Perez lấy tiền ở đâu ra?

10/06/2009 10:19 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) -  Vừa giành lại chiếc ghế Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez đã biến Bernabeu thành một điểm nóng của những cuộc chuyển nhượng. Perez là một người đàn ông kỳ lạ, đầy đam mê và cũng rất có thể lực tại Tây Ban Nha. Nhưng người đàn ông 62 tuổi đó có phải là một đại tỷ phú để đưa về những ngôi sao sáng nhất và đắt giá nhất? Không. Câu trả lời cho những nguồn tài chính khủng khiếp của CLB Hoàng gia không nằm ở vị tân Chủ tịch. Mà ở chính cỗ máy kiếm tiền mang tên Galacticos.

Không còn nghi ngờ gì nữa, dù không có sự hẫu thuẫn nào từ các tay tài phiệt khắp thế giới như ở Premiership, nhưng Real vẫn là một thế lực đáng nể trong các cuộc chạy đua tài chính. Thứ nhất, chỉ riêng cái tên Real Madrid cũng đã là một sức hút rất lớn với bất kỳ nhà tài trợ nào. Thương hiệu của đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 20 không chỉ là một niềm tự hào suông, mà còn là một cỗ nam châm khổng lồ trong việc tạo lực hút tài chính. Đó chính là lý do giải thích vì sao trong suốt nửa thập kỷ qua, dù luôn bị loại sớm ở Champions League (từ vòng 1/8), nhưng Real lẫn liên tiếp dẫn đầu trong danh sách các CLB giàu nhất thế giới, số liệu do tập đoàn kiểm toán Deloitte công bố (chưa tính năm nay, 2009).

Tại các giải VĐ châu Âu, Real vẫn đang là đội bóng đứng thứ 3 về lượng CĐV dự khán trong mỗi trận (sau Man Utd và Barcelona). Theo tính toán, số khán giả tới sân của Los Merengues vào khoảng 73.153 người/ trận. Đó cũng là một yếu tố tạo ra khoản lợi nhuận không nhỏ nữa của đội bóng. Chưa kể đến những những chuyến du đấu châu Á hay Mỹ cũng đã giúp “kền kền trắng” kiếm bội tiền, ngay cả khi họ chỉ tới đó vài ngày để ký tặng hay học đánh bóng chày.
 
Vừa mới trở lại ghế Chủ tịch Real, Perez đã thực hiện thành công một vụ áp phe "tiền tấn"

Một điểm đáng lưu ý nữa, Real là một trong những CLB lớn luôn nhận được sự bảo trợ, hay những ưu ái đặc biệt từ pháp luật. Ở Bernabeu, các cầu thủ nước ngoài trong 5 năm đầu tiên chỉ phải nộp 23% tổng số tiền thu nhập một năm, trong khi tại Anh hay Italia, con số này là 50%.

Cũng như các CLB hùng mạnh khác, các bản quyền truyền hình cũng đem lại cho Real những khoản tiền khổng lồ. Năm 2006, đội bóng 9 lần VĐ châu Âu đã ký một bản hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 5 năm với Hãng MediaPro, trị giá khoảng 1,1 tỷ euro. Ước tính, Real sẽ có không dưới 150 triệu euro mỗi mùa, nhiều gấp đôi khoản tiền tương tự của Man United.

Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất dẫn tới thành công trong tài chính của Real Madrid, đó là việc họ là một đội bóng phi lợi nhuận, được điều hành chỉ bởi 100% các thành viên người Tây Ban Nha. Điều này đồng nghĩa với việc Real không bao giờ phải còng lưng trả những món nợ của ông chủ (như M.U). Thêm vào đó, các khoản vay của họ luôn được hậu thuẫn lớn từ các ngân hàng địa phương, những nguồn tài chính luôn phải chịu sức ép từ các chính trị gia, hay những người có thế lực trong thượng tầng Bernabeu. Kết quả là Real luôn có những hợp đồng béo bở nhất cả khi vay lẫn cho vay, luôn có được sự ưu ái tuyệt đối về lãi suất, cũng như tất cả những gì liên quan tới thủ tục pháp lý. Đó cũng là những gì mà ở châu Âu, chỉ Barca có được. Những sự ủng hộ trên cả luật pháp.

* Perez làm gì ở Real?

Kể từ năm 1991, cùng với Barcelona - xứ Catalunya, Osasuna - xứ Navarra, và Athletic Bilbao - xứ Basque, Real cũng đã đi theo con đường bảo vệ CLB khỏi sự thôn tính của các ông chủ ngoại. Để làm được việc đó, CLB đã thông qua bộ luật tuyệt đối chỉ đưa người Tây Ban Nha lên nắm quyền cao nhất. Các cuộc bầu cử Chủ tịch tính theo nhiệm kì, và người chiến thắng sẽ chịu trách nhiệm bổ nhiệm bộ máy điều hành tại CLB.

Để tranh cử, các ứng cử viên sẽ phải có 3 yếu tố bắt buộc: 1, Là công dân Tây Ban Nha; 2, Có ít nhất 10 năm hoạt động tại CLB, và cuối cùng, phải có khoản tài chính tối thiểu bằng 15% ngân sách đội bóng (hoặc được ngân hàng công bố sở hữu 57 triệu euro).

Hiện nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn về lợi ích cá nhân của Perez, khi ông trúng cử vào chiếc ghế Chủ tịch Real. Cũng như những người tiền nhiệm trước, Perez không cần phải kiếm tiền, cũng không phải bỏ tiền, và cũng không được phép thu lợi từ đội bóng. Thực tế, nhiệm vụ duy nhất của ông chỉ là điều hành Real, không hơn.

Tất nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết. Với tầm ảnh hưởng về tài chính, cộng thêm những quan hệ với giới ngân hàng và nhà tài trợ, Perez đủ khả năng tạo ra những nguồn lợi nhuận khổng lồ cho đội bóng (và cho cả ông nữa).

Như ngày xưa... Cái thời mà ông đã xoá được khoản nợ 300 triệu euro cho Real, rồi lại đổ gần 500 triệu khác vào thị trường chuyển nhượng để mua 20 cầu thủ trong 3 năm.

Kaka có thể đem lại cho Real 75 triệu/năm!

Real chi 65 triệu euro để mua Kaka, nhưng họ hoàn toàn có thể thu về mỗi năm 75 triệu euro nhờ vào cầu thủ này. Đó là tính toán của công ty tư vấn và tiếp thị thể thao hàng đầu thế giới Weber Shandwick Sport. Đây là số tiền thu được từ những hoạt động thương mai ăn theo tên tuổi của Kaka như hợp đồng quảng cáo, bán áo, bản quyền hình ảnh, du đấu… Cũng theo tính toán của công ty này thì trước đây Beckham đã đem lại cho Real chừng 400 triệu euro trong quãng thời gian 4 năm cầu thủ này khoác lên mình màu áo trắng. Nghĩa là mỗi năm Becks đem lại cho Real khoảng 100 triệu euro. Cũng theo Shandwick thì nếu Cristiano Ronaldo đến Madrid thì số lợi nhuận mà Real thu được từ cầu thủ này cũng sẽ còn hơn Kaka chẳng kém gì Becks.
 
Yến Thanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm