20/10/2015 06:29 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 19/10, nhà thơ P.N. Thường Đoan cho PV Thể thao & Văn hóa biết rằng chị chưa nghĩ đến việc kiện tụng, dù bản thân thấy rất cần một lời xin lỗi công khai từ Phan Huyền Thư.
1. “Kiện tụng để làm gì? Đây không phải là lần đầu tiên Phan Huyền Thư bị dính tới các nghi án văn chương. Hãy xem lại lời thú nhận qua thư của cô ấy viết vào năm 2007 gửi cho những người trong cuộc đã phát hiện Phan Huyền Thư đạo văn”, P.N. Thường Đoan giải thích lý do chưa muốn kiện tụng của mình.
Lá thư mà P.N. Thường Đoan đề cập có tên Lời xin lỗi, được Phan Huyền Thư viết từ Hà Nội ngày 12/3/2007 để gửi đến nhà phê bình Đặng Tiến, Bùi Bảo Trúc, Hoàng Ngọc-Tuấn… và các bạn yêu thơ, kính trọng nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Nội dung thư là để xác nhận việc lấy văn của người khác để làm hai tấm poster giới thiệu về tuổi trẻ của Thanh Tâm Tuyền, nhưng không đề tên người khác, chỉ đề tên mình.
Trong thư xin lỗi có đoạn: “Việc làm của tôi thật đáng xấu hổ, qua đó quý vị có thể thấy rằng nó đã làm tổn hại đến tư cách đạo đức của một nhà thơ (lẽ ra phải tự biết cách bảo vệ hình ảnh của mình trước đám đông) như tôi”.
“Bài thơ Buổi sáng được tôi sáng tác ngay trong quán cà phê Catinat của nhạc sĩ Phú Quang, trên đường Đồng Khởi ở TP.HCM, ngày 27/6/2000. Đây là chỗ hẹn hò của giới văn nghệ sĩ, nhà báo vào thời điểm đó. Sáng hôm đó cũng như mọi khi, hẹn hò tụ tập mà chưa có ai đến, tức cảnh sinh tình, tôi ngồi làm thơ.
Năm 2003, tôi in tập thơ có tên Đếm cát, và bài thơ Buổi sáng nằm ở trang 57. Sau đó, bài thơ được tôi gửi đăng trên một số báo trong nước và một trang mạng ở nước ngoài”, P.N. Thường Đoan kể.
Cây bút Nguyễn Xuân Hương thì cho biết chị từng khóc cùng tác giả khi đọc bài thơ này. Chị viết trên Facebook của P.N. Thường Đoan: “Bài thơ làm tao với mày khóc một trận ở 81 (Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM - PV) thủa nào. Giờ nó cũng làm thiên hạ xôn xao. Buổi sáng của mày quả có nhiều chuyện để kể hết sức nghen Đoan”.
2. “Anh Phú Quang phổ nhạc, đổi tựa bài thành Catinat cà phê sáng, sau đó ra album và phát hành rộng rãi. Anh ấy trả tiền tác quyền cho tôi bằng sản phẩm (đĩa nhạc)”, P.N. Thường Đoan kể thêm. Trong album Về lại phố xưa của Phú Quang, phát hành năm 2001, ca khúc Catinat cà phê sáng do chính Phú Quang hát.
Trước câu hỏi: Chị nghĩ sao khi thơ là “cây nhà trồng được của nhà thơ”, mà còn đi “đạo thơ”? P.N. Thường Đoan thẳng thắn: “Hành động “đạo thơ” là không thể chấp nhận được với người có học nói chung. “Đạo thơ” tức là công nhận mình không biết làm thơ. Trước đây tôi cũng từng bị vài người chưa biết làm thơ lấy tác phẩm để xuất bản. Thời buổi thơ đang mất giá, mà người “đạo thơ” thì lại nhiều, thành ra cũng ngại kiện tụng là vì vậy, sợ hết bài này lại lòi bài kia, chẳng lẽ kiện tụng hoài”.
Còn với câu hỏi: Nếu trong tập Sẹo độc lập có bài đạo văn, thì giải thưởng mà nó nhận phải chia cho tác giả bị “đạo” chứ? P.N. Thường Đoan cho biết: “Câu này bạn nên hỏi Hội đồng chấm giải của Hội Nhà văn Hà Nội. Tôi không có bình luận”.
“Chỉ có một điều cần nhắc lại, đây là bài thơ với cảm xúc khá cụ thể của tôi, gần như mô tả tâm trạng lúc đó ở quán cà phê của anh Phú Quang, anh ấy cũng thấy rõ tâm trạng này, nên khi phổ nhạc đã đặt tên là Catinat cà phê sáng, rồi tự anh ấy hát ca khúc đó”.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất