Bộ VH, TT và DL chấn chỉnh vụ tranh chấp bản quyền truyền hình: Động thái cần thiết

10/01/2012 09:38 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Ngày 14/12/2011, tại phần trả lời báo chí sau Đại hội cổ đông lần đầu tiên của VPF, bầu Kiên có nói: “Trong vòng 10 ngày tới việc đầu tiên mà VPF thực hiện sẽ là đàm phán với Eximbank về hợp đồng tài trợ cho mùa giải 2012 và các năm tiếp theo. Việc thứ hai là truyền hình, chúng tôi sẽ mời các hãng truyền hình đến để đàm phán, ở đây việc đàm phán truyền hình cần lưu ý không phải là trị giá truyền hình, mà còn phải chú ý tới vấn đề quảng bá, vì mục đích cuối cùng của truyền hình là phục vụ người hâm mộ.

Chúng tôi không đặt quá nặng vấn đề tài chính cho truyền hình nhưng chúng tôi tin rằng sẽ có những thay đổi cơ bản về mặt truyền hình. Ở đây chúng tôi phải nói rõ vì trước đây VFF đã làm việc với AVG nên trước tiên chúng tôi sẽ tôn trọng AVG và mời AVG đến làm việc trước, sau đó chúng tôi sẽ làm việc với các đài truyền hình khác. Và tôi rằng sẽ có sự thay đổi khá rõ nét về mặt truyền hình”.

Vấn đề thứ nhất, tức là bản hợp đồng tài trợ với Eximbank đúng là đã được bầu Kiên giải quyết dứt điểm trong vòng chưa tới 10 ngày, vì đến ngày 22/12/2011, VPF đã tổ chức họp báo rình rang để ra mắt nhà tài trợ chính Eximbank. Tuy nhiên, với vấn đề thứ hai là bản quyền truyền hình thì coi như bầu Kiên đã không hoàn thành lời hứa của mình, nhất là sau khi hôm qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký công văn số 65/BVHTTDL-TTr gửi VFF và các Sở VH-TT&DL về việc thực hiện các quy định đối với bản quyền truyền hình giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.


Công văn này được xem là hành động cần thiết của cơ quan quản lý Nhà nước trước khi vụ việc bị đẩy đi xa hơn nữa.

Nếu lấy ngày 14/12/2011 là cột mốc để khởi đầu cho “cuộc chiến” về bản quyền truyền hình giữa bầu Kiên, VPF với VFF và AVG thì sự xuất hiện của bản công văn số 65/BVHTTDL-TTr từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói trên không thể coi là sớm, vì tính sơ qua thì thấy cũng phải mất gần 1 tháng. Thế nhưng, dẫu sao dù muộn cũng còn hơn không, bởi việc BTC sân Lạch Tray phải lập biên bản chấp bản quyền truyền hình vào ngày 7/1/2012 vừa rồi, hay việc người hâm mộ ở Nghệ An và Khánh Hòa phẫn nộ vì không được theo dõi trực tiếp 2 trận TĐCS.ĐT-SLNA và K.KH-V.NB như thông báo của VFF và báo chí cũng có thể coi như là giọt nước làm tràn ly.

Bởi thế, quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thành lập đoàn thanh tra về vấn đề bản quyền truyền hình xung quanh bản hợp đồng có thời hạn 20 năm giữa VFF và AVG được xem là hành động cần thiết của cơ quan quản lý Nhà nước trước khi vụ việc bị đẩy đi xa hơn nữa.

Theo quy định của pháp luật, một cá nhân hay một tổ chức chỉ bị coi là có tội khi đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nói cách khác, chỉ Tòa án mới có thẩm quyền để kết luận một cá nhân hay một tổ chức là có tội hay vô tội. Khi chưa có phán quyết cuối cùng của Tòa án thì chưa thể kết luận về một vụ án.

Nếu chiếu theo quy định này thì ở thời điểm hiện tại, chưa ai có thể đứng ra kết luận là bản hợp đồng giữa VFF và AVG đã vi phạm pháp luật, cho dù thời hạn 20 năm của bản hợp đồng này đúng là chưa từng có trong tiền lệ, cả bóng đá VN cũng như thế giới, và đây cũng là chủ đề chính khiến dư luận cũng như các ông bầu trong VPF sùng sục sôi lên quyết tâm “lập lại công đạo”.

Sau này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hay thậm chí có thể là Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, hoặc không loại trừ khả năng là cả Tòa án dân sự, sẽ có quyết định cuối cùng về tính hợp pháp của bản hợp đồng 20 năm giữa VFF và AVG, nhưng ít nhất là cho tới khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra phán quyết chính thức, các bên liên quan cần phải tôn trọng hợp đồng đã ký, như thế mới được coi là biểu hiện của sự thượng tôn pháp luật, còn đấu đá với nhau kịch liệt theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” như trong thời gian qua chỉ càng khiến vụ việc thêm rắc rối, và làm người hâm mộ phải chịu thiệt thòi.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm