Bóng đá Olympic: CLB thắng kiện, cầu thủ vẫn ở lại?

07/08/2008 09:36 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Chiều tối nay, Argentina sẽ chơi trận đầu tiên ở Olympic Bắc Kinh 2008 (gặp BBN), nhưng khả năng Messi có được ra sân trong trận đấu này hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Barca đã thắng kiện FIFA, nên họ có thể gọi anh về bất cứ lúc nào.

Hôm qua, sau hơn 1 tuần xử lý hồ sơ, Tòa án Thể thao Quốc tế (CAS) đã đưa ra được phán quyết cuối cùng trong vụ 3 CLB Barca, Werder Bremen và Schalke kiện FIFA sau khi tổ chức này, thông qua Ủy ban Tư cách cầu thủ, bắt buộc họ phải để những cầu thủ trong độ tuổi Olympic, mà ở đây là Messi, Diego và Rafinha, đến Trung Quốc tham dự TVH Bắc Kinh 2008.
 
Theo phán quyết này, các CLB không có nghĩa vụ phải trả người cho Olympic, vì giải đấu này không nằm trong lịch thi đấu chính thức của FIFA, mà FIFA cũng chưa có điều luật nào quy định việc trả người cho Olympic là bắt buộc. Như vậy, nếu các đội bóng chủ quản có yêu cầu, những Diego, Rafinha và Messi sẽ phải trở lại ngay lập tức. Phía FIFA, dù rất "ngạc nhiên", vẫn "hoàn toàn tôn trọng" phán quyết này.

Về luật, chuyện thế là đã quá rõ ràng: Messi PHẢI trở lại Barca, và điều tương tự sẽ xảy ra với trường hợp của Diego (Bremen) và Rafinha (Schalke). Điều người ta quan tâm nhất lúc này, là các CLB sẽ hành xử theo cách nào, một khi họ đã nắm trong tay quyền tự quyết? Bởi lý là một chuyện, nhưng vẫn còn đó chữ tình.
 
Messi (trái) vẫn sẽ ở lại Bắc Kinh

Khát khao được bảo vệ màu cờ sắc áo Argentina ở Olympic trong Messi cháy bỏng đến thế nào thì tất cả đều đã biết. Diego và Rafinha thì thậm chí đã rời CLB ngay cả khi FIFA chưa có phán quyết hôm 31/7. Chính tiền đạo 21 tuổi này, ngay sau khi vừa đặt chân đến Trung Quốc, đã thừa nhận rằng anh thực sự muốn chơi cho Olympic Argentina, rằng "tôi đã đến được nơi mà tôi muốn đến nhất". Đó là điều Messi không thể nói thẳng với các lãnh đạo của Barca, vì giữa anh và đội bóng có một sợi dây ràng buộc khá đặc biệt về tình cảm. Barca là đội duy nhất đã dang tay khi Messi cần tiền chữa trị căn bệnh thiếu hooc-môn tăng trưởng; vì thế, anh luôn tự cảm thấy mình mang nợ Barca.

Bởi sự giằng xé ấy, Messi đã phải sống dưới những áp lực rất khủng khiếp trong suốt một thời gian dài mà không thể nói ra. Tệ hơn, thái độ im lặng của anh bị các CĐV ở quê nhà quy chụp thành không yêu nước, bị HLV Batista dọa phạt, bị huyền thoại Maradona chê là "thiếu cá tính" và không có phẩm chất thủ lĩnh. Chỉ sau khi Messi đã có mặt ở Thượng Hải, người ta mới thấy anh cười.

Phán quyết của CAS gồm có 2 điểm chính:
- Giải bóng đá ở Olympic Bắc Kinh không có trong Lịch thi đấu quốc tế (Coordinated Match Calendar) và Ủ ban điều hành của FIFA không thể bắt buộc các đội bóng phải nhả cầu thủ dưới 23 tuổi cho giải đấu này.
- Yêu cầu các CLB phải giải phóng cầu thủ tham dự giải bóng đá ở Olympic Bắc Kinh là trái luật.

 
Nếu bây giờ bị Barca gọi về, Messi chắc chắn sẽ ngoan ngoãn nghe theo, dù trái tim anh thực sự mong muốn điều ngược lại. Sự miễn cưỡng ấy có thể giết chết cảm hứng chơi bóng của Messi. Và cũng không loại trừ khả năng, dư luận Argentina sẽ lại quay lưng với anh một lần nữa.

Sẽ là một tội lỗi nếu Barca không thèm để ý đến tất cả những điều ấy chỉ vì muốn có được cảm giác chiến thắng trước người khổng lồ FIFA.

Nói thẳng ra, việc Barca "làm dữ" trong thời gian trước đây một phần là vì lúc đó, họ còn chưa rõ đối thủ của mình ở vòng sơ loại thứ 3 Champions League sẽ là đội nào. Còn bây giờ, khi đã biết đó chỉ là 1 trong 2 cái tên nhược tiểu, hoặc Wisla hoặc Beitar, mà Barca không cần Messi cũng thừa sức "làm gỏi", Laporta và bộ sậu không nhất thiết phải làm căng nữa.
 
Từ trước khi phán quyết được đưa ra, Laporta đã úp mở về khả năng để Messi tiếp tục ở lại với O.Argentina, "nếu đó là mong ước của cậu ấy". HLV Guardiola, bị thuyết phục bởi sức công phá tuyệt vời của hàng công trong các trận giao hữu (4 trận 19 bàn, trong đó trận thắng Chivas 5-2 không có Messi), cũng muốn qua vụ này chứng tỏ là ở Barca của ông, không tồn tại cái gọi là hội chứng phụ thuộc Messi như thời Rijkaard. "Dù chuyện gì xảy ra, chỉ cần Messi cảm thấy hạnh phúc là được".

Điều gì làm Messi cảm thấy hạnh phúc nhất, Barca tất nhiên không thể không biết...
 
Bremen và Schalke đã "OK"

Hai đội bóng Đức là Werder Bremen và Schalke, mặc dù chính là những đội phản ứng gay gắt nhất trong vụ này, đã quyết định để cho các cầu thủ của họ là tiền vệ Diego và hậu vệ cánh Rafinha tiếp tục ở lại với đội tuyển O.Brazil cho đến khi môn bóng đá nam của Olympic Bắc Kinh kết thúc. Yêu cầu của Bremen và Schalke là LĐBĐ Brazil thỏa mãn được những điều kiện do họ đặt ra trong trường hợp các cầu thủ bị chấn thương.

Rõ ràng, mục đích thực sự của các CLB khi tham gia vào vụ kiện tụng này không hẳn là để giữ người, mà là để có được sự tôn trọng từ FIFA và chứng tỏ rằng không phải tổ chức này cứ muốn gì là được.
Phản ứng các bên

Barca: Laporta vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, dù người phát ngôn của CLB Lazaro đã nói rằng "Messi phải trở lại, vì đó là giải pháp tốt nhất hiện nay". Sau khi có phán quyết của CAS, Barca chỉ mới thông qua hãng tin EFE thể hiện sự "hài lòng" với chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với FIFA.

Argentina: Chủ tịch LĐBĐ nước này, ông Julio Grondona, khẳng định rằng dù có phán quyết của CAS, thì Messi vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Mà theo HLV Batista, "Messi sẽ ở lại với toàn đội cho đến hết giải đấu, vì cậu ấy đã nói với tôi rằng cậu ấy thực sự muốn như thế".

FIFA: Sepp Blatter nói rằng FIFA cảm thấy "ngạc nhiên và thất vọng với phán quyết của CAS, nhưng sẽ tôn trọng nó". Dù vậy, Blatter vẫn kêu gọi các CLB để cho cầu thủ của mình sự Olympic, bởi "đó là một biểu hiện của tình đoàn kết theo tinh thần Olympic", "tốt cho các cầu thủ, các CĐV và tốt cho chính Olympic Bắc Kinh".

IOC: GĐ tổ chức các kỳ TVH của IOC, ông Gilbert Felli, bày tỏ: "Tôi lấy làm tiếc cho các VĐV, những người đã đến đây và mơ về những cuộc tranh tài". Felli cũng cho biết, IOC đang hợp tác với FIFA để đảm bảo rằng trong tương lai, những cầu thủ tốt nhất sẽ được góp mặt ở Olympic.

Benitez đừng mơ "tát nước theo mưa"

Ngay sau khi CAS ra phán quyết, HLV Rafa Benitez của Liverpool đã nghĩ đến việc gọi những cầu thủ Liverpool đang có mặt ở Trung Quốc, gồm Babel của O.Hà Lan, Leiva của O.Brazil và Mascherano của O.Argentina, trở về để chuẩn bị cho trận đấu thuộc vòng sơ loại thứ 3 Champions League sắp tới.

Tuy nhiên, đây là điều không thể, bởi CAS đã nói rõ rằng "phán quyết này chỉ có giá trị với các trường hợp của Diego, Rafinha và Messi (bởi họ chỉ nhận được đơn kiện của Barca, Bremen và Schalke). Những cầu thủ đã được đăng ký dự Olympic và không thuộc diện tranh chấp vẫn tiếp tục được tranh tài ở Bắc Kinh 2008".

Hồ sơ: CAS chống lại "cha đẻ"

Phán quyết mới nhất của CAS rõ ràng là có thể khiến y ban Olympic quốc tế (IOC) thiệt hại nặng nề: Hãy thử tưởng tượng đến cảnh những ngôi sao sáng nhất của Olympic Bắc Kinh lần lượt bị rút về nước. Có thể xem đây là một biểu hiện của "luật pháp bất vị thân", bởi IOC được coi như "cha đẻ" của CAS.

Năm 1984, Chủ tịch IOC khi đó Joan Antonio Samaranch đã ra quyết định thành lập CAS (viết tắt của Court of Arbitration for Sport, tên tiếng Pháp viết tắt là TAS), một đơn vị trực thuộc IOC chuyên lo giải quyết các vụ kiện tụng. Phải đến 10 năm sau, CAS mới tách hẳn khỏi IOC để hoạt động như một tổ chức độc lập, sau một phán quyết của một tòa án Thụy Sỹ. Dù vậy, giữa 2 tổ chức này vẫn có một mối liên hệ không nhỏ, khi mà phần lớn các thành viên của CAS cũng là người của IOC.

Trước đây, CAS giải quyết tất cả mọi tranh chấp liên quan đến thể thao, nhưng do quy mô nhỏ không kham nổi, tổ chức này hiện chủ yếu chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển nhượng và doping. Một trong những phán quyết quan trọng gần đây của CAS là trong vụ cầu thủ Webster kiện Hearts đòi được ra đi, dẫn đến sự ra đời của luật Webster.

Việt Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm