Phó TGĐ VPF Phạm Phú Hòa: "V-League có thể đã chết yểu"

29/04/2013 07:31 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - “… Cổ động viên quay lưng và nhà tài trợ nói không vào phút cuối. Sự bùng nổ của cổ động viên trên các khán đài là một hiện tượng lạ, 10 năm mới có một lần và chúng tôi kỳ vọng, nó sẽ dần trở thành bản chất của V-League trong tương lai gần” - ông Phạm Phú Hòa, người phụ trách tài trợ và các vấn đề truyền thông của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), cho biết.

Từ hiện tượng

* Việc các cổ động viên kéo đến sân ngày một đông đầu mùa giải năm nay hẳn phải là thành công ngoài mong đợi với VPF, thưa ông?

- Quả thật trước khi mùa bóng 2013 diễn ra, chúng tôi không mường tượng được sự hưởng ứng nhiệt tình như thế, từ các hội cổ động viên, cũng như khán giả trung lập. Chúng ta đều biết là ban tổ chức các giải đấu gặp khó khăn như thế nào trong việc kêu gọi tài trợ, trước cuộc khủng hoảng trên diện rộng.

V-League và giải hạng Nhất tưởng chừng như đã có thể bị hoãn, cũng vì lý do tài chính. Mùa bóng 2013 đã khởi đi với sự ngờ vực như thế. Nhưng may mắn, nhà tài trợ chính Eximbank vẫn tiếp tục gắn bó và với việc kéo được ngày càng đông khán giả đến sân, chúng tôi có thêm những cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư, tài trợ vào bóng đá.



CĐV SLNA đồng hành cùng đội bóng quê hương trong chuyến làm khách tại Long An. Ảnh: Dương Thu

* Theo ông, việc cổ động viên bùng nổ trên các khán đài là do chất lượng chuyên môn của giải được nâng lên hay người hâm mộ bây giờ có quá ít những thú vui để lựa chọn?

- Theo tôi, nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ban đầu phải kể đến tính vùng miền, với tình yêu dành cho đội bóng quê hương là có thật và cổ động viên Sông Lam Nghệ An hẳn phải là những người đi đầu. Từ Nghệ An, đến Đà Nẵng và ở Đồng Nai, các khán đài luôn chật ních người hâm mộ, tạo sự phấn khích lớn.

Sự bùng nổ của các trang mạng xã hội, diễn đàn, giữ vai trò quan trọng cho việc tập hợp, đoàn viên cổ động viên lại với nhau, để hình thành văn hóa cổ vũ mang tính thống nhất, có bản sắc. Một người, một nhóm phát động và nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ...

Về chuyên môn của giải đã có những tiến triển, nhưng vẫn chưa đều. Không cần phải nói thêm về những cuộc đối đầu như SLNA – XM.V Hải Phòng, Hà Nội T&T – SLNA hay SHB Đà Nẵng – HN.T&T. Tuy nhiên, những trận đấu như SG.XT – Đồng Nai hay Đồng Tâm Long An – Thanh Hóa, chất lượng rõ ràng không cao. Tôi cho rằng, các đội bóng cũng như cầu thủ phải ý thức được trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với người hâm mộ, mới hy vọng được cổ động viên sát cánh.

* Có nghĩa là văn hóa cổ động ở Việt Nam vẫn chỉ là tự phát, chứ chưa thực sự vì bóng đá, chưa thực sự chuyên nghiệp?

- Rõ ràng là thế! Chúng ta, ở đây là các đội bóng và bản thân ban tổ chức giải đấu, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển cổ động viên, khi bóng đá Việt Nam cấp câu lạc bộ trước đây vẫn được khoán cho các ông chủ. Trong tương lai gần, tất cả sẽ phải thay đổi, phải lấy khán giả là trọng tâm cho sự phát triển.

Đến bản chất

* Theo ông, cần những yếu tố nào để cổ động viên phát triển đến tầm chuyên nghiệp, đồng bộ với sự phát triển của các giải đấu?

- Phải thay đổi cái nhìn trước đã, khi chúng ta vẫn chỉ giữ thói quen khoán trắng cho câu lạc bộ trong việc phát triển các hội cổ động viên. Hiện, VPF đang phối hợp với một số đơn vị tổ chức các chương trình khuyến khích người hâm mộ, như cuộc thi bầu chọn hội cổ động viên xuất sắc nhất tháng bằng tin nhắn di động. Theo tính toán, mỗi tháng như thế chúng tôi sẽ trao phần thưởng 20 triệu đồng cho hội xuất sắc nhất, bên cạnh danh hiệu bầu chọn theo mùa.

Từ những gói hỗ trợ tuy nhỏ như thế, các hội cổ động viên sẽ dễ dàng hơn trong việc lập các quỹ, để giúp đỡ các cổ động viên đến được với sân bóng. Những cuộc thi bên lề sân bóng như Miss SLNA cũng là rất bổ ích.

Tất nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục nâng tầm giải đấu, với các trận đấu có chất lượng, nhằm thỏa mãn nhu cầu của cổ động viên. Điều này không thể có trong ngày một ngày hai được, mà phải trải qua một chu kỳ, giai đoạn. Chỉ khi nào tạo được một sợi dây gắn kết bền vững giữa đội bóng và cổ động viên, chúng ta mới hy vọng bóng đá Việt Nam cất cánh.

* Việc quản lý các hội cổ động viên vẫn là vấn đề nhức nhối với ban tổ chức giải, khi chúng ta vẫn chưa có một bộ quy tắc ứng xử riêng, thưởng phạt phân minh?

- Như tôi đã nói, ban tổ chức vẫn đang khoán cho câu lạc bộ quản lý trực tiếp các hội cổ động viên và mỗi khi có sự cố, đội bóng, rồi ban tổ chức sân sẽ là những người đầu tiên chịu những biện pháp chế tài. Trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp đã ghi rất rõ khung hình phạt rồi.

Cũng cần phải thông cảm với ban tổ chức giải, bởi khi các hội cổ động viên chưa đạt chuẩn, kể cũng khó quản lý. Bất cứ lúc nào và ở đâu, cổ động viên cũng có thể tự nhận hoặc độc lập với thuộc sự quản lý của hội, nên án cấm cổ động viên của một đội bóng đến sân khách là khá mông lung. Việc xử phạt các đội bóng thi đấu trên sân không có khán giả vẫn là hình thức kỷ luật cao nhất, nhưng vô tình lại ảnh hưởng đến đội bóng còn lại và tất nhiên, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của trận đấu, rồi vấn đề quảng cáo, tài trợ...

* Vậy hướng giải quyết tiếp theo là gì, thưa ông, bởi tất cả đều biết nếu không có khán giả, bóng đá sẽ chết yểu?

- Bên cạnh việc cải thiện chất lượng chuyên môn của giải đấu, như tôi đã nói, thì đội ngũ trọng tài, cũng như công tác tổ chức của địa phương cũng phải được nâng tầm. Để đưa các hội cổ động viên vào quy củ, chúng tôi sẽ vẫn cần nhiều hơn sự ủng hộ của các câu lạc bộ. Chừng nào các đội bóng ý thức được rằng, cổ động viên chính là "tiền đạo" trong mô hình chuẩn của AFC (Liên đoàn bóng đá châu Á), chúng ta mới có thể hy vọng. Ban tổ chức giải sẽ cố gắng tiệm cận cổ động viên, càng gần càng tốt.

Thay lời kết

“Tôi cho rằng, các hội cổ động viên nên học hỏi phương pháp làm của Hội cổ động viên SLNA. Người hâm mộ xứ Nghệ và đội bóng của họ luôn tạo được sợi dây gắn kết, để chung lưng đấu cật trong những thời điểm khó khăn. SLNA cũng ý thức được trách nhiệm để phấn đấu, đá hay hơn, cống hiến hơn. Rất nhiều các hoạt động cộng đồng, thiện nguyện được tổ chức, song song với bóng đá, với các trận đấu và cổ động viên cảm thấy họ được trân trọng” -  sau hơn 10 năm quản lý và làm bóng đá chuyên nghiệp, ông Phạm Phú Hòa đúc kết.

“Sông Lam biết khi mô cho cạn

Đục trong, đục trong nhục vinh hỡi người”

Người Nghệ An vẫn cửa miệng câu hò xứ Nghệ, rằng “giận thì giận mà thương thì thương”. Tính cộng đồng và tinh thần địa phương của người xứ Nghệ đã trở thành một biểu tượng. Bóng đá với chúng tôi không đơn giản là một trò chơi, mà còn là một thứ văn hóa, một niềm tự hào, thậm chí còn là một tín ngưỡng. Từ hơn chục năm nay, tôi vẫn dõi theo từng bước đi của đội bóng quê hương, cảm giác luôn bồi hồi, rất khó tả” - anh Phan Trung Khánh, một cổ động viên ruột của SLNA đang sống tại TP.HCM, người từng viết bức thư gửi Văn Quyến gây nhiều dư luận cách đây vài năm - chia sẻ.

 

Tùy Phong (thực hiện)

Thể thao & Văn hóa cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm