(TT&VH) - Cùng vung tiền tấn để mua ngôi sao, nhưng trong khi Perez TIN CHẮC rằng những Ronaldo hay Kaka sẽ sớm chứng tỏ được giá trị của họ, thì Laporta trong thâm tâm có lẽ lại chỉ dám HI VỌNG Ibra sẽ không trở thành một kẻ lạc lõng ở Nou Camp.
Cá tính
Kaka tới hôm qua mới có mặt ở Madrid để bắt đầu tập luyện chuẩn bị cho mùa giải mới sau một thời gian nghỉ hậu Confed Cup. Ronaldo tiếp tục thể hiện một hình ảnh không mấy ấn tượng dù đã chơi đến trận thứ 2 với Real Madrid, và đối thủ chỉ là những tên tuổi hết sức tầm thường như Shamrock hay Al Ittihad. Thế nhưng, người ta vẫn tin rằng chuyện Kaka hòa nhập vào lối chơi của Real và chuyện Ronaldo sớm tìm lại được phong độ của mình chỉ là vấn đề của thời gian. Vì Kaka thuộc nhóm không nhiều những cầu thủ Brazil chơi bóng bằng lý trí nhiều hơn là bản năng, nên chuyện anh thích nghi và tỏa sáng ở môi trường mới là chưa bao giờ bị nghi ngờ. Còn Cristiano Ronaldo, với ý chí phi thường của mình, đã không ít lần khiến những kẻ vội vàng chỉ trích anh phải tự cảm thấy hổ thẹn.
Ibra, phía trước là thách thức
Ibra lại là một trường hợp hoàn toàn khác. Dù thuộc mẫu người luôn tự tin vào khả năng của bản thân, luôn tự xem mình "là Một, là Riêng, là Thứ nhất" (có ai ra mắt CLB mới bằng câu hỏi "tôi là Ibrahimovic, còn các người là ai?" không?), song tiền đạo người Thụy Điển lại không mấy khi bảo vệ được cái Tôi bản ngã của anh mỗi khi nó bị nghi ngờ hay chỉ trích. Khi người ta bảo Ibra không thể lớn nổi khi lên tuyển (ám chỉ việc 5/8 bàn thắng ở vòng loại World Cup 2006 của anh được ghi vào lưới kẻ nhược tiểu Malta), anh đáp lại bằng cách... tịt ngòi trong gần 3 năm, từ 12/10/2005 tới tận 10/06/2008. Khi người ta nói rằng Ibra cần phải thể hiện được mình nhiều hơn ở Champions League, câu trả lời của anh là "không thèm" tỏa sáng ở đấu trường này: Cứ ghi bàn tới vòng 1/16 là anh... nghỉ.
Phong cách
Có một sự khác biệt rõ ràng trong cách làm bóng đá giữa Real Madrid và Barca. Trong khi ở lò Castilla của Real Madrid, người ta đào tạo ra những cầu thủ giỏi, hoàn thiện và có khả năng tồn tại ở nhiều môi trường (nghĩa là giỏi "chung chung"), thì ở lò La Masia của Barca, người ta chỉ đào tạo ra những cầu thủ phù hợp với lối chơi truyền thống của họ. Đó là lý do lò Castilla tuy không được đánh giá cao như lò La Masia song lại đang có nhiều cầu thủ tạo được dấu ấn khi đi ra các đội bóng khác hơn. Và đó cũng là lý do một tân binh sẽ cảm thấy dễ hòa nhập với môi trường Real hơn là môi trường Barca. Muốn tỏa sáng ở Bernabeu, bạn "chỉ" cần tài năng. Nhưng muốn tỏa sáng ở Nou Camp, bạn cần cả tài năng lẫn khả năng hòa mình vào dòng chảy lớn La Masia.
Ibra, về lý thuyết, là một mảnh ghép hoàn hảo với Barca hiện tại. Anh đủ thông minh và khéo léo để trở thành một phần của tiqui-taca, thừa vóc dáng và sức mạnh để bổ sung cho đội bóng vừa có cú ăn ba lịch sử thế mạnh về càn lướt và không chiến. Vấn đề là không phải như ở Inter, nơi mọi đường bóng đều hướng về anh, ở Barca, Ibra đơn giản chỉ là một mắt xích trong cả guồng máy. Nếu không duy trì được sự chính xác của những pha xử lý trong suốt 90 phút, của mọi trận đấu, anh hoàn toàn có thể bị đào thải và quay lại trở thành gánh nặng của đội (như Henry trong năm đầu tiên ở Nou Camp). Làm được điều đó, trong bối cảnh mọi khoảng trống trước khung thành đối phương đều bị ken kín do thói quen dồn ép đối thủ của Barca, rõ ràng không phải là chuyện nói là được.
Vì thế, khi có ai đó nói là không tin Ibra có thể chứng tỏ được mình xứng đáng với số tiền kỷ lục mà Barca bỏ ra cho anh ta, hãy tin rằng người đó nói ra điều ấy trên những cơ sở nhất định, chứ không phải vì ác cảm với Barca hay với Ibra.
V.Cường