Tình bạn đặc biệt giữa Paul McCartney và John Lennon (kỳ 2): Giận hờn và hàn gắn

11/12/2014 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sự tan rã của The Beatles vào năm 1970 đặt dấu chấm hết cho ban nhạc được hâm mộ nhất thế kỷ 20. Nhưng đó cũng là cuộc chia ly dài nhất giữa hai trụ cột của nhóm, John và Paul.

Có nhiều lý do khiến hành trình của ban nhạc ngừng lại, nhưng quan trọng nhất là do cái chết của người quản lý lâu năm Brian Epstein và việc phải thuê một người thay thế. John quả quyết với cả nhóm rằng nhân viên kế toán Allen Klein là lựa chọn đúng đắn, trong khi Paul đặt niềm tin vào bố vợ, ông Lee Eastman.

Ai là người có tội?

Cùng lúc đó, Paul buồn bã nhìn nhóm dần tan thành 4 mảnh riêng biệt, và anh là người phải tập hợp họ lại. 4 con người khác biệt, đã mệt mỏi khi phải chơi cùng nhau trong phòng thu hơn một thập kỷ. Khi Paul muốn lên kế hoạch cho một chuyến lưu diễn trở lại, không ai hưởng ứng.

Ringo tạm thời rời nhóm vào năm 1967 và George cũng vậy trong quá trình quay phim Let It Be (1970). Nhưng cương quyết và phũ phàng hơn cả là John. Tháng 9/1969, John rời khỏi một cuộc họp của nhóm với lời tuyên bố: “Tôi không định nói với các anh, nhưng tôi sẽ làm nhóm tan rã. Tôi thấy ổn với việc đó. Cũng giống như ly dị vợ vậy”.

Mọi chuyện không kết thúc nhanh thế, cho đến khi Paul gọi điện cho John và thông báo anh vừa bắt đầu thực hiện một album đơn ca. 3 thành viên còn lại (kể cả John) yêu cầu Paul ngừng dự án này và không ai nói gì về chuyện tan rã. Nhưng vào tháng 4/1970, album đơn ca đầu tay của Paul ra đời, mang tên McCartney. Trong một bài phỏng vấn in kèm trong bản phát hành thêm của đĩa nhạc này, phóng viên đặt câu hỏi: “Anh có ý định làm một album hay một đĩa đơn mới với The Beatles?”. Câu trả lời của Paul là “Không”.


John Lennon và Paul McCartney khi còn rất trẻ

Có thể thấy, John khơi mào sự tan rã với một câu nói, nhưng Paul mới là người đầu tiên dứt áo ra đi.

Hàng năm trời sau đó, John và Paul vẫn không ngừng nói về cách ban nhạc tan rã, hoặc đúng hơn là cuộc “đào thoát” của Paul. Coi Paul là người đầu tiên rời ban nhạc có công bằng không?

John nói: “Tôi thật ngốc khi không làm cái việc mà cậu ta đã làm. Cách đó có thể giúp đĩa hát bán chạy”. Nhưng Paul lên tiếng bảo vệ mình trong hồi ký: “Tôi nghĩ đó chỉ là sự ghen tị mà thôi. Ringo đi đầu tiên, George tiếp theo, rồi John. Tôi là người cuối cùng rời khỏi ban nhạc! Không phải tôi!”.

Trong bài phỏng vấn của John với Rolling Stone năm 1970, anh nói những câu như “chúng tôi chán ngấy việc phải làm nền cho Paul” hay “album đầu tay của Paul là rác rưởi”.

Trong khi John nghĩ rằng toàn bộ album Ram của Paul và người vợ Linda McCartney đều là những ca từ xúc phạm nhắm thẳng vào anh, Paul đã cãi lại. Anh cho rằng thực ra chỉ có 2 câu hát trong bài Too Many People mà thôi. Để đáp lại, John sáng tác bài How Do You Sleep? có ca từ nói xấu Paul, nhưng sau đó anh đính chính là nói về chính mình.

Hàn gắn, nhưng không còn như xưa

Ai từng có bạn đều hiểu cảm giác hối hận sau khi lâm vào những cuộc cãi vã với người bạn thân nhất. Cảm giác giống như “ước gì mọi chuyện như thế đã không xảy ra”.

John và Paul cũng vậy. Sau khi khi tách nhau ra, hai người hợp tác với nhiều nghệ sĩ khác. Chỉ khi muốn hàn gắn, họ mới bắt đầu hợp tác trở lại với nhau.

Năm 1974, họ thu âm cùng nhau, bên cạnh nhiều ca sĩ khác trong album A Toot and a Snore in ‘74. Nhưng đến tận năm 1992, album này mới được phát hành. Một năm sau, John gần như đã tham gia cùng Paul McCartney & Wings, ban nhạc mới do Paul lập ra, để thu âm album Venus and Mars.

Vào ban đêm, cả hai thường trở về căn hộ của John và cùng nhau xem chương trình truyền hình Saturday Night Live. Cũng chính chương trình nổi tiếng này đã đề nghị trả cho The Beatles 3.000 USD để tái hợp. Cả hai đã xem xét đề nghị này nhưng rồi từ chối vì thấy quá mỏi mệt.

Paul còn lịch lưu diễn và thu âm dày đặc, còn John thì vướng vấn đề cư trú (bị cấm trở về Anh). Cũng vì một người ở Anh, một người ở Mỹ, nên họ ít gặp nhau, nhưng vẫn gọi điện cho nhau thường xuyên.

Chuyện về họ bị tô vẽ quá nhiều, trong khi người ta cứ thích nghe chuyện từ góc độ đau buồn. Người hâm mộ John vẽ Paul thành một kẻ ghen tị với tài năng của John. Còn người hâm mộ Paul thì đổ lỗi cho John vì ban nhạc tan rã. Họ chỉ ra thực tế rằng sự nghiệp đơn ca của Paul vượt xa John về thành công thương mại.

Nhưng thay đổi lớn nhất, đau đớn nhất, là dòng chữ "Lennon-McCartney" hoàn toàn biến mất khỏi các sáng tác từ đó về sau của họ.

“Vì tôi yêu Paul”

Vì hai người quá thân thiết, thường đứng cạnh nhau trong những bức ảnh, người hâm mộ thêu dệt nên cả một câu chuyện lãng mạn rằng họ đã yêu nhau. Nhiều tiểu thuyết tưởng tượng đã được viết dựa trên hướng này.

Mặc dù vậy, cả đời thực lẫn tiểu thuyết đều gặp nhau ở một điểm đau buồn là chuyện của Paul và John không có kết thúc. John qua đời vì bị bắn vào năm 1980, ở tuổi 40. Cái chết đã chia lìa vĩnh viễn 2 người bạn tri kỷ.

Trong tình bạn, những điều từng gây tổn thương thường dễ bị lãng quên, nếu người ta đã tha thứ cho nhau. John và Paul chắc hẳn không khác chúng ta lắm ở điểm này. Khi John mặc chiếc áo có chữ “Tôi yêu Paul”, báo chí đã tò mò chất vấn. Anh chỉ trả lời đơn giản: “Vì tôi yêu Paul”.

Nỗi đau sau tan rã còn kéo dài nhiều năm, nhưng Paul và John thực sự đã hàn gắn lại, vào giữa thập niên 70, khi cả hai đều đã làm cha. “Dù rất buồn bã khi tình bạn lớn tàn lụi và anh ấy bị ám sát, tôi vẫn thấy được an ủi phần nào vì chúng tôi đã hàn gắn lại. Chúng tôi vẫn là bạn tốt” – Paul nói - “Câu chuyện về tình bạn tàn lụi thực sự không quan trọng bằng tầm ảnh hưởng của tình bạn đó với mỗi chúng tôi”.

Đọc bài 1 TẠI ĐÂY

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm