Parma phá sản và tình nghĩa với Parma

27/06/2015 07:10 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Không có nhà tài phiệt nào trả giúp số nợ 22,6 triệu euro trước ngày 25/6, Parma chính thức xuống hạng và sẽ phải bắt đầu lại từ Serie D, tương đương hạng nghiệp dư của Italy, thay vì Serie B.

Parma phá sản cũng có nghĩa là bất cứ đội bóng nào muốn sở hữu cầu thủ của Parma sẽ không mất phí chuyển nhượng cho CLB. Bologna nhắm Mattia Casani và Antonio Mirante. Trabzonspor muốn lấy về thủ môn Mirante. AC Milan nhanh chân đạt thỏa thuận với người đã “hạ sát” Juventus vào mùa trước, Jose Mauri. Hoàn toàn miễn phí. Parma biến thành chợ lao động mà bất cứ “ông chủ” nào cũng có thể lấy nhân công mình cần, không cần quan tâm đến ràng buộc của những người lao động với cơ quan chủ quản.

Chỉ Cesena làm khác. Đội bóng nhỏ của vùng Emilia-Romagna vẫn quyết trả cho Parma 51 ngàn euro để mua lại một nửa quyền sở hữu cầu thủ Gregoire Defrel quốc tịch Pháp, dù theo luật, họ không phải làm vậy. “Chúng tôi trả phí cho Defrel”, Giám đốc thể thao Rino Foschi nói trên Sky Sport. “Nếu Lega Serie A chấp nhận điều này, số tiền trên sẽ thuộc về những lao động của Parma, trợ giúp họ vượt qua khó khăn trong cảnh thất nghiệp”.

Parma phá sản nghĩa là tất cả các cầu thủ dù kí hợp đồng dạng nào, sở hữu toàn bộ, đồng sở hữu hay mượn cũng đều trở thành cầu thủ tự do hoặc trở về CLB chủ quản. Người làm thuê cho Parma trở thành thất nghiệp, và phải kiếm việc làm ở nơi khác. 51 ngàn euro của Cesena, đội bóng cũng xuống hạng Serie B sau mùa giải qua, vì thế là nghĩa cử đáng kính trọng. Cầu thủ và Ban huấn luyện của Parma đã không được nhận lương từ tháng 7/2014.

51 ngàn euro chưa bằng lương một tuần của Geoffrey Kondogbia, người nhận lương khoảng 100 ngàn euro/tuần sau hợp đồng trị giá 40 triệu euro Inter vừa kí với Monaco. 51 ngàn euro chỉ bằng khoảng 2% số nợ mà Parma phải trả. Nhưng nó đáng giá cả tỉ euro với những người đang trong cảnh khó khăn, cũng như 5 triệu euro mà 19 CLB Serie A đã đóng góp giúp Parma hoàn thành nốt mùa giải Serie A vừa qua.

BHL và cầu thủ Parma không có lỗi. Robeto Donadoni bảo đội bóng đã bị cựu Chủ tịch Ghirardi và cựu Giám đốc điều hành Leonardi phản bội. “Ghirardi luôn thể hiện mình là người có đam mê lớn với bóng đá và muốn Parma trở thành đội bóng vĩ đại”, Hernan Crespo, cựu tiền đạo và HLV đội trẻ Parma nhận xét.

Tháng 1/2007, Ghiradi mua lại Parma, trả nợ 39 triệu euro cho công ty Parmalat. Vị doanh nhân thuộc gia đình có truyền thống kinh doanh thép tạo niềm tin cho đội. “Hai năm đầu rất ổn”, đội phó Massimo Gobbi nói vào năm 2010. “Nhưng sau đó, có gì đó đáng ngờ, họ bắt đầu nói Parma có vấn đề nên chúng tôi bị chậm lương”.

Món nợ bắt đầu sinh sôi từ năm 2009, thời điểm Ghirardi thuê Pietro Leonardi làm Giám đốc điều hành. Leonardi đã từng rất thành công ở các đội bóng nhỏ như Udinese.

Nhưng vào năm 2014, khi Parma hấp hối, người ta thấy đội bóng có gần 250 cầu thủ trong biên chế, một con số khủng khiếp, gấp khoảng 4 lần các đội khác. Đầu năm 2014, khi cả đội đến Vatican gặp Giáo hoàng, Parma trải qua chuỗi 17 trận bất bại. Họ không ngờ rằng đó là đóa hồng trên cỗ quan tài: Một thời gian ngắn sau, Ghirardi thừa nhận đội bóng không trả nổi 290 ngàn euro tiền thuế khiến Parma mất quyền dự Europa League. Ghirardi tổ chức họp báo, tuyên bố: “Tôi rút lui khỏi bóng đá”.

D.H
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm