07/11/2022 08:02 GMT+7 | Văn hoá
Huỳnh Anh Tuấn là ông bầu năng động bậc nhất của sân khấu TP.HCM. Trong lúc nhiều sân khấu phải vật lộn với việc thu hẹp địa điểm diễn, tính toán xem nên diễn thường xuyên hoặc theo mùa, thì bầu Tuấn lại mở thêm các điểm diễn mới.
Huỳnh Anh Tuấn đã có hơn 30 năm gắn bó với múa rối, 25 năm với kịch nói và các chương trình thiếu nhi - nổi bật nhất là loạt chương trình Ngày xửa ngày xưa. Ông vừa khôi phục thành công nhóm cải lương Đồng ấu Bạch Long, vừa mở thêm Nhà hát Thanh niên (tại Nhà Văn hóa Thanh niên), sẽ ra mắt vào ngày 12/11. Đây là cách đi ngược dòng, hoặc là một chơi trội? Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trò chuyện cùng ông:
* Việc thành lập một nhà hát mới hẳn phải có những chiến lược và cách thức hoạt động khác so với sân khấu IDECAF phải không, thưa ông?
- Chúng tôi xác định Nhà hát Thanh niên sẽ đúng như tên gọi của nó, chứ không chỉ là một sân khấu kịch, tức sẽ có cả kịch nói, cải lương và nhạc kịch, chương trình thiếu nhi… Đây cũng là địa điểm thứ hai của IDECAF dành cho những vở có quy mô lớn hơn, đa dạng hơn về thể loại và cả những vở mang tính thể nghiệm.
Từ lúc manh nha dự án này, chúng tôi muốn hướng đến nguồn lực trẻ, không trùng lặp với dàn diễn viên IDECAF, như vậy mới đảm bảo sáng đèn cả hai bên và cũng đúng với tiêu chí của mình là phát triển đạo diễn, diễn viên trẻ, thực hiện những ý tưởng mới.
Tuy nhiên, đó là một kế hoạch đang được chuẩn bị kỹ lưỡng mà khán giả sẽ thấy trong khoảng 3 hoặc 4 tháng sau khi nhà hát ra mắt, còn trong giai đoạn đầu sẽ diễn những vở cũ đã từng rất “ăn khách” và khán giả vẫn đang rất chờ đợi như 12 bà mụ, Tiên Nga, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê… Dự án này cho tôi thỏa mãn ý muốn được xem lại những vở cũ giá trị, đặc biệt là những vở có đề tài lịch sử.
Vở mở màn cho nhà hát mới là 12 bà mụ, hơn 10 năm chưa diễn lại, nên khán giả rất chờ đợi. Đây là vở kịch có tính trào lộng, tươi vui, thông điệp phù hợp với mọi người, y trang, cảnh trí đều xuất sắc… theo tôi rất phù hợp với không khí khai trương một nhà hát.
* Cơ sở vật chất và các thiết bị hiện tại ở hội tường Nhà Văn hóa Thanh niên có đảm bảo cho một nhà hát như ông mong muốn không?
- Đã là hội trường thì không thể được trang bị như một nhà hát, tôi phải đầu tư, thay đổi nhiều thứ như ghế ngồi, cửa chống ồn, hệ thống âm thanh, ánh sáng… Tóm lại, mọi thứ đang được sắp đặt như một nhà hát mới hoàn toàn. Ban đầu dự tính bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng, để vận hành trong 3 tháng đầu, đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho vở diễn…
* Với nguồn lực mới được đầu tư cho nhà hát, ông làm thế nào để khán giả hiểu rằng các vở diễn ở đây đều được làm nghiêm túc để có những tác phẩm tốt, từ kinh phí cho đến chất lượng diễn viên… vì không thể tránh khỏi sự so sánh với dàn diễn viên đã quá nổi tiếng của IDECAF?
- Quan điểm xuyên suốt của tôi trong nhiều năm làm nghề là dù sân khấu lớn hoặc nhỏ đều phải tươm tất và chu đáo, điều này thể hiện sự tôn trọng khán giả, vì họ chính là những người mua vé nuôi sân khấu. Các vở diễn ở đây thậm chí còn có kinh phí đầu tư nhiều hơn bên IDECAF, vì sàn diễn lớn, nên nên cảnh trí và đạo cụ cũng nhiều hơn.
Tất nhiên với thời gian đầu, chúng tôi sẽ có những lúng túng dẫn đến sự chệch choạc, nhưng hy vọng sẽ khắc phục nhanh để theo kịp những đòi hỏi của khán giả.
* Hy vọng cũng như thử thách lớn nhất của anh khi bắt tay vào dự án này là gì?
- Tôi luôn đau đáu về lực lượng khán giả của sân khấu trong tương lai. Chúng tôi làm sân khấu 25 năm nay, kinh nghiệm cho thấy chăm sóc lứa khán giả kế thừa là điều rất quan trọng. Muốn làm được nghề thì phải có người tiêu thụ sản phẩm, mà một sản phẩm đặc biệt như nghệ thuật biểu diễn thì phải làm từ bây giờ thì năm sáu năm nữa mới có lứa khán giả hiểu và gắn bó với mình. Hơn mười năm trước, IDECAF chăm sóc khán giả thiếu nhi của chương trình Ngày xửa ngày xưa, bây giờ nhiều người trong số họ chính là khán giả của kịch nói.
Còn khó khăn nhất vẫn là kịch bản phù hợp với lứa tuổi học sinh cấp 3 và sinh viên đại học - khán giả mục tiêu mà Nhà hát Thanh niên muốn hướng tới. Đề tài thì thiếu trầm trọng, biên kịch thì chưa hiểu được tâm tư của khán giả tuổi 14 - 23. Lứa tuổi này tâm lý phức tạp, các em lựa chọn cái mới liên tục, rất dễ thích và cũng dễ chán, vì vậy kịch bản cần phải bám theo yêu cầu của sự thay đổi này. Tìm ra chiếc chìa khóa đó không phải là việc đơn giản.
* Có lẽ khâu kịch bản phải chạy từ bây giờ?
- Ngoài những vở cũ như đã nói trên, tôi “đề-pa” được 2 kịch bản mới cho nhạc kịch, cải lương, cũng đang chuẩn bị được từ 3 - 4 kịch bản khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang mời một số kịch bản từ các sân khấu khác, khi thấy những kịch bản có giá trị, anh em có thể tụ lại ở nhà hát này, thì tôi sẵn sàng mời về.
Tôi xây dựng nhà hát này theo bài bản của mình, mở màn lúc 19h30 các ngày cuối tuần, các vở diễn đều được rút ngắn thời lượng, chỉ chừng 120 phút; cải lương thì phải có tiết tấu nhanh, hiện đại. Thay đổi cái nghe, cái nhìn để cải lương trụ lại phần nào trong lòng khán giả là mừng rồi, chứ hiện nay tôi thấy cải lương vẫn đang được làm theo kiểu cũ, vậy thì khó để tìm khán giả mới. Nhạc kịch cũng làm thể loại trẻ trung, để hy vọng thu hút được khán giả đến với Nhà hát Thanh niên.
Bây giờ phải có nhiều loại hình trong một tác phẩm thì khán giả mới chịu khó mua vé đến nhà hát.
* Mới khôi phục nhóm cải lương Đồng ấu Bạch Long, rồi giờ là ra mắt Nhà hát Thanh niên, năng lượng ở đâu mà anh làm được nhiều thứ như vậy?
- Có mấy người cháu mà tôi đào tạo giờ đã điều hành được các địa điểm biểu diễn rất hiệu quả. Tôi chỉ lo chủ trương chung và tìm đối tác của các sân khấu. Nhân sự điều hành thì dễ tìm, cái chính là phải có dàn diễn viên ổn định. Tôi may mắn có được dàn diễn viên hết sức chung thủy, 25 năm nay vẫn đồng hành cùng nhau.
Làm nghề biểu diễn thì nhân hòa là yếu tố rất quan trọng, anh em ở IDECAF đều tài năng và yêu nghề.
* Nhà hát có giá vé và các hình thức bán vé như thế nào?
- Hiện nay hơn 2/3 số vé được bán trên Ticket Box, phần còn lại được bán trực tiếp tại các phòng vé. Giá vé thì mỗi loại nhỉnh hơn bên IDECAF chừng 50 ngàn đồng, vì bên này như đã nói, kinh phí đầu tư nhiều hơn.
* Cảm ơn những chia sẻ của ông!
“Hơn mười năm trước, IDECAF chăm sóc khán giả thiếu nhi của chương trình Ngày xửa ngày xưa, bây giờ nhiều người trong số họ chính là khán giả của kịch nói” - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. |
Lâm Hạnh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất