(TT&VH) -
Ngay cả khi tất cả đã chấm dứt đối với tuyển Pháp, Raymond Domenech vẫn để lại một hình ảnh sụp đổ toàn diện về mặt ngoại giao. Việc chiến lược gia 58 tuổi này từ chối bắt tay Carlos Parreira sau trận đấu cuối cùng ở Free State đã được cánh báo chí Pháp ví như “một trò hề”. Thật tội nghiệp Domenech! Khi mà ai cũng tưởng cơn ác mộng của ông với Les Bleus đã kết thúc, thì đó lại là lúc cả thế giới chống lại Raymond.
Giới truyền thông trên xứ lục lăng đã dùng tất cả những lời lẽ “hay ho” nhất để mô tả hành động của Domenech với người đồng nghiệp đang dẫn dắt Nam Phi. Đánh giá về hình ảnh của Raymond trên đất Nam Phi, tờ Sofoot châm biếm một cách chua chát: "Nước Pháp muôn năm”. Chắc chắn, đó cũng sẽ là câu nói được các CĐV sử dụng liên tục cho tới khi người ta quên đi nỗi thất vọng màu lam trên mũi Hảo Vọng. Đơn giản, đó cũng là câu nói ưa thích của Domenech mỗi khi ông phải đối diện với những lời chỉ trích về đội hình hay cách chơi. Sự thật quả phũ phàng. Thất bại rõ ràng đến mức, có cảm giác như sẽ là thừa thãi nếu Domenech muốn nói thêm bất cứ điều gì về chuyến đi này.
Domenech từ chối bắt tay Parreira, Ảnh Getty |
Từ chỗ là một kẻ chiến bại, HLV của Pháp đã trở thành một kẻ nhỏ nhen đến tội nghiệp trong mắt tất cả. Theo tiết lộ từ ban huấn luyện của Pháp, Domenech đã từ chối làm thủ tục ngoại giao với Parreira chỉ vì ông này từng phê phán bàn thắng được trợ giúp bởi bàn tay của Henry ở vòng loại. Sao thế nhỉ? Ngay cả khi Raymond có tiếng là “thù dai”, lẽ nào ông lại “quẫn” đến mức công khai ủng hộ bàn thắng xấu xí đó, đồng thời xem những kẻ chỉ trích tuyển Pháp là kẻ thù? Chẳng có gì ngạc nhiên khi cả thế giới đều ghét Domenech. Lý do quá rõ ràng, chính ông là người xem cả thế giới là kẻ thù cơ mà?
Không ai biết chuyện gì đã xảy ra, nếu như truyền hình không quay chậm lại hình ảnh nực cười của Domenech sau trận thua Nam Phi. Đó rõ ràng là một cú sốc đối với FFF, những người luôn tôn trọng ở mức cao nhất vấn đề hình ảnh và quảng bá đội tuyển. Còn với các cầu thủ thì có lẽ chẳng còn gì để nói. Họ đã có thêm 1 lý do nữa để nói về thất bại này.
Tội nghiệp Domenech, ngay cả khi ông muốn giải nghệ ngay lập tức, hành động đáng hổ thẹn với Parreira cũng sẽ trở thành đề tài nóng bỏng tác động không nhỏ tới cuộc sống của ông. Bây giờ, người ta mới thấy vị thuyền trưởng của Les Bleus từ năm 2004 có nhiều “tội” đến thế nào. Khi World Cup còn chưa kết thúc với họ, hàng loạt các nhà tài trợ đã lăm le từ bỏ màu áo lam. Chưa hết, việc một số trụ cột sẵn sàng để báo chí khai thác chuyện nội bộ của đội tuyển đang khiến FFF đau đầu. Triều đại của Laurent Blanc vẫn chưa bắt đầu, nhưng gia tài mà Domenech để lại đã khiến tân HLV của tuyển Pháp gặp khó khăn.
“Trạng chết, Chúa cũng băng hà”, vấn đề của Domenech không đơn giản chỉ là một hợp đồng bị thanh lý. Người đàn ông với đôi mắt rất “Pháp” ấy đã tạo nên một cơn địa chấn về lối hành xử Fair-play trên sân cỏ. 4 năm sau cú húc đầu gây tranh cãi ghê gớm của Zidane, hình ảnh của những Ngự lâm quân kiêu hãnh và quân tử đã biến mất, thay vào đó là những gì tăm tối nhất mà người ta có thể mô tả về một kẻ tiểu nhân.
Sự im lặng của bầy gà trống Gaulois tại phi trường khi Nam Phi hóa ra lại báo hiệu một cơn bão có thể là ồn ã nhất trong lịch sử bóng đá Pháp. Ôi, Domenech, ông chưa thoát được đâu.
Tiểu Yến
Domenech nói gì trong ngày cuối cùng của ông ta?
Về việc tuyển Pháp bị loại: “Tôi thật sự buồn thay cho các CĐV đã ủng hộ chúng tôi, những người đã mong giấc mơ World Cup thành sự thật. Cảm giác này tồn tại trong lòng các cầu thủ, BHL và công chúng. Thật khó để chấp nhận. Chúng tôi ngạc nhiên, chúng tôi thất vọng. Không có gì để biện minh”.
Về việc từ chối bắt tay với HLV Parreira: “Còn câu hỏi nào khác không?”
Domenech làm gì trong phòng thay đồ? “Tôi đã bắt tay các cầu thủ, nhìn vào mắt họ và nói rằng một cuộc phiêu lưu nhỏ đã kết thúc. Chúng ta phải cứng rắn và vượt qua được khó khăn hiện tại, tiếp tục tiến lên”.
Về Blanc: “Tôi thật sự mong muốn may mắn đến với người kế nhiệm. Mong rằng Blanc sẽ thành công”. Về tương lai: (Ông Domenech không trả lời và bỏ ra ngoài phòng họp báo) |