Những “ổ khóa tình yêu” trên cầu Long Biên

09/08/2010 17:17 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Từ lâu, cầu Long Biên (Hà Nội) đã trở thành biểu tượng cho những trang vàng của lịch sử Thủ đô. Song trong những ngày tháng “thanh bình tiếng guốc reo vui” này, cây cầu cổ kính còn mang thêm trên mình trọng trách khác, đó là làm chứng nhân của tình yêu đôi lứa nhờ những “chiếc khóa tình yêu”.

Chuyện “những chiếc khóa tình yêu”

Năm 2006, ở nước Ý xa xôi, cuốn tiểu thuyết "Ho voglia di te" (Anh yêu em), của nhà văn Federico Moccia, ra đời. Trong chuyện có chi tiết: hai nhân vật chính dùng chiếc khóa, biểu tượng của tình yêu, khóa lên cột đèn trên cầu Milvio (cây cầu lịch sử của Rome) và vứt chìa xuống dòng sông Tevere để ước mong tình yêu bất tử.

Ngay lập tức, một “cơn sóng cuồng si” dâng trào khắp nước Ý. Các đôi uyên ương đều muốn mối tình của mình hóa thân thành phần lãng mạn nhất của truyện. Người nối người, họ tới cầu Milvio, khóa những chiếc khóa biểu tượng cho tình yêu rồi ném chìa xuống sông.

Không dừng lại ở nước Ý, khóa tình yêu nhanh chóng xuất hiện ở các nước châu Âu khác như: Pháp, Đức, Nga…; rồi vượt khỏi biên giới của “lục địa già”, chẳng mấy chốc, những chiếc khóa tình đã có mặt ở: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…



Vào một buổi tối mùa hè lộng gió, trên cây cầu Long Biên (Hà Nội), có cô gái trẻ ngồi đợi người yêu. Cô tinh nghịch vuốt nhẹ trên những thành lan can cầu, lắng nghe tiếng “lanh canh” của những ổ khóa tình yêu khẽ va vào nhau. Cô mỉm cười, rồi lúc sau bảo người yêu: “Mình khóa tình yêu lên cầu đi anh!”. Và cứ thế, những chiếc khóa tình yêu đang ngấp tràn khắp thế giới được gắn vào cây cầu trăm tuổi đất Hà thành.

Đêm đêm, khi thành phố lên đèn, cầu Long Biên huyền ảo trong ánh vàng cổ kính. Các đôi tình nhân trẻ lại đến đây, đắm mình trong không gian trong lành, sâu lắng. Họ hóng mát, tâm sự và khóa những ổ khóa tình yêu trên cây cầu trăm tuổi với ước nguyện trọn đời.

Khóa tình yêu mới xuất hiện trên thành cầu Long Biên trong thời gian gần đây, song số lượng ngày càng tăng và đa dạng. Có chiếc khóa mới toanh với những lời yêu thương ngọt ngào viết lên trên, mà chỉ những chủ nhân của nó mới hiểu. Lại có những chiếc khóa nhỏ ngoắc vào khóa to tựa dáng hình đôi nam nữ tựa vào nhau. Có đôi lại dùng hẳn ổ khóa vòng quấn chặt vào thành cầu. Để ý kĩ, còn thấy những đôi  khóa nhỏ xinh, hoen gỉ được giấu kỹ trong một hốc nhỏ như âm thầm tồn tại….



Mỗi chiếc khóa là một chuyện tình, một kỷ niệm và sau nó là cả những số phận, những cuộc đời. Ngồi bên gánh hàng ngô nướng của chị Hoàng Nguyệt Minh (quê Đông Anh - Hà Nội) trên cầu Long Biên lộng gió, nghe chị kể về cặn kẽ về tiểu sử của những chiếc khóa làm ai nấy đều thêm tin yêu vào cuộc sống, vào tình yêu.

“Không chỉ có giới trẻ gắn khóa lên cầu  đâu nhé, có những người có gia đình vẫn ra đây ngoắc khóa tình yêu đấy”- chị Minh nói rồi chỉ vào chiếc khóa chống trộm chắc chắn, hoen gỉ  và không một dòng lưu bút nào ở trên và kể tiếp: “Khóa tình yêu này là của một người chồng dành cho người vợ đã mất. Sau khi người vợ trẻ qua đời do tai nạn giao thông, người chồng bán cả gia sản để vào Nam làm lại từ đầu. Duy chỉ có một thứ anh ấy không bán. Đó là ổ khóa cổng nhà. Trước giờ bay, anh chồng dùng chiếc ổ khóa ấy, ngoắc vào thành cầu rồi ném chiếc chìa khóa thật mạnh ra giữa dòng nước đỏ ngầu để thể hiện tình yêu bất tử với vợ và với Hà Nội. Anh ngồi tâm sự với tôi và nhờ tôi “để ý” ổ khóa đó dùm anh. Đã mấy năm trôi qua, giờ mỗi khi về Hà Nội anh ấy vẫn ra thăm khóa và trò chuyện với tôi”.

Những ổ khóa tình yêu được gắn suốt dọc 1862 mét thành cầu Long Biên. Nơi được gắn nhiều nhất là những chỗ phình ra. Bởi đây là nơi các đôi tình nhân thường ngồi bên nhau mỗi tối. Tấp nập nhưng im lặng, đôi này đi, đôi khác lại đến thế chỗ. Họ trao nhau yêu thương, gắn kết tình yêu đôi lứa và cả tình yêu với thủ đô ngàn năm trên cây cầu lịch sử.

Nhớ lúc bom rơi, lửa chiến tranh…”

Lãng đãng tản bộ trên cầu Long Biên, tôi ngắm những ổ khóa tình yêu và cố đọc những lời yêu thương của các bạn trẻ. Bất chợt, đập vào mắt tôi là tấm biển gỉ sét: “1899-1902 Daydé & Pillé”.  Sóng sông Hồng lao xao nhịp nhàng dắt người ta về với quá khứ.



Hơn một thế kỷ trước, cây cầu này được người Pháp xây dựng lên để phục vụ việc khai thác và đàn áp dân tộc Việt Nam. Và cũng dưới chân cây cầu này, tháng 2 năm 1947 đã diễn ra cuộc rút quân thần thánh của những người con ưu tú của Thủ đô trong những buổi đầu độc lập.

Kế đó, trong 12 ngày đêm khói lửa của quân và dân Thủ đô chống lại không lực Hoa Kỳ. 14 lần, cầu Long Biên đã oằn mình chịu những trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Song đây cũng chính là nơi “ta đánh giặc trên mâm pháo”. Với lòng quyết tâm bảo vệ cầu Long Biên, bảo vệ bầu trời Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã xây dựng những trận địa pháo phòng không cao tới 11,5 mét ở bãi Giữa để sẵn sàng bắn hạ máy bay địch ngay cả khi nước sông Hồng dâng cao nhất. Hơn thế, trên những điểm cao của thành cầu đã trở thành ụ cao xạ chống máy bay Mỹ.

Đêm mùa hè, ngồi ở một quán hàng nhỏ trên cây cầu Long Biên lịch sử, ánh trăng vàng huyền ảo quyện hòa với ánh đèn rực rỡ của thời đại mới, đổ dài bóng những lứa đôi bên nhau xuống dưới lòng sông Hồng. Đâu đó, vẫn nghe thanh âm “lanh canh” của những “chiếc khóa tình yêu”, lòng tôi chợt dâng trào một tình yêu tha thiết với Hà Nội, khi Thủ đô đang bước vào tuổi thứ 1000.

Phạm Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm