Cảm xúc Tết Việt của bạn bè quốc tế

31/01/2014 08:52 GMT+7 | Trong nước



(Thethaovanhoa.vn) - Tết cổ truyền có ý nghĩa sâu sắc gắn với bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Với bạn bè quốc tế có mặt tại Việt Nam trong dịp Tết, bản sắc Tết Việt đã mang đến cho họ những cảm xúc thật thú vị...

Trong không khí xuân ngập tràn khắp phố phường Hà Nội, chúng tôi có dịp gặp gỡ Saymay Inthavong, lưu học sinh Lào đang học tập tại Hà Nội, anh chia sẻ: Từng học tập 4 năm tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, sau đó về nước một năm công tác và năm nay quay lại trường tiếp tục học chương trình cao học. Cảm nhận về Tết ở Việt Nam mang ý nghĩa sum vầy, đằm thắm, còn Tết ở Lào thì vui nhộn, sôi động.

Anh cho biết, Tết Lào diễn ra sau Tết Nguyên đán của Việt Nam khoảng 4 tháng với những phong tục như: Té nước, xây tháp cát, phóng sinh, thắt chỉ cổ tay… Điểm chung của những dịp này là mỗi gia đình, mỗi người đều cầu mong năm mới những điều tốt lành và thành công hơn năm cũ.

"Mình ăn Tết Nguyên đán ở Việt Nam được 4 lần, nhưng mỗi năm mình đều có một cảm xúc khác nhau, bởi vì có năm đón Tết tại trường đại học, có năm ăn Tết tại Đại sứ quán Lào tổ chức. Năm đầu sang Việt Nam, mình được thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp Tết như mứt, bánh chưng, thịt đông, dưa, hành… Mình rất thích thú với điều này. Đặc biệt dịp Tết của Việt Nam rất thú vị là mình được nhận tiền mừng tuổi. Mình nhớ nhất là lần ở lại ăn Tết cùng các bạn tại trường rồi mọi người rủ nhau đi chùa lễ Phật, thắp hương… Mình mong chờ những điều thú vị và bất ngờ sẽ đến khi ở Việt Nam ăn Tết năm nay” -Saymay Inthavong bày tỏ.

Du khách nước ngoài thích thú với không khí Tết Việt Nam

Anh Morishima Hiroki (24 tuổi), người Nhật Bản chia sẻ: "Năm nay là năm đầu tiên mình được ăn Tết ở Việt Nam, nhưng trước đó mình đã tìm hiểu rất nhiều về phong tục, tập quán của đất nước hình chữ S thông qua sách, báo và Internet. Mình được biết Tết cổ truyền ở Việt Nam rất ấm cúng, mang ý nghĩa đoàn tụ, sum vầy và hết sức độc đáo. Mình rất háo hức để được tận hưởng không khí Tết của các gia đình và không khí Tết trên các đường phố tại Hà Nội. Có một người Việt Nam đã khuyên mình đi đón giao thừa bởi trong đêm giao thừa Hà Nội sẽ trở nên lung linh, huyền ảo hơn bao giờ hết, đặc biệt là màn bắn pháo hoa lúc giao thừa, hàng nghìn người đứng quanh Hồ Tây sẽ reo vang "Chúc mừng năm mới".

Còn ông Makishi (60 tuổi), quốc tịch Nhật Bản hồ hởi bày tỏ: "Năm nay là lần thứ 5 tôi ăn Tết ở Việt Nam, mỗi tỉnh đều có phong tục đón chào năm mới khác nhau, nên năm nay tôi ăn Tết ở Đà Lạt. Tôi rất thích tận hưởng không khí Tết ở Việt Nam, được chứng kiến các gia đình gói bánh chưng, luộc bánh suốt đêm đến sáng. Đặc biệt là nhìn vẻ mặt háo hức của những trẻ em khi bố mẹ vớt những chiếc bánh chưng xanh thơm phức của gạo nếp, thịt và đậu xanh".

Ông Makishi tâm sự: "Ở Nhật Bản khi chuẩn bị đón Tết, mọi người thường trang trí cây nêu ở trước cửa nhà. Những người xa nhà do công việc, học tập, công tác cũng tập trung về cùng gia đình, người thân đón chào năm mới. Trong nhà, ngoài ngõ cũng được trang trí rất đẹp, cũng nấu các món ăn cho dịp Tết và nghe tiếng chuông chùa vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ bước sang năm mới. Vào ngày đầu năm mới, người Nhật thường đi đền, chùa để cầu chúc cho một năm hạnh phúc".

Ông Makishi chia sẻ: "Có năm tôi ăn Tết cùng gia đình người Việt Nam, vào lúc giao thừa, họ thắp hương cho tổ tiên, sau đó là mừng tuổi cho trẻ con, với những khuôn mặt rạng ngời khi nhận được tiền mừng tuổi, bọn trẻ như lớn dần lên chỉ trong chốc lát. Sau đó, chúng tôi cùng ăn, uống rượu với gia đình và những người thân. Trong dịp Tết, mọi người tụ tập để cùng nhau ăn uống, nên tôi thấy phụ nữ Việt Nam khá vất vả trong những dịp Tết".

Shafinskaya Natalia, 27 tuổi, quốc tịch Nga, đang công tác tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội cảm nhận: "Tôi đã ở Việt Nam được 5 năm và đã đón Tết được 5 lần. Mỗi dịp Tết đến tôi thường chuẩn bị các món ăn Việt Nam và cả các món ăn Nga. Trong số các món ăn có thể kể đến như bánh chưng, xôi, thịt đông, mứt, thịt bò khô...Đây là các món mà tôi rất thích. Tết ở Việt Nam và ở Nga thì không thể so sánh vì nền văn hóa của hai đất nước khác nhau, nhưng có một đặc điểm chung là mọi người đều chuẩn bị quà cho nhau và đón năm mới cùng gia đình. Tôi rất thích đón Tết ở Việt Nam vì tôi đã ở Việt Nam lâu và coi trọng văn hóa Việt Nam. Tôi rất thích không khí trước Tết ở Việt Nam , thích sự tất bật mua sắm của mọi người. Mọi người thường sắm đào, quất cho gia đình. Ngày Tết cũng là dịp để mọi người về quê thăm họ hàng, chúc nhau những điều tốt đẹp".

Thanh Hải

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm