14/08/2014 20:02 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Ở quê hương Hà Lan, Louis Van Gaal được đặt biệt danh “Đóa Tulip Thép”. Và giờ, bông hoa ấy sẽ được thử thách trên mảnh đất Manchester vốn đang tràn ngập sỏi đá khó khăn.
Van Gaal thẳng thừng: “Tôi đã kế thừa một đội bóng vụn nát”. David Moyes dĩ nhiên không ho he gì , nhưng những lời của Van Gaal chắc chắn đã phần nào khiến cho Sir Alex Ferguson phải giật mình – chính ông là người đã đưa Moyes về thay thế bản thân. Chưa kể, “đội bóng vụn nát” mà Moyes để lại cũng chỉ đơn giản là những gì kế thừa từ Sir Alex (cộng thêm Marouane Fellaini). Đáp lại là gì? Sir Alex chỉ chúc Van Gaal may mắn.
Có một sự tôn trọng nhất định đã được Ferguson dành cho Van Gaal. Không bao giờ có những ứng cử “cửa trên” như thế giữa nhà cầm quân từng 26 năm gắn bó với Old Trafford và vị HLV từng kinh qua Ajax, Barcelona, Bayern Munich.
2. Lý giải cho sự thất bại của Moyes tại Old Trafford, có thể chỉ ra rằng người đàn ông Scotland này yếu về chuyên môn huấn luyện và kém về nghệ thuật quản lý nhân sự. Chiến thuật ông đưa vào United như đến từ những năm 1980; những nhân vật “máu mặt” trong tập thể như Rio Ferdinand hay Robin Van Persie thì nhao nhao lên trên các mặt báo, còn các phóng viên thì thi nhau chọc ngoáy United.
Có thể khẳng định, điều này chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra dưới thời Alex Ferguson. Điều khiến ông quản lý tập thể tốt chính là nhờ một kỷ luật thép được tạo ra. Thuận Ferguson thì sống, chống Ferguson thì chết.Những công thần thực thụ của Old Trafford đều sẽ bị cho ra đường nếu dám thể hiện sự bất bình với ông. BBC “dìm hàng” United? Lập tức bị ông tẩy chay, bất chấp các án phạt từ BTC Premier League.
Ở điểm này, Van Gaal cũng chẳng khác là bao. Chữ “thép” trong biệt danh “Đóa Tulip Thép” của ông đến từ chính cách quản lý cầu thủ đậm màu nhà binh: cả đội phải ăn trưa đúng giờ, cùng nhau; khi ăn phải ngồi thẳng lưng; đến tập muộn sẽ phải tập riêng và bị phạt lương... Còn các phóng viên thì vốn dĩ chưa bao giờ sống chung một bầu trời với cựu HLV ĐT Hà Lan. Ngày còn ở Barcelona, ông từng hỏi thẳng một phóng viên là “Anh có ngu không?” khi bị đặt dấu hỏi về chiến thuật. Một cây viết Mỹ “lỡ” hỏi xoáy ông về cách phòng thủ của Hà Lan cũng đã bị vùi dập trong buổi họp báo sau trận Hà Lan thắng Chile tại World Cup vừa qua. Ông cũng chẳng kiêng dè gì PCT Ed Woodward khi tống bản hợp đồng đầy tâm huyết Luke Shaw khỏi buổi tập chung vì thừa cân.
3. Nếu có một vấn đề để lo ngại trong những năm cuối của Ferguson thì đó chính là việc ông quá thụ động trong khâu chiến thuật. Trong 13 chức vô địch Premier League ông mang về cho Old Trafford, không quá khi cho rằng quá 2/3 là có sự góp công lớn của các trợ lý. Carlos Queiroz, Mike Phelan hay Rene Maulensteen là những cái tên tiêu biểu. Khi họ đã ra đi, Ferguson không thể duy trì thành công mãi.
Ngược lại, Van Gaal là một sự khác biệt lớn. Ông chưa bao giờ phải phụ thuộc vào bất kỳ trợ lý nào. Ông tự tin đến nỗi chỉ thần tượng bản thân trong vấn đề chiến thuật. Mọi thứ được đem ra phân tích kỹ lưỡng và hình thành nên một lối chơi đậm chất khoa học, hệ thống chẳng kém gì những năm đỉnh cao của United trong triều đại Ferguson.
Vừa quản lý chặt, vừa giỏi chiến thuật – các Mancunian còn mong gì hơn thế? Van Gaal chính là cái tên khả dĩ nhất cho Old Trafford hiện tại.
Dĩ nhiên, dân tộc Hà Lan vốn mang tính cách ham khám phá, thích “xê dịch”. Van Gaal cũng vậy, ông chẳng bao giờ gắn bó với một CLB quá lâu. Nhưng biết đâu, ông sẽ để lại một nền tảng vững bền dài hạn cho Old Trafford?
DŨNG LÊ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất