12/04/2023 05:10 GMT+7 | SEA Games 32
Là một người có thâm niên công tác trong ngành thể thao với rất nhiều vai trò và vị trí quản lý khác nhau, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại nhiều Đại hội thể thao châu lục và khu vực, chia sẻ cùng độc giả của TT&VH những nhận định về SEA Games 32.
Chỉ tiêu huy chương SEA Games 32 phải được dựa trên thực tế
* Thể thao & Văn hóa: Thưa ông, 1 năm trước ở SEA Games 31, đoàn TTVN đã xuất sắc đứng đầu toàn đoàn rất thuyết phục. Tuy nhiên, với nhận định về một kỳ SEA Games 32 có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã đặt ra chỉ tiêu có 90-120 HCV và có mặt trong 3 vị trí dẫn đầu. Xin ông cho biết nhận định của mình về chỉ tiêu này?
- Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước hết, chỉ tiêu của cả đoàn TTVN phải căn cứ vào chỉ tiêu của từng đội tuyển, từng môn, bộ môn tham gia vào đó. Chỉ tiêu của từng đội tuyển thể thao, từng môn tham gia là do BHL, HLV trưởng xây dựng. Khi xây dựng chỉ tiêu, người căn cứ vào 3 yếu tố sau đây:
Một là, trình độ các VĐV của chúng ta cũng như trình độ của VĐV các nước tham gia cùng chúng ta. Người ta phải phân tích trình độ của đối thủ để xem khả năng giành huy chương vàng, bạc, đồng rồi tính toán thi đấu với họ. Nghĩa là chúng ta phải căn cứ vào "ta và địch" để "biết mình biết người".
Căn cứ thứ hai để đề ra chỉ tiêu là dựa vào số môn và nội dung mà BTC đưa vào chương trình thi đấu. Các môn đó nếu là nhiều môn thế mạnh của ta thì ta thuận lợi, còn nếu họ gạt các nội dung thế mạnh của ta, họ đưa nội dung của họ vào thì chúng ta sẽ bị hạn chế, gặp khó khăn. Như vậy, mọi thứ phụ thuộc nhiều vào số môn, nội dung thi đấu mà nước chủ nhà đặt ra.
Yếu tố thứ ba là tình hình thực tế, công tác tổ chức của sự kiện cũng như "thái độ" của nước chủ nhà. Nước chủ nhà có fair-play hay không?. Nếu họ không fair-play thì kể cả trọng tài cũng là yếu tố phải tính đến, khán giả cũng phải được tính đến. Cùng với đó, cơ sở vật chất, điều kiện sân bãi, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ thi đấu rồi kể cả phương tiện, giao thông đi lại cũng là tổng hòa các yếu tố phải tính đến.
Tất cả những yếu tố về "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" đó đều phải tính toán nghiêm túc, cặn kẽ. Dựa trên cơ sở đó mới đặt ra chỉ tiêu của TTVN tại mỗi kỳ SEA Games. Như thế, chúng ta thấy rằng việc đặt ra chỉ tiêu là căn cứ vào bối cảnh thực tế của giải đấu đó.
Trên cơ sở đó các HLV trưởng bộ môn sẽ báo cáo lãnh đạo đoàn TTVN, trưởng đoàn TTVN tổng hợp chi tiêu của các đội lại và báo cáo lãnh đạo cao hơn. Vì vậy, việc xây dựng chỉ tiêu là việc của các nhà chuyên môn, các HLV chứ không phải của các nhà lãnh đạo cấp cao ngành thể thao.
Các nhà lãnh đạo cấp cao thể thao khó nắm bắt được những vấn đề cụ thể, chi li ở từng bộ môn, đội tuyển như tôi vừa nói. Cho nên, họ không thể sử dụng tư duy chủ quan của mình để yêu cầu cấp dưới thực hiện chỉ tiêu.
Cũng cần nói thêm rằng, chủ nhà Campuchia đã đưa những môn thuộc về khái niệm "không phổ biến". Hơn thế, họ đưa ra điều kiện chỉ nước chủ nhà đăng ký 100% nội dung, còn các nước khác chỉ được đăng ký 70% thôi. Đây là điều chưa hề có trong một kỳ SEA Games nào cả.
Vậy nên, cũng không thể căn cứ rằng SEA Games 31, TTVN đứng đầu với 205 HCV để yêu cầu bây giờ lại phải đứng thứ nhất. Chính vì vậy, tôi cho rằng chỉ tiêu đoàn TTVN đặt ra là phấn đấu trong Top 3 bảng xếp hạng toàn đoàn tại SEA Games 32 là hợp lý. Còn nếu yêu cầu phải đứng thứ nhất là không có cơ sở và căn cứ.
Chú trọng các môn ASIAD, Olympic
* Trên cơ sở đó, ông kỳ vọng gì về thành tích của đoàn TTVN tại SEA Games này? Kỳ vọng ở đây ngoài việc giành được huy chương thì thành tích, thông số của những tấm huy chương đó phải tiệm cận với đấu trường cao hơn như ASIAD hay có suất tham dự Olympic?
- Trong chừng 20 năm qua, nhất là sau SEA Games 22 năm 2003 giành vị trí thứ nhất toàn đoàn, tôi đã đề nghị TTVN trên cơ sở của SEA Games phải tập trung phát triển những môn thể thao trong chương trình Olympic. Phải nâng cao trình độ của các môn thể thao này để tiến dần lên châu lục và cố gắng phấn đấu một số nội dung ở đấu trường Olympic.
Muốn làm được như thế thì không nên phụ thuộc vào chỉ tiêu phải nhất, nhì ở SEA Games gì cả. SEA Games luôn có mặt trái như tôi nói ở trên mà cứ phấn đấu nhất, nhì nghĩa là phải tham gia thi nhiều môn, thi nhiều nội dung. Có những môn, những nội dung chỉ tổ chức ở một kỳ Đại hội thôi, các kỳ sau không có, do đó nó phân tán lực lượng của chúng ta. TTVN cần phải tập trung vào các môn thể thao Olympic và nâng cao trình độ cho các VĐV lên đấu trường châu lục và thế giới, ít nhất là ở một số nội dung cơ bản.
TTVN cần phấn đấu những môn trong chương trình Olympic, nhất là những môn truyền thống như điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ, bóng bàn, bóng chuyền, đua thuyền, bóng đá… Nếu như các VĐV Việt Nam đều chiến thắng ở những môn đó, trình độ đạt đến tầm châu lục, chắc chắn nền thể thao nước ta đã có được sức mạnh và một bộ mặt hoàn toàn khác.
Lâu nay, tôi vẫn kêu gọi TTVN không nên phụ thuộc vào SEA Games mà phải tính toán đầu tư mạnh mẽ cho các môn Olympic. Chúng ta không cần tham gia các môn lạ, các môn mà cứ đến lượt nước này đăng cai thì đưa vào rồi đến kỳ SEA Games khác lại không có nữa.
Thể thao Việt Nam phải kiên trì về chủ trương, được đầu tư nhất quán, đúng hướng. Chúng ta phải chấp nhận có thể ít HCV ở SEA Games để sớm cải thiện thành tích ở ASIAD, Olympic.
TTVN phải hướng đến những tiêu chí, yêu cầu cốt lõi đó chứ không phải năm này tham gia môn đánh bài, năm khác thi môn lạ lẫm nào đó rồi bây giờ đến Campuchia lại thi môn truyền thống của họ. Tất cả điều đó sẽ cản trở quá trình phát triển. Nếu như chúng ta không lệ thuộc vào chuyện đứng nhất, nhì, ba mà chúng ta chiến thắng ở các môn thể thao Olympic sẽ rất quan trọng, cần thiết cho TTVN.
Phải thay đổi chiến lược phát triển thể thao nước nhà
* Theo ông, thể thao nước nhà cần hoạch định chiến lược phát triển thế nào trong thời gian tới?
- Có rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết như là tổ chức bộ máy của ngành; như là xã hội hóa thể thao thành tích cao; hiện đại hóa các phương tiện tập luyện và chăm sóc VĐV ở các trung tâm thể thao cấp cao nước nhà; vấn đề y học thể thao, chăm sóc, chữa trị chấn thương cho VĐV; chống sử dụng thuốc kích thích trong thể thao…
Rõ ràng trong chiến lược phát triển cần xác định lại mục tiêu của TTVN là đặt vào đâu, chỗ nào? Đó là câu chuyện tồn tại suốt 15-20 năm qua. Phải xác định lại mục tiêu là cố gắng tập trung phát triển, nâng cao trình độ cho các môn thể thao trong chương trình Olympic.
Tất nhiên không phải tất cả 28-30 môn Olympic mà chúng ta sẽ phải lựa chọn một số môn truyền thống, cơ bản để đầu tư trọng điểm, kiên trì, tập trung cao độ. Nếu còn tiếp tục do dự trong quan điểm phát triển hoặc lấn cấn các chỉ tiêu SEA Games thì TTVN sẽ chậm phát triển.
Cùng với đó, kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào thể thao. Thực tế cho thấy bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào có được sự góp sức đầu tư của nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đều mang lại kết quả xứng tầm. Thể thao cũng vậy thôi, nhất thiết phải xã hội hóa sâu rộng theo đúng xu thế quốc tế hiện nay.
* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất