'Phải yêu để mà hiểu...'

10/02/2014 08:23 GMT+7

 (Thethaovanhoa.vn) - Ngày Valentine (14/2) sắp tới, chúng ta sẽ lại suy ngẫm, triết lý rất nhiều về tình yêu. Nhưng cái nhan đề bài viết này của tôi lại không bàn về chủ đề lãng mạn đó, mà nói về những cảnh “đâm trâu, chém lợn” - những cảnh bị cho là “rùng rợn”, “dã man...

Như GS Trần Lâm Biền đã nói rõ trên TT&VH số ra ngày 8/2, lễ đâm trâu của người Tây Nguyên hay tục chém lợn ở Bắc Ninh đều có ý nghĩa tâm linh rất sâu xa, và tất cả các hành vi thực hiện trong các lễ hội này đều rất giàu tính biểu tượng thiêng liêng, không dễ gì hiểu được nếu chỉ quan sát bề ngoài mà thậm chí phải vận dụng các năng lực tinh thần của mình để “giải mã”.

Đọc những lời của GS Trần Lâm Biền, tôi chợt nhớ đến tâm trạng của một vị giáo sư đầu ngành về dân tộc học, khi ông nổi xung với những bài viết giải thích Lễ hội đâm trâu là thể hiện… tinh thần thượng võ của người Tây Nguyên. Cũng dễ hiểu thôi, khi người ta nhìn bề ngoài thấy cảnh cởi trần, đóng khố, nhảy múa, đánh chiêng, rồi vung lao đâm chết con trâu đang lồng lộn, thì đích thị là “thượng võ” rồi còn gì. Cũng tư duy theo lối đó, người khác lại bảo, vẫn chưa “đã” bằng xem… đấu bò tót ở Tây Ban Nha, phải thả con trâu ra để người và trâu rượt đuổi nhau “huyết chiến” một phen mới oách, chứ cột nó lại để đâm chết thì… thường quá!


Lễ hội đâm trâu tại Tây Giang (Quảng Nam)

Lễ đâm trâu có thể thể hiện tinh thần thượng võ, nhưng đó không phải là ý nghĩa sâu xa. Không chỉ riêng lễ đâm trâu, rất nhiều những giá trị văn hóa sâu sắc của đồng bào cũng bị những con mắt hời hợt làm cho tầm thường đi. Đã thành một cái công thức bất biến trong hàng loạt các bộ phim, ấy là cứ nói về Tây Nguyên là dựng cảnh cởi trần, đóng khố nhảy múa quanh đống lửa... Tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà “Tây Nguyên học” người Pháp Dam Bo - tác giả của “Mảnh đất huyền ảo” - khi bộc lộ quan điểm nghiên cứu - mà cũng là quan điểm sống - của mình, ấy là: “Nếu phải hiểu để mà yêu, thì lại phải yêu để mà hiểu”.

Bằng con mắt hời hợt, trưởng giả, hợm hĩnh của những du khách hiếu kỳ khi tham gia vào các lễ hội, liệu chúng ta có thể hiểu được những gì đang diễn ra, có thể thâm nhập được vào không gian văn hóa mà người dân đang diễn xướng đó không? Khi người ta đến với Lễ khai ấn đền Trần với lòng tham chức tước, khi người ta rải tiền lẻ trên khắp các ban thờ, dúi vào tay thần phật, khi người ta chấm tiền vào máu trong lễ chém lợn... thì lỗi đã thuộc về du khách. Và cũng cần phải lưu ý rằng, không phải lễ hội nào cũng mang tính trình diễn - với các diễn viên và khán giả - mà các lễ hội thường là một ngày hội chung, khi mỗi người tham gia đều là một thành tố cấu thành, là “chủ nhân” của lễ hội đó.

Trước khi có ý định cải tiến các lễ hội - việc này phải hết sức khéo léo, thận trọng và tôn trọng ý nguyện của người dân - chúng ta hãy “cải tiến” cách tham gia lễ hội của chính mình. Trước hết hãy hiểu để yêu, và cao hơn nữa, hay thành tâm yêu quý, trân trọng những giá trị đó, rồi dần dần sẽ hiểu, sẽ thấu cảm được những giá trị linh thiêng mà cộng đồng đã sáng tạo, gìn giữ.

Và đến đây, ta có thể thấy rằng, giữa cách yêu một con người cụ thể (như ý nghĩa của ngày Tình yêu) và cách yêu một vùng đất, một phong tục, một truyền thống, một cộng đồng... luôn có một điểm chung: “Nếu phải hiểu để mà yêu, thì lại phải yêu để mà hiểu”.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm