28/06/2019 22:01 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/6, Pháp đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục nhất ở nước này từ trước tới nay, với nhiệt độ 44,3 độ C được ghi nhận ở miền Nam. Cũng như nhiều nước châu Âu khác, người dân Pháp đang gồng mình trong đợt nắng nóng gay gắt đầu Hè.
Theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Pháp, Meteo-France, mức nhiệt cao kỷ lục này đã được ghi nhận ở thị trấn Carpentras, miền Nam nước Pháp, vượt kỷ lục 44,1 độ C được ghi nhận ở thành phố Saint-Christol-les-Ales và Conqueyrac hồi tháng 8/2003.
Meteo-France dự báo rất có thể mức nhiệt kỷ lục mới sẽ được thiết lập trong ngày 28/6 do nhiệt độ 44,3 độ C được ghi nhận vào thời điểm vẫn còn khá sớm trong ngày. Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và ở một số nơi, nhiệt độ có thể vượt quá 44 độ C.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, một thanh niên 17 tuổi ở khu vực Cordoba, miền Nam nước này, đã trở thành nạn nhân đầu tiên của đợt nắng nóng đang hoành hành và dự báo sẽ kéo dài đến ngày 1/7.
Giới chức y tế địa phương xác nhận thanh niên này đã bị sốc nhiệt sau khi làm việc ở vùng nông thôn gần thị trấn Castro del Rio và đã tử vong tại bệnh viện Reina Sofia de Cordoba vào sáng 28/6.
Nhiều vùng ở miền Đông Bắc và miền Trung của Tây Ban Nha được dự báo ở mức nhiệt tới 42 độ C trong ngày 28/6, với 8 tỉnh đã được đặt trong cảnh báo đỏ. Ngoài ra, 19 tỉnh khác, trong đó có thủ đô Madrid, được đặt trong cảnh báo cam với dự báo nền nhiệt từ 38-41 độ C.
Nhiệt độ cao nhất tại Tây Ban Nha đã được ghi nhận vào chiều 27/6 tại khu vực Basque, miền Bắc nước này, với mức nhiệt 44,7 độ C. Tại sân bay Adolfo Suarez-Barajas ở thủ đô Madrid, nhiệt độ lên tới 40,3 độ C. Ngoài ra, nhiệt độ cao kỷ lục còn được ghi nhận ở các thành phố Burgos, Lerida và Pamplona.
Các nhà chức trách tại Đức, Hy Lạp, Bỉ, Áo, Ba Lan, CH Séc cũng nâng cảnh báo về khả năng nhiệt độ vượt 40 độ khi các kỷ lục về tháng 6 nắng nóng nhất trong lịch sử vừa được xác lập.
Theo các nhà khí tượng học, đợt nắng đầu Hè đang hoành hành tại "Lục địa Già" này là do hệ thống áp thấp trên Đại Tây Dương gây ra, khi đưa không khí nóng như thiêu đốt từ Bắc Phi vào châu Âu.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định rằng vẫn còn quá sớm khi cho rằng nắng nóng hiện nay tại châu Âu là do biến đổi khí hậu, song tình hình hiện nay đang diễn biến theo đúng xu hướng cực đoan dưới tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Phát biểu với báo giới ở Geneva, Thụy Sĩ, người phát ngôn của WMO nêu rõ các đợt nóng giờ đây sẽ ngày càng khắc nghiệt, bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Mặc dù chỉ mới cuối tháng 6, song dường như Trái Đất nhiều nguy cơ sẽ trải qua 5 năm (2015-2019) nóng nhất trong lịch sử. Với nhiệt độ cao trong 5 tháng đầu năm, 2019 đã được xem là năm nóng thứ ba trong lịch sử thế giới.
Minh Châu/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất