Chậm lại mà bảo vệ được di tích thì nhân dân cám ơn!

14/05/2010 14:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Ngày 10/5/2010, UBND TP.Hà Nội đã quyết định dừng thi công tuyến đường Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, sau khi giới khảo cổ lên tiếng về việc một đoạn tường hoàng thành Thăng Long cổ tại đây đã phát lộ và bị... xâm hại. Tạm bỏ qua những tranh cãi về giá trị của đoạn thành cổ này (thuộc thời Lý - Trần hay thời Lê), một câu hỏi được đặt ra: khu vực di tích này nên được xử lý ra sao để vừa “cứu vãn” được giá trị lịch sử văn hóa, vừa đảm bảo yêu cầu mở rộng mặt đường phục vụ giao thông đô thị?

TT&VH có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Lân Cường (Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam). Ông cũng là một chuyên gia của Viện Khảo cổ học - đơn vị được UBND TP. Hà Nội giao trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết sự cố trên.


PGS Nguyễn Lân Cường tại hiện trường
Ông Cường cho biết:

- Thật buồn lòng khi phải chấp nhận đây là “việc đã rồi”. Một đoạn tường rất dài đã bị bạt đi, rất nhiều đồ gốm và gạch cổ bị vỡ và thất thoát. Trong khi đó, theo tôi biết, dự án thi công này đã được phê duyệt rồi và việc thay đổi một dự án đã được phê duyệt luôn là điều rất khó.

* Có nghĩa là...?

- Một phần công việc bây giờ là của giới khảo cổ. Kết thúc quá trình khảo sát thì các phương án giải quyết sẽ được đề xuất và đệ trình lên UBND TP.Hà Nội. Đó là việc của rất nhiều chuyên gia. Cá nhân tôi nghĩ rằng đoạn đường trên vẫn sẽ tiếp tục được triển khai thôi, vì cũng cần đảm bảo nhu cầu dân sinh. Tất nhiên, triển khai theo hướng nào, kết hợp xây đường với bảo tồn tới đâu thì còn phải bàn.

Hiện nhiều người cũng nhắc tới các phương án mở rộng khai quật, hoặc bảo tồn một phần và thi công tiếp. Trường hợp xấu nhất, dự án vẫn được giữ nguyên thì chúng tôi đành “nhặt” hết các di vật mang về thôi.


 Đoạn tường thành Thăng Long phát lộ
tại đường Hoàng Hoa Thám

* Thời gian khảo sát theo ông dự kiến sẽ diễn ra trong bao lâu?


- Tôi nghĩ là nhanh thôi, có thể tính bằng tháng. Nhưng, nói vậy tuyệt đối không có nghĩa là bỏ qua yêu cầu tỉ mỉ, chính xác khi tiến hành khảo sát. Di tích đã trót xúc đổ rồi, bây giờ lại khảo sát qua loa lấy lệ theo kiểu “nhanh nhanh còn làm tiếp” thì chẳng còn gì để nói.

Rất nhiều người đã nói về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc này, tôi không cần nhắc lại. Nhưng có một thắc mắc thế này: tại sao chúng ta cứ cố bám lấy lí do “kịp chào mừng đại lễ Thăng Long”. Trước khi có quyết định của UBND TP. Hà Nội, chúng tôi có trao đổi với bên thi công. Họ đưa ý kiến: Tốt nhất là các anh cứ để bọn tôi làm, nhặt được di vật nào chúng tôi sẽ trả lại bên khảo cổ đầy đủ. Tôi nói: Nếu vậy thì còn sinh ra ngành khảo cổ làm gì. Họ lại nói rằng phải làm gấp để kịp hoàn thành trước đại lễ. Nhưng tôi nói: Làm chậm lại mà bảo vệ được di tích thì nhân dân cám ơn chứ không ai “oán” các anh cả...

* Cuối cùng, ông hi vọng đợt khảo sát này sẽ mang lại kết quả gì?

- GS Phan Huy Lê và PGS Tống Trung Tín đã nói nhiều về giá trị của việc nghiên cứu và khảo sát đoạn thành cổ này rồi. Tôi chỉ muốn bổ sung, hi vọng chuyện xảy ra trên đường Hoàng Hoa Thám vừa qua sẽ khiến thành phố lưu tâm hơn tới việc xây dựng một bản đồ quy hoạch khảo cổ trước mắt là cho nội thành Hà Nội. Năm 2002, anh Tín đã đưa ra đề án này và được thành phố đánh giá là “rất xuất sắc” nhưng sau đó lại rơi vào quên lãng. Nếu làm lại thì phải thay đổi nhiều, nhưng tôi tin cũng không phải là quá lâu đâu, chừng một năm là cùng...

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Hoàng Nguyên (thực hiên)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm