02/03/2021 19:55 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 2/3, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an đã thông tin và khuyến cáo: những tổ chức hoạt động như sàn Forex hiện nay hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật; việc người dân đầu tư vào những sàn này rất rủi ro và pháp luật không bảo hộ.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, việc cung ứng các dịch vụ mua bán ngoại tệ hay phái sinh ngoại tệ phải do các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép tổ chức hoạt động. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho dịch vụ nào ngoài những tổ chức đã được cấp phép trước đó. Vì vậy, những tổ chức hoạt động như sàn Forex hiện nay hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật.
Phó Thống đốc Ngân hàng cảnh báo: “Với người dân, việc đầu tư tiền vào đây là rất rủi ro và pháp luật không bảo hộ cho những rủi ro đó, nên người dân phải rất thận trọng, nhất là với những mời chào hưởng phần trăm lợi nhuận cao. Đó là dấu hiệu của sự lừa đảo”.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, nhấn mạnh, Bộ Công an đã tập trung vào 3 giải pháp. Thứ nhất là kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đầy đủ về loại hình đầu tư kinh doanh của Forex, từng bước đưa loại hình đầu tư này vào khuôn khổ pháp luật. Thứ hai là tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân, nhà đầu tư không bị lôi kéo vào các loại hình đầu tư trá hình, cho vay nặng lãi, kinh doanh đa cấp,...
Trong trường hợp các cá nhân, tổ chức lợi dụng các hình thức đầu tư, kinh doanh, môi giới,... để hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi có đầy đủ chứng cứ, cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, Trịnh Xuân Thanh là "mắt xích" trong vụ án xảy tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo và dư luận xã hội quan tâm, theo dõi.
Từ ngày 15/9/2016, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can. Vụ án đã qua các quá trình kết luận điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên phạt 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và chung thân về tội "Tham ô tài sản", tổng hợp hình phạt là chung thân về 2 tội danh.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã làm rõ hành vi phạm tội và hơn 7,3 tỷ đồng đã được thu hồi nhằm khắc phục hậu quả; nhiều tài sản, tài khoản ngân hàng liên quan đến vụ án đã được kê biển, phong tỏa.
Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, để có những kết quả trên là thành tích của các đơn vị như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, cơ quan giám định,... Sau khi hoàn thành vụ án, các cơ quan chức năng đã tổng kết, họp rút kinh nghiệm, đánh giá và khen thưởng các cá nhân, tổ chức tham gia quá trình tố tụng vụ án là hết sức bình thường.
"Vừa qua, qua một số hình ảnh không rõ xuất xứ được một số cá nhân, tổ chức, đối tượng chống đối thêu dệt làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an và các cơ quan chức năng khác, làm mọi người hiểu lầm" - Thiếu tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Về vụ án Công ty TNHH Hoàn Cầu (Tập đoàn Hoàn Cầu), Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết: ngày 19/2/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì 2 lý do: Ngày 5/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu sự tương trợ tư pháp về hình sự với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ để xác minh, làm rõ một số nội dung liên quan đến vụ án; nhưng đến nay chưa có kết quả. Lý do thứ hai là chưa có bản án, quyết định công nhận của Tòa án về việc phân chia tài sản thừa kế của bà Trần Thị Hường, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tạm đình chỉ điều tra vụ án.
Xuân Tùng (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất