Bán đấu giá họa phẩm “Mona Lisa thời hiện đại”

23/02/2012 13:45 GMT+7 | Văn hoá


                                

(TT&VH) - Bức tranh The Scream (Tiếng thét) của danh họa Na Uy Edvard Munch (1863 – 1944), vốn được coi là “Mona Lisa của kỷ nguyên hiện đại”, sẽ được hãng Sotheby’s đấu giá ở New York vào ngày 2/5 với giá dự tính 80 triệu USD.

Là một trong những bức tranh gây hoảng sợ nhất mọi thời đại, The Scream của Edvard Munch mô tả một người đàn ông tay ôm đầu và thét to dưới bầu trời đỏ như máu.

Phiên bản đặc biệt nhất

Họa sĩ Munch đã vẽ 4 phiên bản bức The Scream và đây là bức tranh duy nhất nằm trong tay một nhà sưu tầm tư nhân. Bức tranh này được Munch in thạch bản vào năm 1895 và hiện thuộc quyền sở hữu của doanh nhân Na Uy Petter Olsen, người có cha là bạn, đồng thời là người bảo trợ của Munch.

“Tôi đã gắn bó đời mình với bức tranh. Tuy nhiên, tôi nghĩ bây giờ nên tạo cho thế giới có cơ hội sở hữu và đánh giá kiệt tác này” - Olsen nói và cho biết, toàn bộ số tiền thu được từ bức tranh đấu giá sẽ được sử dụng để xây dựng một bảo tàng mới - một trung tâm nghệ thuật và khách sạn tại trang trại của ông ở Hvitsten. Đó là nơi cha Olsen và họa sĩ Munch từng sống và là hàng xóm thân thiết của nhau. Bảo tàng này sẽ được khai trương vào năm 2013 nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Munch.

3 phiên bản khác của bức tranh The Scream hiện đang được trưng bày trong các bảo tàng ở Na Uy. Munch vẽ bức The Scream đầu tiên vào năm 1893 và bức tranh này hiện đang được treo tại Phòng trưng bày Quốc gia Na Uy. Cùng năm đó, ông vẽ một phiên bản nữa và được cho là phác thảo chuẩn bị cho phiên bản hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Munch ở Oslo. Bảo tàng này còn sở hữu phiên bản Munch vẽ năm 1910.

Năm 1994, năm Na Uy tổ chức Thế vận hội mùa Đông, kẻ trộm đã đánh cắp phiên bản The Scream từ Phòng trưng bày Quốc gia, nhưng nó đã được tìm thấy ngay trong năm đó. 1 thập kỷ sau, những kẻ cướp mang súng đã mang đi phiên bản vẽ năm 1910, nhưng cũng chỉ 2 năm sau đó người ta lại tìm thấy tranh, dù nó không còn nguyên vẹn như trước.

Bức vẽ sắp được đấu giá trông sinh động hơn các phiên bản kia và có một bài thơ do chính họa sĩ viết. Đây cũng là bức vẽ duy nhất mô tả 1 trong 2 nhân vật ở đằng sau người đàn ông đứng ngắm nhìn thành phố.

Ông Philip Hook, chuyên gia cao cấp về nghệ thuật ấn tượng và hiện đại của hãng Sotheby's, cho biết: “Đây là một trong những tác phẩm nghệ thuật hiện đại quan trọng nhất mà chúng tôi đem đấu giá”. Theo Sotheby's, nếu xét về độ dễ nhận biết nhất của một tác phẩm nghệ thuật thì The Scream chỉ đứng sau kiệt tác Mona Lisa của danh họa Phục hưng Leonardo Da Vinci.

Sotheby's nói, để nêu được chính xác giá trị của bức tranh rất khó vì hiếm khi có “thần tượng thực thụ” xuất hiện trên thị trường. Sotheby's hiện vẫn nắm kỷ lục tranh của Munch khi họa phẩm Vampire của ông đã đạt giá 38,1 triệu USD tại cuộc đấu giá ở New York hồi năm 2008.

Thị trường nghệ thuật thoát cảnh ảm đạm

Thị trường nghệ thuật năm nay đã thoát được không khí ảm đạm do suy thoái kinh tế. Trong một loạt cuộc đấu giá ở London, tác phẩm của nhiều nghệ sĩ, trong đó có Francis Bacon, Gerhard Richter và Mark Rothko, đã đạt giá hàng chục triệu USD.

Mới đây, bức tranh The Card Players của Paul Cezanne đã lập kỷ lục thế giới khi nó được gia đình Hoàng gia Qatar mua với giá 250 triệu USD. Một chuyên gia đấu giá cho biết, có nhiều khách hàng Trung Đông sẽ tham gia vào quá trình đấu giá bức The Scream. “Họ có rất nhiều bảo tàng và đang muốn treo những họa phẩm có chất lượng cao trong các bảo tàng của mình”.

Cuối năm nay, Anh sẽ tổ chức triển lãm lớn các tác phẩm của Munch, trong khi đó vào tháng 6 bảo tàng Tate Hiện đại sẽ trưng bày triển lãm Edvard Munch: The Modern Eye.

Edvard Munch là họa sĩ Na Uy theo trường phái tượng trưng. Ông trưởng thành ở thủ đô Oslo. Cha ông là một bác sĩ quân y sùng đạo. Mẹ Munch qua đời khi ông mới 5 tuổi và em gái ông cũng đã chết. Bản thân ông là người hay đau ốm. Ban đầu, ông học ngành kỹ sư, nhưng sau đó đã bỏ để học nghệ thuật. Ông đã triển lãm tranh ở Paris, Berlin và Oslo. Trong các tác phẩm nghệ thuật của mình, Munch thường gợi lại những ký ức đau ốm, chết chóc và đau khổ.

Nói về nguồn cảm hứng khiến ông vẽ bức The Scream, Munch cho biết: “Tôi đang đi dạo cùng 2 người bạn, mặt trời bắt đầu lặn. Bỗng nhiên bầu trời ngả sang màu đỏ máu, tôi dừng lại, cảm thấy mệt mỏi và tựa người vào hàng rào. Các bạn tôi vẫn đi tiếp, còn tôi vẫn đứng đó run sợ và cảm thấy có một tiếng thét vang dội trong thiên nhiên”.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm