Putin và Medvedev sắp… hoán đổi ghế

26/09/2011 11:16 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Thủ tướng Nga Vladimir Putin hôm 24/9 đã chấp nhận lời đề nghị của Tổng thống Dmitry Medvedev về việc ra tranh chức Tổng thống mới của LB Nga vào năm tới. Đổi lại, ông Putin cũng cam kết nếu đắc cử sẽ bổ nhiệm ông Medvedev đứng đầu chính phủ mới. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nga chính thức có tuyên bố xác nhận về sự "đổi ngôi" của họ, sau thời gian dài xuất hiện các đồn đoán.

Trong khuôn khổ đại hội đảng Nước Nga Thống nhất (UR) cầm quyền, Tổng thống Dmitry Medvedev đã "dọn đường" cho sự trở lại của Putin, bằng những lời lẽ ca ngợi đẹp đẽ nhất.

Một cuộc hoán đổi vị trí

"Xét tới sự thành công của đảng UR trong các cuộc bầu cử và sự sẵn sàng của tôi để làm các công việc thực tế hơn trong chính quyền, tôi nghĩ rằng sẽ là đúng đắn nếu đại hội ủng hộ việc chủ tịch đảng Vladimir Putin tranh cử vào ghế Tổng thống mới" - ông Medvedev nói.

Và ông Putin đáp lại: "Tôi muốn thể hiện sự cảm kích của mình với các đại biểu về những phản ứng tích cực với đề nghị (của Medvedev) rằng tôi sẽ tranh cử vào ghế Tổng thống. Đó là một niềm vinh hạnh lớn với tôi. Xin cảm ơn, tôi hy vọng sẽ có sự ủng hộ từ các quý vị".

Lần trở lại này vô cùng thuận lợi với Putin. Quốc hội Nga đã bỏ phiếu để kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống từ 4 năm lên 6 năm. Điều đó có nghĩa nếu đắc cử, ông Putin vẫn có quyền tranh cử tiếp vào năm 2018 và cầm quyền cho tới tận năm 2024.

Medvedev (phải) và Putin, bộ đôi quyền lực chưa có đối thủ của nước Nga

Sự vươn lên của người đàn ông thép

Vladimir Vladimirovich Putin sinh ngày 7/10/1952 ở Leningrad, hiện là St Petersburg, trong một gia đình lao động. Khi còn nhỏ, Putin thích theo học các lớp dạy võ judo và đã mơ về việc gia nhập lực lượng tình báo KGB của Liên Xô (cũ).

Lớn lên, ông theo học khoa Luật, Đại học St Petersburg và thực hiện được ước mơ khi trở thành nhân viên KGB vào năm 1975.

Trong khoảng thời gian từ năm 1985 - 1990, Putin là điệp viên hoạt động tại vùng Dresden, Đông Đức. Chính trong thời gian này, Putin đã có cơ hội chứng kiến tận mắt sự sụp đổ của Liên Xô và sự kiện đã có tác động dai dẳng tới ông. Putin kể lại sau này rằng ông cố liên lạc để xin chỉ thị từ Moskva vào năm 1989, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. "Tôi có cảm giác đất nước không còn tồn tại" - Putin viết trong một cuốn sách xuất bản hồi năm 2000 - "Liên Xô ốm nặng. Đó là căn bệnh chết người, không thể chữa được, mang tên: bệnh liệt. Tê liệt quyền lực".

Putin rời Đức sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin và trở lại quê nhà, nơi ông làm việc cho Thị trưởng Anatoly Sobchak. Từ đây ông thăng tiến khá nhanh. Sau khi ông Sobchak mất ghế vào năm 1996, Putin được Bộ trưởng Tài chính tương lai Alexei Kudrin giúp cho một chỗ làm ở Kremlin. Trong 6 tháng kể từ khi đến Moskva, ông đã trở thành Phó Chánh văn phòng Tổng thống. Tới năm 1998, ông đã được xem là một trong những chính trị gia quyền lực nhất ở Kremlin.

Cùng năm đó, Tổng thống Boris Yeltsin chỉ định Putin là lãnh đạo Lực lượng An ninh Liên bang (FSB), cơ quan kế tục sự nghiệp của KGB. Tới tháng 3/1999, ông trở thành thư ký Hội đồng An ninh của Tổng thống.

Putin lần đầu ngồi vào ghế Thủ tướng hồi tháng 8/1999 và đã mở một cuộc chiến chống lại quân phiến loạn Chechnya khiến tỉ lệ ủng hộ ủng hộ ông tăng lên. Tháng 12/1999, ông Yeltsin đột ngột từ chức, khiến Putin trở thành quyền Tổng thống. Tới tháng 3//2000, Putin chính thức được bầu làm Tổng thống, với tỉ lệ ủng hộ chỉ vỏn vẹn 53%, bởi cử tri còn nghi ngờ năng lực lãnh đạo của ông. Nhưng khi tái đắc cử lần 2 hồi tháng 3/2004, tỉ lệ ủng hộ đã tăng lên tới 71,3 %.

Nhiều người Nga xem Putin là một chính trị gia mạnh mẽ, quyết đoán, mẫu người cần thiết với đất nước vốn nhiều nạn tham nhũng, tình trạng Hồi giáo phiến loạn vẫn chưa giải quyết triệt để và một sự bất bình đẳng về kinh tế diễn ra vẫn còn lớn.

Liệu có lặp lại kỳ tích?

Ông là người có công chấm dứt sự hỗn loạn của nước Nga thời hậu Xô Viết và giúp tạo ra cuộc bùng nổ kinh tế dài nhất. Dưới thời ông, GDP của nước Nga đã tăng từ 200 tỉ USD trong năm 1999 lên 1,5 ngàn tỉ USD trong năm 2008 và thu nhập bình quân đầu người tăng 10 lần, từ 1.500 rúp lên 15.000 rúp. Đời sống của rất nhiều người Nga được cải thiện rõ rệt.

Về mặt đối ngoại, Putin đã cải thiện bầu không khí với Mỹ, xây dựng mối bang giao tốt với các nước lớn trong Liên minh châu Âu như Đức, Italia, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, dù thi thoảng quan hệ có sóng gió.

Sự trở lại của Putin, vì thế, được một bộ phận lớn nhân dân Nga chào đón. Nhưng giới phân tích nói rằng quan hệ của Nga và phương Tây, vốn đã bớt căng thẳng dưới thời ông Medvedev, có thể nóng bỏng trở lại, đặc biệt khi người Mỹ vẫn nuôi ý định xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu.

Ngoài ra ông Putin sẽ phải quan tâm nhiều hơn tới việc đẩy mạnh cải cách kinh tế, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư từ nước ngoài chảy tới Nga đã giảm đi khá nhiều. Được biết khi phát biểu trong Đại hội Đảng UR, ông Putin đã nói rằng tốc độ tăng trưởng của Nga có thể trở lại mức từ 6-7%, thay vì 4% như dự kiến của năm nay. Ông cũng cam kết sẽ tăng lương, phúc lợi và chi tiêu thêm nhiều tiền ngân sách vào hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường sức mạnh quốc phòng.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm