04/08/2021 08:39 GMT+7 | Olympic 2021
(Thethaovanhoa.vn) - Việc trắng tay rời Olympic Tokyo và nhiều VĐV không đáp ứng được kỳ vọng về thành tích chuyên môn đặt ra nhiều vấn đề cho thể thao Việt Nam (TTVN) trước mục tiêu chinh phục sân chơi lớn của thể thao thế giới. Đã đến lúc, cần có sự thay đổi tư duy và cách làm thì thể thao nước nhà mới có hi vọng tranh chấp một cách sòng phẳng ở môn số môn trong các chu kỳ tiếp theo.
* Rất nhiều cuộc thi đấu của TTVN tại Olympic Tokyo không đáp ứng được yêu cầu là vượt qua chính mình hay cao hơn là giành huy chương. Theo ông, điều này bắt nguồn từ những nguyên nhân nào?
- Trước hết, chúng ta cần phải nhìn nhận, Olympic là một đấu trường cực kỳ khắc nghiệt, quy tụ toàn bộ những VĐV xuất sắc nhất của thế giới và các châu lục đến tham gia thi đấu, khác xa với các cuộc thi đấu ở ASIAD hay SEA Games. Vậy nên, đến được với Olympic bằng cách đạt chuẩn hay giành suất chính thức đã khó, để giành được thành tích cao còn khó hơn.
Không thể đòi hỏi các VĐV phải có thành tích tốt, nếu như họ không có được sự chuẩn bị tương xứng với quy mô và tầm vóc của các cuộc thi đấu tại Olympic. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất, TTVN đã tổ chức thực hiện như thế nào cho mục tiêu tranh tài ở đấu trường này?
Từ trước tới nay, chinh phục và giành huy chương Olympic không phải ưu tiên hàng đầu, dẫn đến sự đầu tư hạn chế và trình độ VĐV thấp hơn mặt bằng ở Olympic. Chưa nói đến tác động từ khách quan như dịch bệnh, không thể đòi hỏi phải có thành tích tốt với xuất phát điểm như vậy.
* Để giành được 1 tấm huy chương Olympic đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, trong khi việc đầu tư cho TTVN là bài toán rất nan giải, vì nguồn lực từ ngân sách nhà nước chỉ có giới hạn. Giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Những năm gần đây, sự quan tâm và đầu tư cho thể thao, nâng cao đời sống cho VĐV, HLV đã từng bước được cải thiện, nhưng chắc chắn, không có nguồn ngân sách nào có thể đáp ứng được mọi yêu cầu. Cách giải quyết khó khăn về kinh phí là phải xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Cách làm này là con đường duy nhất và đã thành công ở môn bóng đá.
Tất nhiên, không phải môn nào cũng hấp dẫn như bóng đá để mà kêu gọi nhưng trước tiên, cần mạnh dạn trao quyền cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, còn cơ quan quản lý nhà nước tạo cơ chế và đòn bẩy thuận lợi để họ tự chủ trong hoạt động. Luật Thể dục, thể thao đã cho phép điều đó nhưng thực hiện chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt.
Ngoài ra, cần tính toán và điều chỉnh lại mức đầu tư, phát triển các môn và chiến lược phát triển thể thao thành tích cao. TTVN có thực sự nhất thiết phải thường xuyên đứng vị trí thứ 3 ở SEA Games không? Năm nào có SEA Games thì dồn toàn lực vào đó và gần như không còn nguồn lực để bồi dưỡng, chăm sóc cho VĐV thi đấu ASIAD hay Olympic và đào tạo VĐV kế cận.
* Sau cuộc thi đấu tại Olympic Tokyo, Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn cũng đã đề cập tới vấn đề cần điều chỉnh quan điểm về đầu tư phát triển thể thao thành tích cao để giành thành tích tốt hơn ở các kỳ Olympic tới, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
- Nếu TTVN đặt nặng vấn đề phải thường xuyên đứng trong Top 3 ở SEA Games thì không còn nguồn lực để đầu tư cho Olympic hay ASIAD. Vì chương trình thi đấu SEA Games thay đổi rất lớn sau chu kỳ 2 năm, nếu muốn có thứ hạng cao thì phải đầu tư nhiều môn và cứ chạy theo như vậy thì không ổn. Còn thành tích ở SEA Games có khoảng cách như thế nào với Olympic và ASIAD thì tất cả đều rõ rồi.
Tôi vẫn tán thành quan điểm, SEA Games là cơ sở đầu tiên để sàng lọc VĐV cho ASIAD và Olympic, từ đó chúng ta tìm ra mũi nhọn để chăm sóc. Kể từ năm 2015, TTVN đã đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn nhưng thực tế SEA Games vẫn chiếm một khoản kinh phí khá lớn. Vậy nên, cần tính toán, sàng lọc kỹ lưỡng hơn nữa để tiết kiệm được nguồn lực, dành cho mục tiêu tranh chấp ở ASIAD và Olympic.
Cần nhớ rằng, để có được 1 tấm huy chương Olympic đòi hỏi quá trình bền bỉ và tốn kém. Như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lúc giành HCV là 23 năm cầm súng, hay Hoàng Anh Tuấn mất 15 năm tập luyện thi đấu mới giành được HCB, các VĐV khác giành huy chương trước đó cũng thế. Nếu không làm bài bản, chặt chẽ và đầu tư xứng tầm, không thể có được huy chương Olympic và cần phải làm càng sớm càng tốt.
* Là người gắn bó nhiều năm với TTVN trên nhiều cương vị khác nhau, ông muốn chia sẻ điều gì ở thời điểm hiện tại?
- Tôi vẫn còn nhớ, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về Thể dục, thể thao đến năm 2020 đã chỉ rõ những nguyên nhân làm cho thành tích thể thao chưa bền vững. Trong đó, có thể kể đến nguyên nhân do sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác thể dục, thể thao ở một số địa phương và ngành chưa đầy đủ, nhiều nơi còn coi nhẹ. Hệ thống tổ chức ngành thể dục, thể thao chưa ổn định, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và khoa học, công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý nhà nước về thể dục, thể thao chậm đổi mới. Ðầu tư và huy động các nguồn lực từ cộng đồng cho thể dục, thể thao còn hạn chế…
Trên thực tế vì các lý do khác nhau, trong đó có việc sáp nhập ngành thể thao vào bộ đa ngành nên việc tổ chức thực hiện chưa đạt được kết quả cao nhất. Giờ đây, chúng ta phải tiếp tục khắc phục và thực hiện cho phù hợp. Ngành thể thao cần có đề xuất cụ thể và phối hợp cùng với các cơ quan quản lý nhà nước cấp cao hơn để kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, thực hiện đồng bộ từ cấp cơ sở, địa phương đến trung ương để tạo sự ổn định và sức bật cho nền thể thao nước nhà.
Ông Trần Đức Phấn - Trưởng đoàn TTVN dự Olympic Tokyo: "Khoảng cách trình độ của TTVN với Olympic rất xa" Đến với Olympic, mục tiêu đặt ra là từng nội dung phấn đấu vượt qua chính mình, tuy nhiên, trên cơ sở thực trạng về thành tích của các VĐV, đoàn TTVN chưa đạt được thành tích như mong muốn, kể cả mục tiêu tranh chấp huy chương. Do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên có những nội dung VĐV thi đấu đạt được mục tiêu đề ra, có một số nội dung VĐV thi đấu chưa đạt được, thậm chí là thấp hơn thành tích mà VĐV đã đạt được. Phải khẳng định rằng Olympic là đấu trường rất khó khăn với TTVN. Không phải các môn, các VĐV của chúng ta đến Olympic để tranh chấp huy chương, mà chỉ có số lượng rất nhỏ môn, nội dung và VĐV có khả năng tranh chấp. Những tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh hay một số huy chương khác trước đó, là điểm sáng cho thấy hiệu quả của quá trình đầu tư từ trước. 18 suất tham dự Olympic đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của TTVN tại Olympic và cho thấy, khoảng cách của TTVN với đấu trường Olympic vẫn còn xa. Tuy nhiên, việc giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, VĐV của TTVN sẽ đến tham dự Olympic với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương. Thời gian qua, sau kết quả thi đấu chưa thành công của một số VĐV, các cơ quan báo chí cũng như một số chuyên gia trong lĩnh vực thể thao đã góp ý, phân tích, đánh giá về vấn đề này, đoàn TTVN xin cảm ơn, ghi nhận những ý kiến đóng góp vì mục tiêu chung và sự phát triển của TTVN. |
Vũ Lê (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất