09/05/2016 12:05 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - “Nếu không cổ phần hóa thì chỉ còn nước phải kéo nhau xuống Hồ Tây tự sát”. Tổng Giám đốc Hãng Phim Truyện Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên trong buổi gặp gỡ với báo chí để nói cho rõ về số phận hãng phim từng là cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh.
Ở cái tình cảnh bần cùng, cơ sở vật chất xuống cấp, đội ngũ tứ tán, thương hiệu bị tổn hại, mà có người mua đáng lẽ ra nghệ sĩ phải mừng chứ, sao họ lại cứ làm um cả lên?
Nghệ sĩ chắc chắn biết họ có làm như vậy thì hãng này vẫn bị bán thôi, nhưng họ cho rằng một hãng phim truyện lâu đời, đầy thành tích không nên bị đối xử “bạc” như vậy. Ai dám đảm bảo việc “ông chủ” chuyên kinh doanh vận tải thủy sẽ tiếp tục sản xuất phim?
Nghệ sĩ “cay” cũng phải thôi, nhưng đành bất lực rồi. Vì cái thời Hãng Phim Truyện Việt Nam còn giá trị đã qua từ lâu.
Năm 2003, khi nhà nước chủ trương cổ phần hóa, không hãng phim nhà nước nào làm nổi, vì đã quen thói bao cấp. Mãi đến năm 2009, mới có Hãng Phim Truyện 1 tiến hành cổ phần hóa nhưng làm theo kiểu bình mới rượu cũ, khi nhà nước vẫn chiếm tối đa cổ phần, vẫn bộ máy cũ, tư duy cũ, nên không trụ nổi với kinh tế thị trường.
Thời đó, đã từng có công ty tư nhân kinh doanh điện ảnh đặt vấn đề mua Hãng Phim Truyện 1, nhưng vì nhà nước vẫn muốn giữ đa số cổ phần nên họ rút lui. Và bây giờ họ đã trở thành một công ty truyền thông, giải trí và nghệ thuật lớn mạnh tại Việt Nam. Nếu như để công ty tư nhân này mua, chắc chắn số phận Hãng Phim Truyện 1 bây giờ sẽ khác.
Thời đó Hãng Phim Truyện Việt Nam, đàn anh của Hãng Phim Truyện 1 đương nhiên còn có giá hơn. Nhưng khổ nỗi vì hãng này lớn quá, danh tiếng cũng cao quá nên thành ra người ta cứ duy trì theo kiểu “bà để bà ngửi chứ bà không ăn”. Thời gian cứ trôi qua, mà thị trường có bao giờ đợi ai đâu. Cái sự “nhân đạo” cho Hãng Phim Truyện Việt Nam kéo dài thời gian cổ phần hóa giờ hóa ra lại thành... tự sát.
Bộ VH,TT&DL cho biết đã yêu cầu công ty mua Hãng Phim Truyện Việt Nam phải cam kết thực hiện đúng chức năng sản xuất phim. Tuy nhiên, ai mà chẳng biết người nắm giữ 65% cổ phần mới là người quyết định đường hướng kinh doanh.
Nếu họ nói kinh doanh điện ảnh thua lỗ buộc phải chuyển hướng sang kinh doanh nhà hàng chẳng hạn, thì lúc đó cam kết nói trên cũng chẳng có ý nghĩa gì. Vì để tránh cho công ty không phá sản, thì doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp kinh doanh phù hợp với khả năng của họ, điều này được luật pháp bảo hộ.
Những người có kinh nghiệm về cổ phần hóa ở Việt Nam còn lạ gì. Sau khi cổ phần hóa rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đã mất nghề gốc và bị biến thành một công ty hoàn toàn mới. Liệu Hãng Phim Truyện Việt Nam có thể tránh được vết xe này?
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất