Du khách có thể gắn tên trên tháp Eiffel, biến tháp thành cây xanh chỉ với 10 USD

03/11/2015 17:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tác phẩm ấn tượng nhất có tên "Một trái tim, một cây xanh" đã dùng nghệ thuật ánh sáng biến ngọn tháp biểu tượng của Paris thành một khu rừng ảo khổng lồ.

Tác phẩm “Một trái tim, một cây xanh”. Ảnh: Báo Pháp
Chính quyền thành phố Paris (Pháp) vừa quyết định trưng bày 3 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc tại khu vực tháp Eiffel trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) từ ngày 30/11 đến 11/12 tới.  Đây là hoạt động nâng cao nhận thức của người dân và du khách về tầm quan trọng của việc cùng hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tác phẩm ấn tượng nhất có tên "Một trái tim, một cây xanh" (One heart, one tree) là màn trình diễn ánh sáng biến ngọn tháp cao 324m - biểu tượng của Paris, thành một khu rừng ảo khổng lồ. Du khách và người dân tới đây từ ngày 29/11 đến 3/12 không chỉ được "thưởng thức" một "bữa tiệc" ánh sáng, mà còn có thể tham gia "gieo hạt ánh sáng" trên tháp Eiffel thông qua một ứng dụng kỹ thuật số trên điện thoại thông minh.

Trong “Một trái tim, một cây xanh", tháp Eiffel như biến thành khu rừng ảo khổng lồ. Ảnh: Báo Pháp

Cụ thể, với mức phí 10 euros (10,93 USD), chủ sở hữu chiếc điện thoại thông minh sẽ mua "hạt ánh sáng" và "trồng một cây xanh". Trong vài giây, cây xanh ảo cùng với tên của người đó sẽ được chiếu trên những khung thép của tháp Eiffel cũng đã được nhuộm xanh bằng ánh sáng. Cây ảo này sẽ lớn dần theo nhịp đập trái tim của tác giả bên cạnh hàng nghìn cây của hàng nghìn "người gieo hạt" khác.

Phó Thị trưởng Paris, Bruno Julliard cho biết trò chơi công nghệ này không chỉ cho phép trồng một cây ảo mà trên thực tế, một cây thật cũng sẽ được trồng nhờ sự tham gia của 7 hiệp hội trong các dự án trồng rừng tại nhiều nơi trên thế giới. Tác giả-người trồng cây ảo sẽ được cấp chứng nhận và có thể theo dõi quá trình phát triển cây xanh mà họ trồng theo năm tháng.

Công trình “Human Energy” biến năng lượng sinh ra từ vận động của con người thành nguồn điện năng để thắp sáng tháp Eiffel vào mỗi tối. Ảnh: Báo Pháp

Đây là một hoạt động vừa giúp kết nối con người với thiên nhiên vừa góp phần khuyến khích các công dân-chủ nhân của Trái Đất tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường và truyền đi nguyện vọng của người dân tới Hội nghị COP21, hối thúc lãnh đạo các nước tham gia hội nghị đồng thuận để đạt được thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Từ ngày 5-12/12 tới, một công trình nghệ thuật khác có tên "Năng lượng nhân loại" (Human Energy) sẽ thu hút hàng nghìn người dưới chân tháp Eiffel để tham gia khiêu vũ, đạp xe, vui chơi, khám phá. Điều đặc biệt là các hoạt động này đều được chuyển đổi thành năng lượng điện năng để thắp sáng tháp Eiffel mỗi tối.

Cận cảnh sự hình thành của Tháp Eiffel 'vô dụng và gớm ghiếc'

Cận cảnh sự hình thành của Tháp Eiffel 'vô dụng và gớm ghiếc'

Tháp Eiffel trở thành biểu tượng của "kinh đô ánh sáng", một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu. Nhưng trước khi hoàn thiện, tòa tháp đã trải nhiều thăng trầm, nhiều sự phản đối kịch liệt.


Ngoài ra, từ ngày 20-28/11, trước khi khai mạc COP21, giới chức Paris sẽ cho treo giữa tầng 1 và tầng 2 của tháp Eiffel một bức bích họa dưới dạng một quả cầu khổng lồ có đường kính 10m. Đây là tác phẩm của một nghệ sĩ đường phố người Mỹ. Chính quyền thủ đô Paris tin rằng hình thức nghệ thuật đặc sắc nói trên sẽ truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi công dân, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ tích cực của thành phố này đối với Hội nghị COP21.

Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm