong Bảo tàng Louvre. Hắn đánh cắp bức tranh vì cho rằng nó nên được đưa trở về Florence (Italia). Hắn đã giữ bức tranh trong một căn hộ ở Paris và bị bắt khi đang cố gắng bán tranh cho Phòng trưng bày Uffizi ở Florence.

Việt Lâm (lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm