13/07/2019 10:34 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Những hiện tượng ồn ào gần đây về những danh hiệu tự phong cho chúng ta nhìn thấy một góc khác của văn hóa người Việt Nam hiện nay. Đầu tiên, chúng ta thừa nhận đó không phản ánh tất cả các đặc điểm văn hóa Việt Nam hiện nay.
Về cơ bản, văn hóa của chúng ta có nhiều yếu tố tích cực, những yếu tố tiêu cực chỉ là những mặt trái mà bất kỳ xã hội nào cũng tồn tại. Thứ hai, những biểu hiện tự phong danh hiệu tràn lan như vậy là chỉ báo cho một số vấn đề chung của xã hội. Tìm lý do bản chất của nó giúp chúng ta giải quyết triệt để những vấn đề có liên quan đến hiện tượng này và các hiện tượng tương tự.
Tôi cho rằng, hiện tượng vừa qua như “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” chỉlà một chỉbáo cho thấy bốn vấn đề sau đang tồn tại trong xã hội của chúng ta: Thứ nhất, trong xã hội tồn tại nhu cầu tìm kiếm danh hiệu (trong đó có cả cách tìm kiếm danh hiệu bằng bất cứ cách nào). Chính nhu cầu xã hội này đã thúc đẩy, tạo trào lưu cho các cá nhân, đơn vị tìm kiếm, tổ chức các cuộc thi, sự kiện để tạo ra các thương hiệu này cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu; Thứ hai, nhu cầu tìm kiếm danh hiệu bằng bất cứ giá nào có thể khiến chúng ta liên tưởng đến mối quan hệ nhất định nào đó với bối cảnh nền kinh tế thị trường. Đối với nền kinh tế thị trường, thương hiệu là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra giá trị cho hàng hóa. Nhiều khi, chúng ta tiêu thụ hàng hóa dựa vào thương hiệu chứ chưa hẳn do chất lượng thực sự hay trải nghiệm trực tiếp của chúng ta về các hàng hóa này. Những yếu tố của nền kinh tế thị trường, qua thời gian, có thể tác động đến hành vi thực tế của con người trong xã hội. Từ thương hiệu hàng hóa, con người có thể liên hệ đến các thương hiệu cá nhân. Giờ đây, các cá nhân cũng mong muốn mình có tên tuổi, thương hiệu để chứng minh giá trị của mình; Thứ ba, đó là lý do đến từ chính thói quen truyền thống của người Việt. Không ít lần các học giả Việt Nam đã nhắc nhở chúng ta về thói háo danh như Đào Duy Anh trong Việt Nam Văn hóa sử cương xuất bản năm 1938 hay Nguyễn Văn Huyên trong Văn minh Việt Nam xuất bản năm 1944 nói về người Việt là “hay khoe khoang, trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh”. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, những thói quen xấu đó có cơ hội để quay lại, ảnh hưởng không tốt đối với xã hội; Thứ tư, đó là lý do từ những trục trặc trong đời sống xã hội, khi mà những giá trị của xã hội chưa được định hình vững chắc, hiện tượng “thật giả lẫn lộn” tồn tại khắp mọi nơi, khiến cho danh hiệu thật, có tác dụng định hướng đạo đức xã hội và những danh hiệu giả, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức xã hội có thể cùng tồn tại song song.
Hệ lụy của việc loạn danh hiệu này là vô cùng lớn đối với cá nhân và xã hội. Chạy theo những danh hiệu giả tạo này tạo ra những phong trào để tạo ra những danh hiệu hết sức kỳ lạ. Không chỉ trong lĩnh vực sắc đẹp hay nghệ thuật, trào lưu này lan sang các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội như kinh tế, giáo dục hay các linh vực khác nữa. Nhiều người có thể làm mọi việc đểcó được danh hiệu “giả” đó, và tất nhiên, khi có bằng cấp, người ta cố gắng khoe bằng được những thành tích của mình. Trong bối cảnh thật giả lẫn lộn như vậy, người dân sẽ mất lòng tin vào các danh hiệu, trong đó có cả những danh hiệu thực sựcó ích cho sự phát triển xã hội. Những hệ lụy khác về đạo đức, lòng tin cũng có thể phát sinh từ hiện tượng này.
Để khắc phục tình trạng loạn danh hiệu nói riêng, nạn háo danh nói chung, theo tôi, thứ nhất, bên cạnh việc nhấn mạnh những đức tính tốt đẹp của người Việt, tạo môi trường tích cực để phát triển văn hóa, con người, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc lên án những thói tật xấu của người Việt nói chung, thói háo danh, sính danh hiệu nói riêng, đánh giá cao nỗ lực thành công của mọi người bằng năng lực, trí tuệ thực sự của họ. Mọi sự phản tỉnh, tìm ra những gì chưa hoàn thiện của bản thân và xã hội, từ đó làm tốt hơn, đều có ý nghĩa không thua kém gì so với việc chúng ta nêu cao những đức tính tốt đẹp của mình.
Thứ hai, chúng ta cũng cần thể chế hóa, quy định cụ thể những gì được làm và không được làm trong những hoàn cảnh, với những đối tượng nhất định. Những hình thức chế tài sẽ khiến cho các hành vi không đúng được ngăn ngừa. Đối với hiện tượng loạn danh hiệu, cần có những quy định cụ thể hơn cho cuộc thi và cách thức công nhận danh hiệu, loại bỏ bớt các cuộc thi, hội thi không cần thiết; đối với thói háo danh, cần có quy định về bằng cấp cần rõ ràng hơn, theo đó, những ngành nghề gì không cần bằng cấp thì không nên có quy định, kể cả như một hình thức khuyến khích. Cá nhân nên được đánh giá trên thành tích thực tế hơn là chỉ dựa vào bằng cấp, danh hiệu.
Thứ ba là cần có những noi gương trong xã hội để thay đổi các thói quen xấu. Những người cóảnh hưởng xã hội nên tiên phong thực hiện; truyền thông nên lan tỏa thông điệp từ những tấm gương này, từ đó, làm thay đổi các thói quen xấu trong xã hội.
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN - Viện trưởng Viện VHNT quốc gia VN/ Nguồn: Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất