"Ma lực đồng tiền" của Oliver Stone

08/10/2010 11:06 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Khi nhắc đến đạo diễn Oliver Stone, khán giả yêu thích điện ảnh thường nghĩ ngay đến các tác phẩm thuộc dạng “nặng đầu”. Thật hiếm có một đạo diễn nào tại Hollywood lại khai thác nhiều về những đề tài khó nhằn đến thế. Trong cả sự nghiệp của mình, ông đã từng làm 3 bộ phim về chiến tranh Việt Nam, 3 phim liên quan đến các đời tổng thống, ngoài ra còn 2 phim tiểu sử có thời lượng rất dài nữa (The Doors, Alexander). Wall street: Money Never Sleeps (Ma lực đồng tiền) được coi là phần 2 của Wall Street do chính Oliver Stone thực hiện hồi năm 1987.

Ma lực đồng tiền lấy bối cảnh ngay trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra vào cuối năm 2008. Khi đó hàng loạt các ngân hàng đứng trước nguy cơ bị phá sản hoặc quốc hữu hóa, hàng chục nghìn người mất việc làm, nhưng cũng không ít kẻ trục lợi, làm giàu từ sự kiện này. Sau 8 năm ngồi tù vì tội rửa tiền và gian lận chứng khoán, Gordon Gekko (Michael Douglas) được thả tự do. Thời gian đủ dài để Gordon thay đổi, thay vì tìm mọi cách trở lại thị trường phố Wall, ông xuất bản một cuốn sách về tài chính. Cùng lúc đó, Jake Moore (Shia LaBeouf), một thương nhân trẻ đầy tài năng đang cố gắng cứu lại sự nghiệp cho người thầy Louis Zabel khỏi món nợ khổng lồ lên đến hàng tỷ USD. Không còn cách nào khác Jake phải tìm đến sự tư vấn của Gordon. Ngược lại Jake sẽ cố gắng hàn gắn lại mối quan hệ cha con giữa Gordon và Winnie (Carey Mulligan), người vợ chưa cưới của anh.

Diễn biến tâm lý của nhân vật chính là điểm hay nhất trong Ma lực đồng tiền. Họ, từ Jake, Winnie cho đến con cáo già Gordon, con rắn độc Bretton James (James Brolin) hay thậm chí cả ông già Louis đáng thương đều có tính cách riêng, ẩn chứa những bí mật riêng. Đạo diễn Oliver Stone khai thác rất tốt mối quan hệ giữa họ. Tuy nhiên, phần kịch bản ít tính bất ngờ (ngoài trường đoạn cuối), chưa phơi bày toàn bộ sự thật một cách sòng phẳng, mạnh mẽ, cũng như chưa đủ độ dữ dội, điều mà ông đã làm được trong các tác phẩm trước đây, khiến Ma lực đồng tiền giảm bớt sự hấp dẫn.

Bên cạnh những mối quan hệ, sự đối đầu chồng chéo giữa các tuyến nhân vật trong phim, Oliver Stone còn sử dụng hàng loạt hình ảnh ẩn dụ (Domino, nhà cao tầng, ánh đèn, bong bóng xà phòng...) để diễn tả cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong vòng mấy chục năm qua.


Hoàng Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm