Báo Thể thao & Văn hóa từ Espana 82...: Một cú "Song kiếm hợp bích" hoàn hảo

19/08/2022 06:42 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - FIFA World Cup Espana 82 không chỉ đánh dấu mốc cho sự ra đời của Thể thao & Văn hóa mà cùng với bước tiến của truyền hình đã mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực báo chí thể thao nước nhà bằng một cú “Song kiếm hợp bích” hoàn hảo.

1. Sự cuồng nhiệt với bóng đá thì chẳng cần chờ đến lúc này, với người Việt có lẽ đã ăn vào máu kể từ ngày trái bóng tròn du nhập rồi lăn trên mảnh đất hình chữ S. Thập niên 80 của thế kỷ trước cũng chẳng là ngoại lệ, cho dù lúc đó, đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh với bộn bề gian khó. Thời bao cấp ấy, đời sống của người dân hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng tình yêu dành cho bóng đá thì chẳng hề phai nhạt.

Thập niên 80 đánh dấu sự ra đời của giải bóng đá vô địch quốc gia đầu tiên của Việt Nam với cái tên A1 toàn quốc, hệ thống các giải thể thao trong nước dần hồi phục với sự góp mặt của các tuyển thủ tới từ 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong lĩnh vực báo chí, ngoài tờ báo chuyên ngành của ngành thể thao, thông tin thể thao dần tăng và đóng vai trò quan trọng trong mọi loại hình, từ báo giấy truyền thống đến phát thanh và cả mảng truyền hình còn non trẻ.

Dù vậy thì thời hậu chiến với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp kèm theo lạm phát tăng cao, trong bối cảnh vẫn bị bao vây cấm vận, thông tin thể thao vẫn là hết sức ít ỏi, đặc biệt là thông tin thể thao, bóng đá quốc tế.

Theo thế hệ đi trước, thì năm 1973 bóng đá trong nước mới được tường thuật trực tiếp trên đài phát thanh. Tới FIFA World Cup Argentina 1978 lần đầu tiên, các trận đấu của giải vô địch bóng đá thế giới mới được phát trên sóng truyền hình quốc gia, dĩ nhiên là “đồ nguội”, mà theo những bình luận viên kỳ cựu thời đầu các ông Trần Tiến Đức, Vũ Huy Hùng kể lại, là nhờ 1 nhóm phóng viên sang Prague (Tiệp Khắc cũ) thu băng rồi gửi về Việt Nam phát chậm tới.... 1 tuần! Còn 1 sự kiện thể thao quốc tế được truyền hình trực tiếp thì phải tới năm 1980 khi Olympic Moskva được tổ chức ở Liên Xô (cũ) cùng hệ thống Đài Hoa Sen cũng do Liên Xô giúp đỡ....

Chú thích ảnh
Một quầy bán bán ở Hà Nội vào thập niên 80 thế kỷ trước và bìa 1 của Tin nhanh Espana 82 của TTXVN

2 ... Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 1982 khi FIFA World Cup lần thứ 12 được tổ chức tại Tây Ban Nha với cái tên gọi tắt Espana 82! Sự thay đổi lịch sử với 1 cú “Song kiếm hợp bích” ngoạn mục của làng báo chí nước nhà.

Với truyền hình, đây là lần đầu tiên các trận đấu World Cup được tường thuật trực tiếp. Về kỹ thuật thì vẫn nhờ hệ thống Đài Hoa Sen và đặc biệt là sự có mặt của đội Liên Xô là một trong những ứng viên vô địch và vào thời điểm này tập hợp được những tài năng xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Xô-viết vốn đã quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam như thủ môn Rinat Dasayev; trung vệ Aleksandr Chivadze; Vagiz Khidiyatullin... và cả Oleg Blokhin, chân sút giành Quả bóng Vàng châu Âu năm 1975.

Espana 82 có 24 đội tham dự, đá tổng cộng 52 trận, dĩ nhiên, số trận được tường thuật trực tiếp ở Việt Nam không nhiều đến thế, mà theo những người làm truyền hình khi đó, thu được sóng trực tiếp từ Đài Hoa Sen trận nào thì phát trận đó với câu nói quen thuộc: “Nếu không có gì thay đổi và điều kiện kỹ thuật cho phép, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp trận đấu giữa 2 đội...”. Đó là chưa kể, đội tuyển Liên Xô bị loại từ vòng bảng thứ 2 nên số trận trực tiếp cũng ít hẳn, nhưng dù sao thì Espana 82 cũng đóng dấu mốc lịch sử - Người Việt lần đầu được xem trực tiếp FIFA World Cup - Món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi fan hâm mộ cho tới tận hôm nay.

Và 1 cột mốc khác cũng được xác lập vào thời điểm này - Lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam ra đời 1 loại hình thông tin mới, đó là Tin nhanh!

Ngày 12/6/1982 - tờ Tin mới nhất Espana 82 chính thức được Thông tấn xã Việt Nam cho ra mắt bạn đọc cả nước với dòng tít chính ngay trang 1: Ngày mai 13-6, Ac-hen-ti-na - Bỉ: Trận khai mạc! Được quen gọi vắn tắt là Tin nhanh Espana 82, bản tin này được phát hành vào buổi chiều hàng ngày cung cấp những thông tin mới nhất về giải đấu diễn ra vào buổi sáng trong ngày, ngay lập tức đã tạo thành cơn sốt với người hâm mộ. Với lợi thế của cơ quan Thông tấn quốc gia, cùng hệ thống cơ quan thường trú tại nước ngoài mà không đơn vị báo chí trong nước nào vào lúc ấy có được, Tin nhanh Espana 82 thực sự là “Bàn thắng Vàng” của TTXVN về cả chất lượng nội dung đến tư duy làm báo đi trước thời đại.

Chú thích ảnh
Có một thời, các cửa hàng bán tivi còn là điểm thưởng thức bóng đá của người hâm mộ.
Ảnh: QT

Hồi ấy, cứ chiều chiều là người hâm mộ nô nức đi mua Tin nhanh, theo các bác, các chú đi trước thì: “Bản tin “của hiếm” lúc đó bán chạy như tôm tươi. Bạn đọc đứng đặc kín trước Tổng xã số 5 Lý Thường Kiệt, chầu chực mua báo. Nhiều người còn định xông cả vào trong phòng Phát hành để chất vấn vì sao có ít báo bán thế!”. Có lúc Tin nhanh Espana 82 đã có số lượng phát hành mỗi số lên tới 120-150 nghìn bản phủ cả ở 3 miền, bởi lẽ đơn giản, hồi đó, mấy nhà nào có tivi, còn Internet thì chưa ra đời!

3. Từ Espana 82, loại hình Tin nhanh thể thao ra đời và bùng nổ cho đến tận đầu những năm 2010, rồi dần mất đi trước sức phát triển như vũ bão của báo điện tử. Nhưng từ thành công vang dội của Tin nhanh Espana 82, ngày 21/8/1982, báo Thể thao & Văn hóa đã được khai sinh với tên gọi ban đầu là Văn hóa & Thể thao quốc tế (Tuần tin 16 trang, phát hành thứ Sáu hằng tuần). Tới ngày 4/8/1984, báo chính thức mang tên gọi Thể thao & Văn hóa và liên tục tăng từ 2 lên 3 kỳ/tuần, rồi phát hành liên tục các ngày trong tuần để trở thành tờ báo có vị trí số 1 trong làng báo thể thao - văn hóa Việt Nam hiện nay theo mô hình tổ hợp truyền thông.

40 năm đi qua với không ít vinh quang, thăng trầm, gian nan, những người làm Thể thao & Văn hóa hiểu rằng, vươn tới vị thế hàng đầu đã khó, nhưng duy trì vị thế đó còn khó khăn gấp bội. Nếu không thường xuyên đổi mới, vượt lên hoàn cảnh, và cả chính mình, thì sẽ khó trụ vững trong cuộc cạnh tranh đang ngày càng trở nên quyết liệt trong làng báo.

VŨ MINH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm