Bảo tàng công nghiệp - 'gà đẻ trứng vàng': Những 'nhà máy' của ký ức

31/07/2016 14:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là câu chuyện của nhà máy dệt Nam Định, nhà máy kẽm Quảng Yên... Rồi trước đó là câu chuyện của cảng Ba Son, của nhà máy rượu Hà Nội cùng hàng chục khu công nghiệp cũ tại các đô thị trên cả nước.  Liệu chúng ta có lựa chọn nào tốt hơn, khi biến quỹ đất từ những khu công nghiệp này thành đô thị sau thời điểm di dời?

Được manh nha nhắc tới vài năm qua, câu chuyện này lại càng trở nên thời sự vào tháng 7 này, trong thời điểm nhà máy Dệt Nam Định bắt đầu được di dời ở tuổi 118.

Những phần ký ức đang mất

Một mô thức quen thuộc để phát triển đô thị là sự hình thành những khu công nghiệp trong vai trò "hạt nhân". Từ những "hạt nhân" ấy, các hoạt động thương mại, dịch vụgiải trí dành cho người làm việc tại khu công nghiệp dần được hình thành xung quanh nó. Để rồi, sau hàng chục năm, ở một đô thị đã phát triển tới mức độ cao, khu công nghiệp "hạt nhân" tất yếu sẽ phải di dời sang vị trí khác bởi những lý do về môi trường, giao thông hoặc an sinh xã hội.

Không chỉ ở các quốc gia trên thế giới, tại VN, những đô thị có trên trăm tuổi (hình thành từ thời Pháp) như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Nam Định... cũng nằm trong quy luật này. Nhưng, nếu coi chuyện di dời các khu công nghiệp là một điểm sáng trong sự phát triển đô thị của chúng ta thì việc khai thác quỹ đất "hậu công nghiệp"lại thường ít nhiều gây ra tâm lý tiếc nuối và... hoài cổ.


Nhà máy Dệt Nam Định hiện đang được phá dỡ để di dời . (Ảnh: internet)

Bởi, song song với  vai trò của một trung tâm sản xuất, rất nhiều khu công nghiệp hoặc nhà máy đã vừa là chứng nhân, vừa là biểu tượng của một thành phố trong suốt cả trăm năm. Nói cách khác, không chỉ là những cột mốc trong quá trình công nghiệp hóa, những cơ sở sản xuất ấy còn in dấu lên sự đổi thay trong cuộc sống của nhiều thế hệ công dân, kể từ khi đô thị hình thành.

Thực tế, trong vài năm qua, dư luận cũng đã lên tiếng nhiều lần về nguy cơ biến mất của những kiến trúc đô thị tiêu biểu như cầu Long Biên (Hà Nội) hay Thương xá Tax (TP.HCM). Nhưng, theo các nhà nghiên cứu,bên cạnh những di sản đô thị ít nhiều có tính nghệ thuật hay thương mại, khu công nghiệp cũng là một "đối tượng" cần được đặc biệt lưu tâm.

"Tôi tiếc vô cùng những nhà máy cũ từ thời Pháp đã bị dỡ bỏ tại Hà Nội như nhà máy Rượu Nguyễn Công Trứ hay nhà máy điện Yên Phụ. Những công trình ấy là một phần của lịch sử, đánh dấu thời điểm chúng ta lần đầu tiên tiếp xúc với công nghiệp phương Tây" – PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN – chia sẻ.

"Rồi gần hơn, hàng loạt nhà máy khóa, bóng đèn, kim khí.... nổi tiếng trong thời Xã hội chủ nghĩa cũng đã lần lượt bị phá bỏ để làm các khu đô thị. Đó đều là một phần của lịch sử Hà Nội, đều mang theo những lớp giá trị văn hóa phi vật thể đậm đặc chứ không chỉ là những khối nhà hay xưởng máy đơn thuần".


Nhà máy rượu Hà Nội đầu thế kỷ 20, hiện đã bị phá dỡ hoàn toàn. (Ảnh tư liệu)

Trở lại câu chuyện của nhà máy dệt Nam Định. Không phải bỗng dưng, vào cuối tháng 6, rất nhiều kỷ niệm liên quan tới cụm công nghiệp này lại rộ lên trên những mạng xã hội dành cho “người thành Nam"- khi theo kế hoạch, phần lớn trong 30 ha đất tại đây sẽ được chuyển thành khu đô thị, sau thời điểm phá bỏ nhà máy cũ. Rồi, gần như song song với nó, nhà máy kẽm tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) do người Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX với 2 cột ống khói cao hàng chục mét, hai bể nước treo, khung nhà máy sàng quặng và khá nhiều bồn, trụ lớn có kết cấu đặc biệt... cũng từng được "đặt vấn đề" phá dỡ để xây dựng trung tâm thương mại.

Hoặc, chỉ một năm trước Dệt Nam Định, khu công xưởng đóng tàu Ba Son (TP.HCM) với lịch sử nối tiếp hơn 200 năm hình thành cũng gặp câu chuyện tương tự, khi được lên kế hoạch dỡ bỏ phần lớn để trở thành một khu đô thị sang trọng, nghĩa là chấm dứt lịch sử hoạt động sau hơn 200 năm kể từ khi hình thành.

Và giải pháp... "bảo tàng công nghiệp"

"Dù muộn, cũng đã tới lúc chúng ta nên nghĩ tới việc tổ chức các bảo tàng công nghiệp" – PGS Nguyễn Văn Huy nói. "Đó là nơi lưu giữ một phần lịch sử của các đô thị lớn, là nơi đảm nhiệm vai trò giáo dục về văn hóa, truyền thống với các thế hệ trẻ. Và quan trọng, các bảo tàng công nghiệp hoàn toàn có thể mang về một nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho du lịch địa phương".


Nhà máy Dệt Nam Định thời Pháp (ảnh tư liệu)

Sự thực, khái niệm "bảo tàng công nghiệp" cũng đã từng được nhắc như một gợi ý với chính các trường hợp của Dệt Nam Định, Công xưởng Ba Son, hay Nhà máy kẽm Quảng Yên. Vắn tắt, đó là việc sử dụng một phần diện tích của những khu sản xuất này vào mục đích trưng bày, lưu giữ thông tin về những ngành công nghiệp từng ở đây trong quá khứ - như mô hình mà rất nhiều nước phát triển từng làm. (Thậm chí, riêng nhà máy Dệt Nam Định cũng đã có một Bảo tàng dệt được xây dựng trên 2 ha (của nền đất cũ) từ vài năm trước).

Nhưng, cũng cần nhắc lại, sau hàng chục năm đô thị hóa, rất nhiều khu công nghiệp từ vị trí ngoại vi bỗng trở thành "đất vàng" nằm gọn trong phần trung tâm thành phố. Và, với giá trị đặc biệt như vậy, không có gì lạ khi đa phần việc di dời các khu công nghiệp đều được thực hiện dựa trên việc "bán" đất cũ cho nhà đầu tư để xây đô thị, đồng thời sử dụng nguồn tiền thu về để xây dựng hạ tầng cơ sở cho khu công nghiệp mới.

Có nghĩa, việc tìm kiếm một mô hình hoạt động hiệu quả cho loại bảo tàng gần như chưa xuất hiện tại VN này là bài toán không đơn giản. Đơn cử, như chia sẻ của chính những người có trách nhiệm, bản thân bảo tàng Dệt Nam Định dù hoạt động 3,4 năm nay nhưng gần như không có khách thăm quan, trừ một số nhân viên ngành dệt từ nơi khác tới đây công tác.


Hai bể nước treo và cột ống khói là một phần của Nhà máy Kẽm Quảng Yên hiện thuộc khu vực quản lý của Công ty TNHH Sao Vàng - Ảnh: Đức Hiếu. Nguồn: Tuổi trẻ

"Vấn đề nằm ở cách làm.Với nhu cầu hiện tại, chắc chắn bảo không thể thực hiện  bảo tàng theo tư duy rập khuôn, máy móc như vài chục năm trước đây" – PGS Huy nói. "Bởi vậy, với những trường hợp như Nhà máy Dệt Nam Định, chúng ta nên nghiên cứu để xây dựng một mô hình trọng điểm về loại bảo tàng này, để từ đó rút kinh nghiệm và áp dụng cho những khu công nghiệp khác".

Cũng cần nói thêm, như phân tích của nhiều chuyên gia, việc xây dựng bảo tàng công nghiệp không có nghĩa là áp dụng tràn lan cho bất kỳ trường hợp di dời nào. Và, cũng không nhất thiết, bảo tàng phải chiếm toàn bộ diện tích khu công nghiệp cũ. Nhưng, để lựa chọn các giải pháp phù hợp, các khu công nghiệp cần được khảo sát kĩ vềkiến trúc, vị trí và quy mô hiện có, đặc biệt là vai trò trong lịch sử hình thành đô thị

Đôi khi, không phải là bảo tàng nhưng việc giữ lại một kiến trúc, một bức tường hoặc một khoảng xanh nhỏ vẫn khiến những công trình mới đủ sức tạo sự kết nối với quá khứ và mang một giá trị riêng"– PGS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội KTS VN) nhận xét. Như chia sẻ của ông Thông, khách sạn Horison Hà Nội (này là khách sạn Pullman – Thể thao &Văn hóa) chính là một trường hợp thành công qua cách làm này.

Xây dựng năm 1991 trên nền nhà máy gạch Đại La cũ, những người thiết kế khách sạn đã quyết định giữ nguyên phần ống khói cao hàng chục mét của nhà máy gạch Đại La cũ (vốn được coi là một trong những "cột chống trời" của Hà Nội thời bao cấp) chỉ với mục đích tạo điểm nhấn mỹ quan. Theo thời gian, phần tường gạch rêu phong của ống khói này bỗng trở thành biểu tượng của khách sạn, và khiến cụm công trình hiện đại ấy luôn được nhớ tới qua một hình ảnh đặc biệt.

Những "hạt nhân" của bảo tàng công nghiệp

Trước đề xuất của những người có nhiều kỷ niệm với Dệt Nam Định này, lãnh đạo tập đoàn Dệt may Việt Nam hẹn “để ngỏ” khả năng giữ lại một bộ phận nhỏ khu công xưởng tại đây để kết hợp với bảo tàng Dệt làm thành một quần thể phục vụ việc trưng bày.

Tương tự, tại công xưởng Ba Son, phía đầu tư trong thiết kế đã dành một diện tích nhỏ để phục vụ việc trưng bày, tuy nhiên nhiều ý kiến đề xuất nên mở rộng thêm diện tích cho khu vực này,kết hợp với việc trùng tu, bảo tồn một vài ụ tàu đặc biệt có giá trị.

Riêng tại nhà máy kẽm Quảng Yên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu phía địa phương mời các chuyên gia khảo sát lại khu vực này, đồng thời nghiên cứu ý tưởng thành lập Bảo tàng Công nghiệp tại đây.

T.H

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm