(TT&VH Cuối tuần) -
Siêu phẩm vào lưới Ghana có lẽ sẽ là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp non trẻ của Mesut Oezil ở ĐTQG. Tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ này đang đi đúng hướng trên con đường khẳng định vai trò một cầu thủ tấn công dạng “số 8” trong đội hình tuyển Đức.Người Đức không có một cầu thủ “số 10” cổ điển, như Diego Maradona của người Argentina, Zidane của người Pháp, hay Totti của người Italia. Nhiệm vụ dẫn dắt lối chơi theo truyền thống của người Đức thậm chí ở trong tay những tiền vệ thủ như Lothar Matthaus, hay Stefan Effenberg, Franz Beckenbauer,… còn đột phá để tạo khoảng trống, sút phạt và đóng vai trò một mũi nhọn bất thần từ tuyến hai thuộc về những cầu thủ “số 8” như Andreas Moeller, hay Thomas Haessler trong quá khứ. Oezil là một dạng cầu thủ như thế, thậm chí anh còn mang những nét “cải tiến” trong lối chơi của đội Đức trong giai đoạn trải qua cuộc cách mạng về lối chơi được Klinsmann khởi xướng cách đây 4 năm: Cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ có những phẩm chất pha trộn giữa một “số 10” và một cầu thủ chơi cánh. Anh có thể đưa ra những pha chọc khe hóc hiểm và xử lý bóng khá ngẫu hứng, nhưng cũng có thể xuống biên, tạt bóng và khi được xếp đá trái kèo như hiện tại, Oezil còn đóng vai trò một khẩu đại bác từ tuyến hai với những tình huống xộc thẳng từ cánh vào trung lộ để dứt điểm.
Bàn thắng vào lưới Ghana là một tình huống như thế: Cú đá của Oezil là một pha xử lý kết hợp giữa sự ngẫu hứng và cả sự… tỉnh táo thường thấy của người Đức. Trước khi tung ra cú đại bác vào góc cao, Oezil đã cho quả bóng nảy lên một chút và chính quyết định hợp lý ấy đã giúp anh làm nên một cú sút có lực và độ hiểm hóc cao nhất.
Đó mới là bàn thắng thứ 2 của tiềnvệ CLB Bremen cho ĐT Đức, trong lần ra sân thứ 13, con số xui xẻo theo quan niệm phương Tây. Pha lập công ấy tiếp tục đánh dấu một cột mốc lớn nữa trên con đường sự nghiệp quốc tế của Oezil: Chỉ một năm trước thôi, anh còn đứng trong hàng ngũ của U-21 Đức vô địch giải trẻ châu Âu. Đến cuối năm 2009, tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu “tấn công” mạnh mẽ vào màu áo ĐTQG: Anh ra mắt “Mannschaft” lần đầu tiên vào tháng 2 năm ngoái, nhưng chỉ đến khi ghi được bàn thắng đầu tiên cho ĐT Đức trong chiến thắng 2-0 trước Nam Phi ở trận giao hữu diễn ra vào tháng 11, Oezil mới thực sự được HLV Joachim Loew nghiêm túc coi như một viên gạch cơ bản trong lối chơi tấn công mà ông xây dựng cho đội Đức.
Oezil đã không phụ lòng ông thầy của mình: Anh tiếp tục khẳng định mình là một trong những tiền vệ công xuất sắc nhất ở Bundesliga trong màu áo Bremen mùa giải vừa qua, và là một mũi nhọn quan trọng trong sơ đồ tấn công khá liều lĩnh mà HLV Loew đang áp dụng. Oezil và Sami Khedira là những cầu thủ được phép hoạt động tự do nhất trong hệ thống 4-2-3-1 của Loew. Với Oezil, anh chính là người lãnh trách nhiệm tạo ra khoảng trống cho các đồng đội nhờ khả năng đi bóng lắt léo và những đường chuyền rất “quái” của mình.
Trên hết, tiền vệ gốc Thổ Nhĩ Kỳ chính là cầu thủ tiêu biểu nhất cho một thế hệ cầu thủ mới của đội Đức, sau lứa những Podolski, Klose,… những người đã giữ vai trò nòng cốt trong 2 World Cup gần nhất. Ở VCK năm nay, Đức mang đến Nam Phi đội ngũ có tuổi đời trẻ nhất trong 76 năm trở lại đây, với nòng cốt là những cầu thủ trẻ đã đăng quang ở giải U-21 châu Âu năm ngoái (7 người). Và khi lứa cầu thủ ấy biết cách tỏa sáng ở sân chơi lớn như World Cup, như Oezil đang làm, người Đức có quyền mơ về một tương lai xán lạn nữa, sau một thập niên làm mưa làm gió ở các giải đấu lớn (á quân World Cup 2002 và EURO 2008, giải 3 World Cup 2006), với thế hệ của Podolski, Klose.