Có một chiếc khóa tình yêu

09/06/2010 15:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hàng trăm chiếc khóa tình yêu đã được ngoắc vào nhau và ngoắc vào thành cầu Long Biên đã trở nên quen thuộc với người Hà Nội. Nó như một minh chứng cho cách biểu lộ tình yêu của giới trẻ theo những “trào lưu mới” đang sôi sục trên thế giới . Như chúng ta đã biết là vào năm 2006, ở nước Italia xa xôi, cuốn tiểu thuyết Ho voglia di te (Anh yêu em), của nhà văn Federico Moccia, ra đời.

Trong chuyện có chi tiết: Hai nhân vật chính dùng chiếc khóa, biểu tượng của tình yêu, khóa lên cột đèn trên cầu Milvio và vứt chìa xuống dòng sông để ước mong tình yêu bất tử. Ngay lập tức, một “cơn sóng cuồng si” dâng trào khắp nước Italia và nhiều nước châu Âu, châu Á, và dĩ nhiên giới trẻ Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Cây cầu già Long Biên bỗng chốc lại là chứng nhân cho hàng trăm đôi uyên ương, và dòng nước sông Hồng phía dưới lại là nơi lưu giữ muôn đời nhưng chiếc chìa khóa có thể tách rời tình yêu của họ.



Thế nhưng, không chỉ có những lời yêu thương ngọt ngào, trong những chiếc khóa ấy còn chứa đựng những kỷ niệm và sau nó là cả những số phận, những cuộc đời.

Ngồi bên gánh hàng ngô nướng của chị Hoàng Nguyệt Minh (quê Đông Anh- Hà Nội) trên cầu Long Biên lộng gió, nghe chị kể cặn kẽ về tiểu sử của những chiếc khóa làm ai nấy đều thêm tin yêu vào cuộc sống, vào tình yêu.

“Không chỉ có giới trẻ gắn khóa lên cầu đâu nhé, có những người có gia đình vẫn ra đây ngoắc khóa tình yêu đấy” - chị Minh nói rồi chỉ vào chiếc khóa chống trộm chắc chắn, hoen gỉ và không một dòng lưu bút nào ở trên và kể tiếp: “Khóa tình yêu này là của một người chồng dành cho người vợ đã mất. Sau khi người vợ trẻ qua đời do tai nạn giao thông, người chồng bán cả gia sản đi để vào Nam làm lại từ đầu. Duy chỉ có một thứ anh ấy không bán. Đó là ổ khóa cổng nhà. Trước giờ bay, anh chồng dùng chiếc ổ khóa ấy, ngoắc vào thành cầu rồi ném chiếc chìa khóa thật mạnh ra giữa dòng nước đỏ ngầu để thể hiện tình yêu bất tử với vợ và với Hà Nội. Anh ngồi tâm sự với tôi và nhờ tôi “để ý” ổ khóa đó dùm anh. Đã mấy năm trôi qua, giờ mỗi khi về Hà Nội anh ấy vẫn ra thăm khóa và trò chuyện với tôi”.

Hoàng Điệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm