Đạo diễn Phan Huyền Thư: Với tôi, một phút cũng có thể là nhiều

11/12/2010 11:39 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Không phải lần đầu tiên công chúng Việt Nam biết đến phim “siêu ngắn”, thậm chí hồi đầu năm trong dự án phim X-giây, người ta đã biết đến “cuộc chơi ý tưởng” của những phim chỉ có 10 giây. Thế nhưng hơn trăm tập trong serie phim Một phút có trong sự thật lại làm chấn động dư luận trong thời gian qua.


Nữ đạo diễn Phan Huyền Thư
Chấn động không chỉ vì độ dài của nó chỉ có một phút ngắn ngủi, mà vì một phút ấy có trong sự thật - một phút trần trụi khiến người xem phải giật mình về những sự thực đang tồn tại triền miên trong cuộc sống.

Sau thành công của serie phim Một phút có trong sự thật, một cuộc thi phim siêu ngắn với chủ đề này đã diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội và sẽ tiếp tục được phát động vào sáng nay (11/12 tại TP.HCM) nhằm tìm kiếm những “một phút” ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay. Nhân dịp này, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Phan Huyền Thư, giám khảo của cuộc thi, đồng thời là người lăn lộn với Một phút có trong sự thật ngay từ phút đầu tiên.
 
* Trong cuộc họp báo phát động cuộc thi làm phim Một phút có trong sự thật tại Hà Nội vừa qua, chị phát biểu “Nếu mỗi người trong 24 giờ không có lấy một phút rung động với những gì diễn ra quanh mình thì hoặc là người đó vô cảm hoặc là cuộc sống quá tẻ nhạt”. Phải chăng đó chính là khởi nguồn của ý tưởng về serie phim này? Và phải chăng đó cũng là cách “gợi ý” đề tài cho những người muốn tham gia cuộc thi?

- Có nhiều người hỏi tôi, tại sao lại là “một phút”? Và tại sao lại là “có trong sự thật?”. Chẳng lẽ xung quanh ta, những tác phẩm, những công việc truyền thông của truyền hình và báo chí hàng ngày mà xã hội tiếp nhận toàn giả dối hay sao? Tôi muốn minh bạch với các bạn tham gia cuộc thi về “kích thước” của sự thật mà chúng ta sẽ hướng đến. Đó chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong bức tranh về cuộc sống diễn ra xung quanh ta mỗi ngày. Vì vậy, “sự thật” mà các bạn nên quan tâm là “một sự thật đã có sẵn trong vô vàn sự thật” mà không cần phải dàn dựng, tô vẽ hoặc không cần phải thổi phồng, nâng cao quan điểm...

Có nhiều cách để nói lên sự thật, nhưng chắc chắn cách nói từ tốn, chân tình bao giờ cũng dễ được tiếp thu hơn và bao giờ cũng được đáp trả một cách đàng hoàng hơn. Các bạn cũng đừng quá ham muốn phải đột phá những “sự thật cần phải được phơi bày” mà hãy chú ý nhiều hơn đến những sự thật giản dị, tự nhiên và “cần được nhìn thấy để chia sẻ”. Vì không phải sự thật nào cũng giúp cho chúng ta bớt đi nỗi buồn, bớt đi sự suy diễn, bớt đi sự ích kỷ và bản năng thích lên án thường trực trong mỗi người...


Một "sự thật" cảm động trong serie phim

Kinh nghiệm riêng tư này của tôi được đúc kết từ chính những video clip tung trên mạng, những bài báo nhan nhản khắp nơi về cái ác, sự tàn bạo trong xã hội... Có những sự thật khiến chúng ta thêm yêu cuộc sống và cố gắng sống tốt hơn nhưng cũng có những sự thật khiến chúng ta ghê sợ con người, đề phòng và không muốn chia sẻ với con người... Vì vậy, tôi mong muốn cuộc thi này sẽ đạt được đúng mục đích lớn nhất là nâng cao nhận thức về đạo đức xã hội chứ không phải là xu hướng bóc trần những góc tối phi nhân tính.

* So với dự án phim X-giây (do 14 nghệ sĩ nhóm HanoiLink thực hiện với 104 phim có độ dài dưới 30 giây đã triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội cuối tháng 1 năm nay) thì hình như Một phút có trong sự thật đòi hỏi tính “cực thực” như là phim tư liệu?

- Về thể loại, Một phút có trong sự thật là một phim tài liệu ngắn chứ không phải phóng sự, sự công bố tư liệu hoặc sản phẩm của trí tưởng tượng. Các bạn tham gia dự thi có thể tự tìm cho tác phẩm của mình một cách thể hiện riêng. Nguyên tắc là không đọc lời thuyết minh (hay còn gọi là lời bình) cho phim một phút vì như vậy sẽ mất đi sự tập trung vào phần hình ảnh và âm thanh với thời lượng ngắn như vậy và mất đi tính khách quan của sự thật.

Trong các tiêu chí đề ra, chúng tôi xếp theo thứ tự: yếu tố số một là “trung thực”; yếu tố thứ hai là “ngắn gọn”; thứ ba là “dễ hiểu”; thứ tư là “lay động lòng người”.

* Chị có tin vào một phút phim có thể nói đầy đủ, tới tầm, và “đã” về sự thật cần phải nói? Khuôn vào một phút có tạo thêm sức mạnh cho cách kể chuyện cho phim hay lại khiến cho phim bị giản lược chi tiết?

- Tôi có thể là người cực đoan vì với tôi, một phút cũng là nhiều. Có khi, một bức ảnh có sức công phá hơn cả một bộ phim nhiều tập, thậm chí làm rung chuyển thế giới huống chi với điện ảnh, một giây có tới 24 frame hình. Vấn đề là chúng ta có gì để kể không và chúng ta kể câu chuyện đó như thế nào? Hãy đến với cuộc thi của chúng tôi và kể cho chúng tôi những gì bạn thấy và muốn được chia sẻ, chúng tôi sẽ biết bạn là ai, bạn đang quan tâm đến điều gì và bạn muốn được chia sẻ với mọi người điều gì...

* Nói về những mất mát của nghề đi biển, tôi ấn tượng với clip số 3 trong serie vừa phát sóng trên VTV. Lời bình của clip này, nếu chép lại sẽ thành một bài thơ: “...Chỉ một đêm thiên nhiên nổi giận/ Hàng trăm đứa trẻ thành mồ côi/ Hàng chục phụ nữ thành góa phụ/ Nhưng cuộc sống là một nghĩa vụ/ Chúng ta không thể chối từ/ Con người vẫn lao ra biển/ Và tiếp tục đợi chờ”. Là một nhà thơ chắc chị ấn tượng với clip này? Nhưng liệu chính việc “thơ hóa” như thế có làm giảm đi hơi thở của cuộc sống? Sẽ mất đi tính mộc mạc hồn nhiên?

- Cho đến nay, đã có 130 phim ngắn của dự án được thực hiện và phát sóng với số lượng cũng khá nhiều. Có nhiều phản hồi tích cực khiến tôi rất cảm động và được động viên để mạnh dạn cùng với tập đoàn VNPT phát động cuộc thi. Tôi thực sự hy vọng, mỗi một phim ngắn trong dự án một phút có thể mang giá trị như một bài thơ về cuộc sống bởi vì, một bài thơ khác rất nhiều so với một bài báo, một phóng sự, một truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết. Quyền năng lớn nhất của một bài thơ chính là sự rung động, sáng tạo và nó rất cần sự đồng cảm, sẻ chia từ phía người thưởng thức. Một bài thơ bao giờ cũng có khả năng nói nhiều hơn những gì tác giả muốn nói.

* Chị nghĩ có nên hạn chế việc dựng phim - tức là một phút trong sự thật là một phút tiếp diễn liên tục, không cắt ghép, không kỹ xảo, giống như clip “tắm đòn” vừa ầm ĩ trong dư luận?

- Cuộc sống là một phim trường lớn với những gợi ý vô tận. Chúng ta sẽ để cuộc sống dẫn dắt chúng ta đi như một người thầy vĩ đại cho tới tận khi chúng ta rời bỏ hành trình làm người. Vậy thì hãy để cuộc sống gợi ý cho bạn và cho bạn cơ hội thể hiện mình bằng chính sự lựa chọn cách thể hiện câu chuyện mà mình muốn nói. Có những sự thật cần được tiếp nối không dừng lại, có những sự thật được ghép lại từ nhiều sự thật và còn có những sự thật nằm bên ngoài cả những gì bạn nhìn thấy... đó chính là sự thay đổi về nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi của mỗi người. Vấn đề là tác động của nó đến người xem...

* Xin cám ơn chị.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm