11/06/2021 07:54 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Thái Chí Thanh, người chuyên viết truyện thiếu nhi, bỗng dưng viết ra những ca khúc cũng cho tuổi thơ. Mà viết rất hay. Viết như bị xui khiến. Hồn hậu và ngây thơ. Thật thà đến hoang dại. Cứ như tự nhiên vậy, những giai điệu nhi đồng, thiếu niên từ trong nhà văn Thái Chí Thanh ào ạt tuôn chảy. Lạ lùng như chồi non, lộc biếc. Lạ lùng không lý giải được.
Điểm bấu víu duy nhất có lẽ là do gen di truyền. Thân sinh Thái Chí Thanh vốn là một nghệ sĩ trống trong một dàn nhạc ở Phủ Diễn quê anh. Nhưng dù sao, sự bấu víu đó cũng thật mong manh, duy cảm, chỉ có một sự thật duy nhất mà cuộc đời đã giang tay đón nhận: Đó là việc nhà văn Thái Chí Thanh đã viết ra những ca khúc rất hay cho tuổi thơ.
Khi Thái Chí Thanh đưa cho tôi tuyển tập ca khúc thiếu nhi của anh với tựa đề Hạt sương ban mai, gồm 21 ca khúc nhi đồng và 20ca khúc thiếu niên, tôi bỗng thấy dâng lên trong mình niềm ham sống thiết tha. Cuộc đời kỳ diệu quá. Và tôi như lạc vào thế giới âm thanh tràn trề thương mến này của riêng anh.
Sáng tạo kỳ diệu thật. Vừa bí mật, vừa giản dị. Giản dị đến bất ngờ. Hãy nghe con tim Thái Chí Thanh reo ca: "Em đi học thật vui/ Thấy chú chim trên cành/ Chim chào em chim hót/ Chim ơi hát rất hay/ Em chào chim, chào chim".
Ơi kìa! Có gì khó nhọc đâu. Giai điệu cứ như chim ríu rít ban mai, cứ như hơi thở. Đến Con mèo nhà em thì thấy rõ rằng không phải vì già tới tuổi "lão nhi" mà thốt ra những phát hiện tinh tế: "Con Mèo nhà em trông thật ngộ ghê/ Đang bé tí teo đã có râu dài". Ắt là trong người cựu binh Thái Chí Thanh luôn ẩn náu một đứa trẻ không chịu lớn. Lúc thì nó viết ra những câu chuyện ngộ nghĩnh cho tuổi thơ, lúc thì nó hát vang những giai điệu cũng cho lứa tuổi ấy. Người lớn làm sao mà liên tưởng được: "Con Mèo nhà em hay nghịch làm sao/ Ai mà nhắc nó, nó cãi méo... meo...". Chỉ có đứa trẻ trong người lớn ấy ngẫu hứng bi bo ra nên mới trong veo thế!
***
Ngẫm cuộc đời Thái Chí Thanh, thấy cũng có khác biệt chẳng na ná ai cả. Học hết phổ thông thì đi lính, mà là lính đặc công Quảng Trị mùa Hè đỏ lửa. Vào sống, ra chết cùng Sư 304 khét tiếng "Anh Cả đỏ" cho đến ngày Sài Gòn tưng bừng cờ hoa đón chào. Rồi cởi áo lính, mặc áo sinh viên Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp. Rồi thành nguồn "lãnh đạo" đi học tại Liên Xô. Nhưng lại không chăm chút “lãnh đạo” ai, chỉ thích chơi với trẻ thơ. Hết văn thì sang nhạc. Dừng nhạc lại quay về văn.
Nhưng "khôn ngoan chẳng lọ thật thà". Giữa cái thời thịnh mưu mô, tính toán, bon chen nhau, Thanh chỉ có một cái võ duy nhất là thật thà. Vậy mà anh lại được trọng dụng. Sự dấn thân đời lính đã ngấm vào máu anh sức đề kháng mọi giả dối. Bởi vậy, Thanh cứ trần mình, cứ hết mình mà sống, mà phụng sự. Bao năm làm việc Đại sứ quán ta ở Ba Lan. Rồi lại bao năm nữa như thế ở Mỹ. Tất cả chẳng có cách gì làm thay đổi một Thái Chí Thanh cứ ngu ngơ như sinh ra để thế. Có lẽ vì vậy chăng mà suối nhạc tích tụ trong anh tự bao giờ bỗng tuôn trào. Cùng những giai điệu cho nhi đồng, là những giai điệu thiếu niên cũng khác biệt chỉ riêng Thái Chí Thanh.
***
Vào một mùa Xuân gần đây, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) quê tôi muốn mời các nhạc sĩ tên tuổi về thăm và sáng tác ca khúc. Trong dịp đó, nhà văn Trung Trung Đỉnh - cũng dân Vĩnh Bảo - đưa Thái Chí Thanh vào đội hình tham dự.
Dù là cựu binh, là nhà văn viết cho thiếu nhi có hạng, nhưng lạc vào một đội hình nhạc sĩ toàn Nguyễn Cường, Nguyễn Trọng Tạo, Duy Thái, Lê Minh Sơn, Giáng Son v.v... Thái Chí Thanh chỉ là "lính mới tò te". Vậy mà chàng "lính mới" đã "tò te" một ca khúc thiếu nhi duy nhất cho cuộc sáng tác này. Giai điệu khác biệt ở chỗ nó cứ chảy ra tự nhiên, không lệ thuộc bất cứ kỹ thuật, thủ pháp nào. Nhưng khi hát lên lại thấy ở đấy đầy kỹ thuật, đầy thủ pháp. Thế mới độc chứ.
Người mà cố tình viết nhạc sẽ không mạo hiểm như thế. Rất khó tìm được ca khúc thiếu nhi nào, mở đầu là một điệu thức mà kết thúc là một điệu thức khác - điệu thức hạ át âm của điệu thức chủ mở đầu. Cụ thể ở Vĩnh Bảo quê em, Thái Chí Thanh mở đầu là điệu thức Sol trưởng nhưng không có nốt Fa thăng cảm âm (nốt thứ 7 của điệu thức Sol trưởng). Hóa ra, mọi sự cầu kỳ, cố tình vặn vẹo đều ít chất nhạc hơn sự giản dị, tự nhiên chảy ra từ đáy lòng nồng nàn cảm xúc.
Tôi thích cái tên Hạt sương ban mai. Nó khiêm nhường và đúng với nhân cách Thái Chí Thanh. Lúc nào cũng bẽn lẽn, cũng rụt rè mặc dù chòm râu đã bạc như cước. Chính cái đứa trẻ trong một cựu binh như anh đã giúp anh được thả sức thăng hoa cùng thế giới tuổi thơ. Khiêm nhường nhưng tự tin. Đấy là phẩm chất của giọt sương mà Tagore vĩ đại đã gọi đó là một giọt nước nhỏ trên lá. Khác với cái hồ nước, chỉ là một giọt nước to nhưng dưới lá (*).
(*) Nguyên văn thơ R. Tagore (Đào Xuân Quý dịch): “Giọt sương nói với mặt hồ:"Người là giọt sương to nằm dưới lá sen,/ Ta là giọt nhỏ hơn nằm bên trên lá".
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất