27/12/2017 12:47 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Trong vai trò người kinh doanh trước khi dấn thân sâu hơn khi giữ nhiều chức vụ quan trọng của bóng đá Việt Nam, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú khẳng định thương hiệu V-League luôn có giá trị rất cao chứ không như suy nghĩ bi quan của nhiều người.
Ông Trần Anh Tú vừa lên giữ chức vụ Chủ tịch và Tổng Giám đốc VPF đã ngay lập tức nhận tin không vui khi nhà tài trợ Toyota chia tay V-League. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này với Thethaovanhoa.vn, ông Trần Anh Tú cho biết: “Thực tế Toyota vẫn muốn tài trợ cho V-League nhưng lần này họ mời chào mức giá quá thấp, không tương xứng với giá trị món hàng ở đây là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nên VPF không đồng ý.
Giá 40 tỷ đồng cho hợp đồng tài trợ mỗi năm với V-League cũng không chính xác. Bản thân tôi không được phép tiết lộ. Nếu tôi nói con số đó ít quá hay nhiều quá thì đụng chạm đến nhiều người lắm và cũng khó đàm phán hợp đồng mới.
Bây giờ là thời điểm nhạy cảm nên các anh thông cảm, hãy đóng góp cho bóng đá Việt Nam bằng cách cho chúng tôi không tiết lộ gì cả vào thời điểm này. Thú thực tôi mới nhận công việc ở đây tròn 2 tuần, chỉ tiếp quản được các nhiệm vụ về tổ chức, hành chính chứ chưa làm được gì cả”.
Và việc tìm đối tác tài trợ cho bóng đá Việt Nam những mùa giải tới là ưu tiên hàng đầu của tân Chủ tịch VPF. Ông Tú cho biết: “Khi mời gọi nhà tài trợ mới cho bóng đá Việt Nam thì việc khó khăn nhất là thuyết phục đối tác chấp nhận bỏ ra mức giá cao.
Còn tài trợ thì rất nhiều nhà tài trợ muốn đầu tư qua kênh bóng đá Việt Nam. Nhà đầu tư nào cũng vậy, về mặt kinh tế họ luôn cần quảng cáo để khẳng định thương hiệu của mình là có chỗ đứng trên thị trường”.
“Giá trị V-League được đo đếm qua giá trị của món hàng đó, nếu giải đấu càng đẹp, có sức hấp dẫn với CĐV thì giá trị quảng cáo thu được sẽ càng cao, càng nhiều người muốn nhảy vào tài trợ”, ông Tú nói thêm. Về gợi ý của phóng viên rằng bầu Tú sẽ tài trợ cho giải VĐQG như cách ông đã tài trợ cho các giải U15, U17 hay giải nữ VĐQG, ông Tú nói: “Không thể có chuyện đó được. Làm như thế thì khó xem lắm, bóng đá Việt Nam mà như thế thì mất giá quá”.
Chia sẻ về giá trị thương hiệu V-League theo quan điểm chủ quan, bầu Tú đã liên hệ thực tế bản thân từ ngày làm futsal. Ông nói: “Nếu theo quan điểm của một người không phải làm kinh tế thì nhìn vào V-League họ sẽ chê, chê giải không đẹp, có đánh nhau, không hấp dẫn.
Tuy nhiên trên góc độ người làm kinh tế thì tôi sẽ suy nghĩ theo quan điểm khác. Ví dụ như thương hiệu Toyota gắn tên với giải đấu, quanh năm từ tháng 1 đến tháng 12 họ được nhắc đến hàng ngày qua các phương tiện truyền thông, thay vì bỏ tiền trực tiếp ra quảng cáo trên TV.
Người làm kinh tế chắc chắn sẽ thấy V-League là món hàng có giá trị. Việt Nam là đất nước có người dân yêu bóng đá cuồng nhiệt. Bóng đá được quan tâm sát sao mỗi ngày và sự kiện nào cũng thế, phải có yêu, có ghét thì mới thành công, gây được sự chú ý.
Bản thân tôi sau 10 năm làm bóng đá thì như bạn đã thấy rồi đấy. Ban đầu bao nhiêu khó khăn tưởng chừng sẽ gục ngã nhưng khi mình nhìn nhận đúng được vấn đề rồi thì mình sẽ làm tốt hơn. 10 năm qua CLB futsal Thái Sơn Nam từ chỗ không có HLV nước ngoài đến có 1-2 người và bây giờ là đội ngũ 6-7 người.
Rồi từ futsal, tôi tài trợ giải U15, U17 và cả giải nữ VĐQG nữa…Đội futsal thì tập huấn nước ngoài nhiều, hầu hết là tiền túi…Số tiền lớn như thế không từ kinh doanh hiệu quả ra thì tôi đâu có vẽ ra được”.
“Bài học thành công từ futsal thì tôi không dám nói sẽ áp dụng hết được cho bóng đá sân lớn mà nó là kinh nghiệm để cho mình làm trên cương vị mới. Có nhiều cái khác biệt nhưng tôi nghĩ điều thuận lợi của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bây giờ là rất nhiều CLB đang muốn thay đổi tư duy làm bóng đá theo hướng tốt lên. Đó là điều kiện tiên quyết để bóng đá Việt Nam phát triển, có giá trị hơn trong mắt mọi người”, bầu Tú khẳng định.
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất