Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng: Đừng “Triệu phú hóa” lễ hội

28/03/2009 10:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng mở màn trong sự náo nức chờ đón của không chỉ người dân Đà Nẵng mà của nhân dân cả nước và du khách quốc tế. Sự chuẩn bị công phu và thành công của lễ hội là không phải bàn cãi.

Tuy nhiên,  đọc bài “Sốt chỗ xem pháo hoa” (báo Đà Nẵng, 25.3.2009) không khỏi phải giật mình! Muốn có một bàn ăn thật tốt (chưa kể tiền ăn, uống) để vừa thưởng thức vẻ đẹp từ pháo hoa, vừa ẩm thực, du khách phải chi trả từ 1-2 triệu đồng. Một cái vé để có một chỗ ngồi (kèm thức uống trên tầng 14 của khách sạn), giá không ít hơn 200.000 đồng… Có rất nhiều điều đáng suy ngẫm từ thực trạng này.

Thứ nhất, hai tổ kiểm tra như cách bà Phó Chủ tịch Quận Hải Châu thông báo, liệu có đủ để kiểm soát và ngăn chặn sự “chặt, chém” du khách hay không? Câu trả lời là không thể. Trên thực tế cũng không hề có một chế tài nào khẳng định như thế nào là giá cao, như thế nào là “vừa phải”, như thế nào là chặt chém? Thứ hai tại sao không có một quy định rằng sẽ có một mức thuế lũy tiến cho mọi sự tăng giá đối với các khách sạn, nhà hàng tăng giá bất hợp lí? Thực tế, Nhà nước đã thất thu một khoản rất lớn, trong khi ai cũng biết rằng để có ngày hội pháo hoa hoành tráng như vậy, tiền đầu tư là không nhỏ. Lời phàn nàn được bài báo trên trích dẫn từ một bác xe thồ cho thấy là ngay cả người lao động vất vả nhất mà còn phải trả tiền ăn uống gấp đôi thì những trường hợp “xem mặt mà chặt chém” sẽ ra sao?

“Ăn xổi ở thì” là một căn bệnh lâu đời của hàng quán nước ta. Đối với du khách, không phải là số tiền cao hơn 50 hay 100 ngàn đồng mà là ở chỗ nó phải đúng giá, đáng đồng tiền, bát gạo. Đồng ý người đông, đất chật thì giá cả phải tăng, nhưng không có nghĩa là cứ tăng lên đến tận trời rồi bắt thành phố phải chịu hậu quả lâu dài. Thành công của ngành du lịch, của thương hiệu một thành phố không phải là doanh thu trong một vài ngày. Nó là sức bền của tầm nhìn xa, tính hấp dẫn lâu dài. Nếu đến rồi bực, khó chịu thì lần sau còn ai đến nữa? Thử đặt câu hỏi, nếu mỗi cái bàn có giá đến 2 triệu đồng trong 100 phút thì đa số người dân thành phố được lợi gì và mất những gì? Xin thưa, chỉ có một số người ra mặt “chặt chém” hưởng lợi, còn ngành du lịch và người dân cả Thành phố phải chịu thiệt. Vậy có thu được khoản thuế nào từ chỗ ngồi đó hay không? Tại sao lại không thu?

Đà Nẵng nổi tiếng cả nước về chỉ số PCI – chỉ số năng lực cạnh tranh - môi trường “sạch”, thông thoáng cho nhà đầu tư. Hãy coi dịp kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng và festival pháo hoa lần thứ hai này cũng là một tiêu chí nữa của PCI. Hãy rút kinh nghiệm từ thực tế, có một số festival, lễ hội đang teo tóp dần bởi chúng đã bị “triệu phú hóa”. Lý do thật dễ hiểu: Người giàu đến một lần rồi thôi, còn người nghèo chỉ dám đứng từ xa rồi… thở dài. Một chỗ ngồi “đẹp” bên bờ sông Hàn là 2 triệu đồng, tức là bằng hai tháng lương của người lao động bình thường! Như vậy, tầng lớp trung lưu cũng khó tiếp cận, huống chi người nghèo.

Bán mua hợp lý; trình diễn hấp dẫn; thái độ trọng khách cởi mở, chân thành phải được coi là nguyên tắc làm nên thương hiệu. Người dân cả nước có rất nhiều tình cảm với sông Hàn. Nhưng nếu cứ “chặt chém” theo cách đó thì đến với sông Hàn, e rằng sẽ lạnh lắm! Ước mong sao cho năm tới và nhiều năm sau nữa, sông Hàn vẫn mãi dịu dàng, ấm áp như Đà Nẵng, tháng Ba.
 
Hà Văn Thịnh - Đại học Khoa học Huế

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm